Cập nhật cổ phiếu KBC (Kinh Bắc City): đầu tư 5.570 tỷ đồng làm Khu công nghiệp Sông Hậu 2, vốn vay 85%

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa duyệt quyết định đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 quy mô 380 ha nằm tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với tổng vốn đầu tư gần 5.570 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật hơn 3.400 tỷ đồng. Nguồn vốn của công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT cho dự án này hơn 835 tỷ đồng, tương tương 15% tổng mức đầu tư. Công ty sẽ đi vay 85% còn lại.

Về tiến độ, KBC thông tin đang trong quá trình thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến đến tháng 12/2023. Sau khi được tỉnh Hậu Giang chấp thuận làm nhà đầu tư, KBC sẽ đo đạc, khảo sát địa chất, kiểm đếm, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định tư trong 9 tháng đầu năm 2024.

KBC dự kiến xây dựng kết cấu hạ tầng từ tháng 7/2025 đến tháng 12/2026. Dự án có thể hoàn thành và cho thuê đất, nhà xưởng từ tháng 6/2026.

Công ty của ông Đặng Thành Tâm đã phát triển loạt khu công nghiệp lớn từ Bắc vào Nam như khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), Quang Châu (Bắc Giang), Tràng Duệ (Hải Phòng), Tân Phú Trung (TP HCM).

Đến hết 30/9, KBC ghi nhận tồn kho hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng tài sản. Đây chủ yếu là dự án khu công nghiệp, bất động sản của công ty đang triển khai dở dang. Trong đó, lớn nhất là tồn kho hơn 8.000 tỷ đồng tại dự án khu công nghiệp và đô thị Tràng Cát (Hải Phòng).

Trong quý gần nhất, lãi của Kinh Bắc giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái, còn gần 19 tỷ đồng. Theo công ty, lý giải là chưa kịp bàn giao đất cho khách tại các dự án khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung với tổng diện tích 50 ha. Tổng giá trị hợp đồng đã ký khoảng 1.700 tỷ đồng. Công ty dự kiến bàn giao đất cuối năm nay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương một nửa kế hoạch cả năm.

Cập nhật ngày 8/12/2022: KBC mua lại 100 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ

Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đang trình cổ đông phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu KBC để giảm vốn điều lệ.

Kinh Bắc dự kiến mua số cổ phiếu này theo giá thị trường nhưng không quá 34.000 đồng một cổ phiếu. Số tiền mua lại được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Thông thường, việc doanh nghiệp tự mua lại cổ phiếu đã phát hành có nhiều tác động như làm thanh khoản sôi động hơn, hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu hoặc thậm chí giúp cổ phiếu tăng giá trở lại.

Trước đây, các công ty mua lại cổ phiếu quỹ trong những giai đoạn giảm giá và xem đó như một khoản đầu tư để sau này bán ra hoặc thưởng cho nhân viên. Từ năm 2021, sau khi Luật chứng khoán năm 2019 có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, không còn được sử dụng để bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ.

Công ty do ông Đặng Thành Tâm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị đang nỗ lực "cứu" giá cổ phiếu khi mã này giữa tháng trước đã xuống dưới 14.000 đồng, giảm xấp xỉ 70% so với đầu năm và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng hai năm qua.

Bên cạnh mua cổ phiếu quỹ, công ty cũng trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt (tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Ngay trong đợt giảm mạnh, ông Tâm cũng đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu và cho hay "sẽ xem xét để tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu KBC".

Những thông tin này giúp KBC có đà hồi phục mạnh, hiện giao dịch ở vùng 23.000 đồng, tăng gần 65% trong một tháng.

Ban lãnh đạo Kinh Bắc dự báo kinh tế năm sau còn khó khăn hơn, nhưng công ty may mắn là đón làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Công ty cho biết đang làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn có nhu cầu đầu tư vào các khu công nghiệp. Ước tính khả năng cho thuê năm sau đạt 200 hecta. Doanh thu dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng.

Kinh Bắc cho biết tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của công ty khoảng 37% nên dư địa để các ngân hàng tiếp tục cho vay khá lớn. Ngoài ra, công ty còn nhiều tài sản chưa thế chấp nên cũng là lợi thế để ngân hàng tài trợ vốn.

Cập nhật ngày 29/3/2022: phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 3:1 bằng nguồn vốn chủ sở hữu

KBC dự kiến phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới, tương đương 191,9 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 5.557 tỷ đồng lên 7.676 tỷ đồng. Năm 2021, KBC ghi nhận doanh thu đạt 4.308 tỷ đồng, LNST đạt 955,14 tỷ đồng, lần lượt tăng 100,3% và 198,7% svck.

Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 9.800 tỷ đồng và LNST đạt 4.500 tỷ đồng – gấp 4,7 lần so với năm 2021. KBC hưởng lợi lớn từ xu hướng chuyển dịch cơ cấu của ngành sản xuất toàn cầu sang Việt Nam và có thành tích thu hút các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon… KBC cũng đang tích cực gia tăng đầu tư phát triển khu đô thị.

KBC hiện có định giá hợp lý do rủi ro pha loãng cổ phiếu cao từ đợt phát hành riêng lẻ sắp tới. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu KBC chú ý theo dõi tiến độ mở bán các dự án mới và tiến độ giải ngân đầu tư từ các khách hàng tiềm năng.

Cập nhật ngày 29/9/2021: KBC (Kinh Bắc City) chốt giá chào bán riêng lẻ 34.096 đồng/cp

Hội đồng quản trị Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm nay với khối lượng 100 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 21,3% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Giá chào bán vừa được thông qua là 34.096 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền huy động hơn 3.400 tỷ đồng. Mức giá này được xác định bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày 27/9 (trung bình 40.113 đồng/cổ phiếu).

Trước đó, theo nghị quyết ngày 16/8, Kinh Bắc cho biết cần nhu cầu vốn hoạt động lên đến 4.340 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi 534 tỷ đồng (12,3%) để bổ sung vốn lưu động, 1.500 tỷ đồng (34,6%) đầu tư vào công ty con là Phát triển Đô thị Tràng Cát và tái cơ cấu cho 12 khoản nợ với tổng giá trị lên tới 2.306 tỷ đồng (53,1%).

HĐQT cũng bổ sung nếu số tiền thu về thấp hơn nhu cầu vốn thì tổng công ty sẽ phân bổ cho 3 khoản mục trên theo tỷ lệ phần trăm tương ứng đã nêu. Với trường hợp số tiền thực tế thu về vượt nhu cầu vốn thì Kinh Bắc sẽ dùng số tiền vượt ngoài dự kiến để tiếp tục tăng phần vốn góp tại Phát triển Đô thị Tràng Cát.

Như vậy, tổng số thu từ phương án huy động riêng lẻ trên thấp hơn nhu cầu vốn, do đó, ông lớn khu công nghiệp này sẽ phân bổ tiền theo tỷ lệ tương ứng.

Tổng công ty có thông báo đối tượng được mua trong đợt này phải là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.

Danh sách nhà đầu tư được công bố bao gồm 3 tổ chức và 5 cá nhân. Trong đó, nhóm Dragon Capital (Amersham Industries và Vietnam Enterprise Investments Limited) sẽ mua nhiều nhất 20 triệu cổ phiếu. Quản lý quỹ đầu tư SGI mua 15 triệu cổ phiếu. Các cá nhân mua tổng cộng 65 triệu cổ phiếu còn lại.

Trong năm nay, công ty dