Cập nhật cổ phiếu VCG (Vinaconex): trúng thầu nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 21/4, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vinaconex, nêu chi tiết tên một vài dự án lớn như cao tốc Bắc Nam (đoạn quốc lộ 45- Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu), sân bay Long Thành, sân bay Phú Bài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...

 

Một số gói thầu xây dựng giá trị lớn khác là dự án thủy điện Yaly mở rộng, Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.

Năm nay, Vinaconex dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng vào dự án Cát Bà Amatina, Hải Phòng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng triển khai công tác nghiên cứu lập quy hoạch một số dự án như khu đô thị sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên; dự án làng đô thị xanh Lai Nghi, Quảng Nam.

Tại đại hội, một số cổ đông bày tỏ lo ngại tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới doanh thu các dự án xây dựng và hạ tầng giao thông.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho rằng tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng nguồn vốn của nhà thầu, song dòng tiền của Vinaconex không bị mất cân đối. Các dự án hạ tầng vẫn đảm bảo tiến độ đã ký kết.

Cổ đông cũng đề nghị lãnh đạo Vinaconex làm rõ việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Vinaconex ITC với dự án Cát Bà Amatina. Ông Đào Ngọc Thanh giải thích, đây là dự án được kỳ vọng trở thành tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư là Vinaconex ITC.

Dự án này sẽ hoàn thành đầu tư năm 2025 và bán hàng vào năm 2028, tổng lợi nhuận sau thuế ước tính hơn 16.000 tỷ đồng. Vinaconex hỗ trợ cho Vinaconex ITC về năng lực tài chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng mục tiêu. Lợi ích gián tiếp còn từ giá trị xây lắp và thương hiệu dự án.

Năm ngoái, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid, tổng doanh thu hợp nhất của Vinaconex đạt 6.296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 520 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch. Năm 2022, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1400 tỷ đồng, bằng 243% và 269% so với thực hiện năm 2021.

Tại đại hội, Vinaconex trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 28%, bao gồm 18% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu.

Cập nhật ngày 1/11/2021: Vinaconex đầu tư xây dựng cảng biển

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã góp 40% vốn xây dựng Cảng Quốc tế Vạn Ninh (Quảng Ninh).

Tuần qua, dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 đã được khởi công. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh, trong đó Vinaconex góp 40% số vốn, Công ty cổ phần tập đoàn Dương Đông góp 40%, đối tác địa phương góp 20%. Ở dự án này, Vinaconex cũng đảm nhận vai trò tổng thầu.

Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh có tổng diện tích quy hoạch là 480 ha, trong đó giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 82 ha; tổng chiều dài bến là 500 m cho tàu biển và 390 m bến sà lan. Tổng mức đầu tư là 2.248 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn 1.

Đây là một trong chuỗi 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của Quảng Ninh, có khả năng tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 20.000 tấn, tàu phà sông biển và thuỷ nội địa, có chức năng đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc.

Với thế mạnh xây dựng, Vinaconex đang hướng đến là nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông như cao tốc, cảng biển, sân bay.

Vinaconex và liên danh đang đảm nhiệm 3 gói thầu lớn nhất tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư. Mới đây nhất, doanh nghiệp tham gia gói thầu "Thi công xây dựng công trình; Cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây lắp hệ thống Cơ, Điện" thuộc dự án "Xây dựng nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài". Gói thầu có giá trị trên 1.545 tỷ đồng.

Trong quý 3, Vinaconex đã đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.269 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý III đạt 109 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 535 tỷ đồng. Nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện lên mức 16% so với mức 15% trong cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.840 tỷ, tăng 57% so với đầu năm và tăng nhẹ hơn 2% so với cuối quý 2. Vốn chủ sở hữu là 7.508 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.043 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Vinaconex, trong bối cảnh quý 3 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế trầm lắng, kết quả lợi nhuận như trên cho thấy nỗ lực đáng kể của Vinaconex, đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động đầu tư chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá dịp cuối năm và năm tới.

Nha thau xay dung keu cuu Thu tuong anh 1

Giá vật liệu đầu vào tăng làm độn chi phí của doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Cập nhật ngày 22/8/2021: VCG (Vinaconex), Cienco 4, Eurowindow cùng các nhà thầu xây dựng kêu cứu Thủ tướng

Hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... vừa có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, công nhân trong các dự án trong tình trạng bấp bênh, khó duy trì số lượng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình, phát sinh chi phí.

Mặt bằng chung giá các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm, tăng cao nhất là sắt, thép, xi măng... Trong khi đó, đa số hợp đồng xây dựng hiện nay áp dụng đơn giá cố định, không điều chỉnh theo thời điểm ký khiến nhà thầu gặp khó khăn.

Tổng công ty Cổ phần Vinaconex phản ánh gặp nhiều rủi ro khi lập giá dự thầu do không lường trước được các ảnh hưởng của dịch bệnh tới giá chào thầu. Việc này dẫn đến giá dự thầu của các nhà thầu mất tính cạnh tranh hoặc tăng vượt giá gói thầu

Trong công tác thi công, các dự án đang được thi công cũng không đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, phát sinh các chi phí phòng chống dịch. Nguy cơ chậm tiến độ có thể xảy ra. Còn các dự án phải tạm dừng thi công thì phát sinh nhiều loại chi phí như ăn ở, phòng chống dịch, bảo quản vật tư...

Chi phí thực hiện dự án tăng cao trong khi việc điều chỉnh hợp đồng với các dự án có nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn. Vinaconex cho biết dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch 6 tháng cuối năm nếu tiếp tục kéo dài.

Trong khi đó, Tập đoàn Cienco 4 nêu khó khăn trong 3 vấn đề gồm ách tắc trong vận chuyển hàng hóa, lưu thông làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu khiến chi phí tăng cao; nhiều công nhân nghỉ việc làm nguồn lao động bị hạn chế.

Công ty Eurowindow cho biết dịch làm khó tiếp cận khách hàng, các dự án không triển khai được trong thời gian giãn cách. Giá nguyên vật liệu tăng cao, các loại chi phí cũng tăng, trong khi chi phí lãi vay ngân hàng vẫn chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.... Lợi nhuận doanh nghiệp giảm 70-80%.

Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) khẳng định diễn biến dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. Thay mặt cho các nhà thầu, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thứ hai, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Thứ ba, đề nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Thứ tư, xin Thủ tướng hỗ trợ dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả doanh nghiệp xây dựng.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%. Cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Link nội dung: https://vinabull.vn/vcg-vinaconex-cienco-4-eurowindow-cung-cac-nha-thau-xay-dung-keu-cuu-thu-tuong-a1199.html