Định giá cổ phiếu CTG (VietinBank): có đà tăng trưởng lợi nhuận, giá mục tiêu 30.600 đồng/cp

Vietinbank là một trong vài ngân hàng vẫn tiếp tục có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh.

 

ctg-aug31-1630420718.jpg
Vietinbank là một trong vài ngân hàng vẫn tiếp tục có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh.

 

Tín dụng tăng trưởng tốt trong Quý 4 nhờ được nới hạn mức Quý 4/2022 tín dụng của Vietinbank đạt 1.279 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% QoQ và đưa tín dụng cả năm của Vietinbank tăng 12,2% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 5 năm qua của CTG.

Cuối Quý 4/2022, CTG chỉ nắm giữ 4.679 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 61% QoQ đưa tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietinbank về mức 0,4%.

Vietinbank ghi giảm mạnh nợ xấu Quý 4/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank đạt mức 1,24% (giảm 18 bps so với quý liền kề), nợ nhóm 2/cho vay khách hàng tăng 55 bps so với quý 3 lên mức 2,35% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 34% so với quý 3 về mức 188%. Khoản ghi giảm nợ xấu này tương đương 1,18% dư nợ cho vay khách hàng của Vietinbank.

Quý 4/2022, NIM Vietinbank đạt mức 3,01%, tăng 18 bps so với cùng kỳ và giảm 8 bps so với quý liền kề.

Quan điểm đầu tư:

Vietinbank là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong vài năm qua. Trong giai đoạn từ 2018-2022, CTG tăng trưởng LNST bình quân là 33,8%, ROE tăng từ mức 8% lên 16,7%.

Trong hai năm vừa qua, Vietinbank đã đẩy mạnh hoạt động trích lập dự phòng cũng như ghi giảm các khoản nợ xấu dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhưng điều này cũng tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho những năm tới.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng trong đó có Vietinbank cũng đối diện với những cơn gió ngược trong năm 2023.

Do đó, BVSC đánh giá NEUTRAL đối với CTG với mức giá mục tiêu là 30.600 đồng/cp.

Cập nhật ngày 22/12/2021: Kì vọng giảm trích lập dự phòng, giá mục tiêu 39.900 đồng/cp

 

 

Sơ lược kết quả Q3/21: Tác động trung bình lên thu nhập, nhưng tác động mạnh hơn lên chất lượng tài sản

Kết quả kinh doanh Q3/2021 thấp hơn dự kiến do sức khỏe bảng cân đối bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình giãn cách xã hội.

Thu nhập lãi thuần quý 3/2021 vẫn khả quan, tăng 9% so với cùng kì nhờ nền so sánh NIM chưa tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng tốt. NIM (quy năm) giảm -45 điểm cơ bản xuống 2,8%, thấp hơn so với năm ngoái (3,0%). NIM co hẹp được ước tính khiến LNTT giảm 6% so với cùng kì. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng tăng lên + 6,3% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động là 8,3% so với đầu năm, đủ để giảm áp lực lên tỷ lệ LDR vốn giảm xuống 82%. Số dư tài sản sinh lãi tăng 14,5% YoY, dẫn dắt bởi cơ sở tín dụng mở rộng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng LNTT. Các nguồn thu nhập ngoài lãi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thu hồi nợ đóng góp phần lớn mức giảm 11% YoY của thu nhập ngoài lãi khác một phần do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng trong quý 3/2021. Đối với thu nhập dịch vụ, mảng bảo hiểm, bảo lãnh và thanh toán giảm so với Q2/2021.

Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ, thể hiện qua mức CIR thấp ổn định. Điều này nhằm bù trừ tác động của dịch bệnh lên chi phí trích lập dự phòng khiến nó tăng 14% so với cùng kì trên nền so sánh cao. Cụ thể, chi phí trích lập dự phòng hàng quý đạt đỉnh ở quý 3 trong năm 2020. Kết quả là LNTT tăng trưởng 5% YoY. ROA (dồn 12 tháng) không đổi ở mức 1,2%, trong khi ROE (dồn 12 tháng) giảm nhẹ xuống 18,4%.

Trong các quý trước, CTG có độ nhạy cao với sự biến động ở trích lập dự phòng. Với gần 37% danh mục cho vay là dư nợ doanh nghiệp lớn, nên bất kỳ sự dịch chuyển nào trong nhóm nợ sẽ dẫn đến sự biến động đáng kể của tỷ lệ chi phí tín dụng. Lợi nhuận trước dự phòng trong Q3/2021 ước tính giúp LNTT tăng trưởng 18% YoY, trước khi sự biến động ở trích lập dự phòng kéo tăng trưởng LNTT xuống 5% YoY. Trong giai đoạn thiếu chắc chắn hiện nay, chúng tôi cho rằng sự biến động trong trích lập dự phòng hàng quý sẽ còn tiếp tục duy trì.

Chất lượng tài sản đã chịu tác động mạnh như kì vọng. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,7% từ 1,3% của quý 2/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 0,5%. Dư nợ được cơ cấu tăng từ 4,2 nghìn tỷ đồng trong quý 2 lên 7,8 nghìn tỷ đồng trong quý 3 năm 2021. Tương ứng, tổng dư nợ của các khách hàng được cơ cấu tăng từ hơn 49 nghìn tỷ đồng lên 69,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng (dồn 12 tháng) tăng chậm do các nợ xấu hoàn nhập ròng trong quý 4/20 và quý 1/21.

Kì vọng vào phục hồi kinh tế để giảm áp lực lên quy mô trích lập dự phòng

Dựa trên tỉ lệ nhảy nhóm hiện tại của các nhóm nợ, nếu sự thay đổi biên tiếp tục duy trì, kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt 1,4% vào cuối năm, đạt kế hoạch năm của CTG (dưới 1,5%). Chúng tôi nghĩ rằng ngân hàng sẽ xử lý rủi ro nợ xấu tích cực hơn trong quý cuối cùng, tương tự như trong quá khứ. Tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng (dồn 12 tháng) của Q4/21 ước tính đạt 1,4%, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong giai đoạn tái mở cửa của một số khách hàng lớn bị phân loại thành nợ xấu trong Q3.

Có thể có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu cũng như tốc độ hình thành nợ cơ cấu. Nợ nhóm 2 đang tăng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ nợ xấu. Khoảng cách lớn giữa tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ sớm được thu hẹp vào cuối năm do hiệu ứng nền so sánh đến từ trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC giảm dần.

Tác động của đại dịch dự kiến vẫn gây áp lực lên lợi nhuận trong các quý tới. Kết hợp với nền so sánh sẽ cao, dự phóng độ biến động lớn trong tăng trưởng lợi nhuận kì vọng trong hai quý tới.

Triển vọng năm 2022

Sau khi ngân hàng cập nhật về định hướng, kì vọng về kinh tế và chính sách trích lập dự phòng, chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận giai đoạn 2021-2022.

Thu nhập lãi thuần năm 2021 điều chỉnh giảm -2% xuống 41,6 nghìn tỷ đồng (+17% YoY). Chúng tôi giữ mức tăng trưởng tín dụng 2021 dự phóng ở mức +9,4%, đạt mức trần tăng trưởng tín dụng hiện tại (9,5%) mặc dù gần đây CTG đã nộp đơn xin NHNN hạn mức tăng trưởng tín dụng trên 12%. Chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho toàn ngành là 13,1%, thấp hơn kỳ vọng của CTG (14%), do đó chúng tôi phản ánh mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cho CTG. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 của chúng tôi được điều chỉnh tăng lên. Về phía NIM, đường cong NIM dự phóng giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh dốc hơn khi chúng tôi cân nhắc quy mô của gói hỗ trợ lãi suất hiện tại dựa trên mức giảm lãi thực tế. Dự báo NIM năm 2021 được điều chỉnh giảm -7 điểm cơ bản chủ yếu do điều chỉnh lãi suất cho vay, trong khi được hỗ trợ bởi lãi suất trên giấy tờ có giá giảm. Dự báo NIM năm 2022 được điều chỉnh giảm -3 điểm cơ bản do chênh lệch lãi suất thu hẹp. Nhìn chung, thu nhập lãi thuần 2022 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng (+14% YoY).

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng điều chỉnh thu nhập phí thuần giai đoạn 2021-2022 giảm -4% mỗi năm do tác động lên các nguồn thu nhập trong quý 3/21. Kỳ vọng lợi nhuận mảng bảo lãnh và thanh toán sẽ phục hồi trong quý cuối cùng khi hoạt động thương mại và tiêu dùng phục hồi trở lại.

Áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, với mức độ phụ thuộc vào xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Sẽ có nhiều khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể trong hai quý tới từ các khách hàng có dư nợ lớn đã được phân loại lại từ nhóm 1 thành nhóm 3 và 4 trong quý 3/2021 vừa qua. Các khoản này đóng góp lớn vào mức tăng +201% và +859% so với quý trước của dư nợ nhóm 3 và nhóm 4. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì thận trọng đối với tác động của đại dịch, độ trễ của việc hình thành nợ xấu và sự thiếu chắc chắn của quá trình phục hồi. Tỉ lệ chi phí tín dụng sau điều chỉnh giai đoạn 2021-2022 lần lượt là 1,6% và 1,4%.

Dự báo LNTT giai đoạn 2021-2022 ở mức 20,5 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) và 23,8 nghìn tỷ VND (+16% YoY), lần lượt giảm 15% và 13% so với dự báo trước của chúng tôi. Điều này đồng nghĩa tăng trưởng lợi nhuận gần như đi ngang trong quý 4/21. Chúng tôi nhận thấy nhiều bất ngờ có thể xảy ra đến từ việc ghi nhận khoản phí trả trước và hoàn nhập dự phòng.

Sự biến động trong lợi nhuận đến từ độ nhạy với chi phí tín dụng biên. Điều này có thể dẫn đến chiết khấu lớn đối với hệ số định giá tùy thuộc vào chu kỳ kinh doanh. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu giai đoạn 2021-2022 sau điều chỉnh lần lượt là 20.327 đồng và 22.645 đồng. Toàn ngành vừa trải qua giai đoạn căng thẳng và đang phục hồi về mặt thị giá. Do đó, chúng tôi kì vọng hệ số định giá thị trường duy trì cao ổn định miễn là quá trình phục hồi diễn ra tốt.

Nhìn chung, Công ty Chứng khoán Rồng Việt điều chỉnh giảm -1% giá mục tiêu 1 năm xuống 39.900 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.  

 

Cập nhật ngày 17/3/2021: buổi gặp gỡ tích cực

Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ NĐT của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) diễn ra ngày 17/03/2021. Một số ghi nhận chính như sau:

*    CTG công bố đã chính thức tuân thủ tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41 kể từ ngày 01/01/2021.
*    Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2021 là 6%-12% - tương ứng với giả định hiện tại của chúng tôi là 9,1%.
*    Kế hoạch tăng trưởng huy động 2021 là 8-12% - phù hợp với giả định hiện tại của chúng tôi là 11,0%.

Kế hoạch LNTT 2021 hiện chưa được công bố khi ngân hàng đang chờ phê duyệt của cơ quan quản lý cho kế hoạch này. CTG sẽ đề xuất kế hoạch này để cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt.

CTG hiện đang đợi cơ quan quản lý phê duyệt để thanh toán cổ tức 2020 là 15% - 5% là cổ tức tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu – và sẽ đề xuất để cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới. Cổ tức 2021 dự kiến là trên 12% - một phần sẽ bằng cổ tức tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu (hiện chưa công bố tỷ lệ chi tiết).

CTG kỳ vọng sẽ bán các sản phẩm bảo hiểm Manulife từ tháng 4/2021 khi hoàn thành thương vụ bancasurrance độc quyền.

CTG kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng 3% YTD và LNTT 7-8 nghìn tỷ đồng (+135% - 169% YoY) trong quý 1/2021. Khi trả lời câu hỏi liên quan đến yếu tố dẫn dắt cho con số LNTT này, chủ tịch HĐQT cho biết chưa bao gồm các đóng góp từ thương vụ bancasurrance mà chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

CTG đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tuân thủ ngưỡng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) đạt 85% vào cuối 2021.

CTG chưa có ý định phát hành cổ phiếu mới hoặc tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược trong tương lai gần.

Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho CTG với giá mục tiêu 43.000 đồng/CP.

Mấy hôm trước, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng có đánh giá kỹ lưỡng về cổ phiếu CTG và kết luận, cổ phiếu CTG - Ngân hàng Công Thương Vietinbank xứng đáng có giá bằng BID, ngân hàng quốc doanh có quy mô vốn chủ khá tương đồng nhưng có mức ROE thấp hơn so với CTG..

KBSV cho rằng CTG là ngân hàng quốc doanh có lợi thế về chi phí vốn, hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước, cùng với triển vọng tích cực từ việc áp dụng Basel II và kế hoạch tăng vốn cũng như áp lực trích lập dự phòng là không quá lớn trong năm 2021. 

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG)

Vốn điều lệ: 48.057.506.090.000 đồng

Vốn chủ sở hữu: 93.247.451.000.000 đồng (tại thời điểm 30/06/2021)

Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.

30 năm xây dựng và phát triển:

1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.

2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.

3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.

4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.

TẦM NHÌN
Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.

SỨ MỆNH
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. KHÁCH HÀNG LÀ TRUNG TÂM

"Lấy nhu cầu của khách hàng là mục tiêu phục vụ của Ngân hàng. Lắng nghe tiếng nói của khách hàng và chia sẻ với các bên liên quan để đưa ra giải pháp/ tư vấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách hàng nội bộ, khách hàng bên ngoài."

2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

"Luôn thể hiện sự sáng tạo trong mọi hoạt động; liên tục đổi mới có sự kế thừa để tạo ra những giá trị tốt nhất cho hệ thống, khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."

3. CHÍNH TRỰC

"VietinBank luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đảm bảo sự tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, minh bạch và giữ vững đạo đức nghề nghiệp."

4. TÔN TRỌNG

"Thể hiện thái độ và hành động lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, ghi nhận đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và tôn trọng bản thân."

5. TRÁCH NHIỆM

"Thể hiện tinh thần, thái độ và hành động của toàn hệ thống, của từng bộ phận, từng cán bộ VietinBank có trách nhiệm cao đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và cho chính thương hiệu của VietinBank. Thực hiện tốt trách nhiệm VietinBank với cộng đồng, xã hội là trách nhiệm, vai trò, vinh dự, và tự hào của VietinBank."

TRIẾT LÝ KINH DOANH
An toàn, hiệu quả và bền vững;
Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương;
Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.

 

Công ty Chứng khoán BVS & Rồng Việt & KBSV

Link nội dung: https://vinabull.vn/trien-vong-co-phieu-ctg-vietinbank-nam-a1189.html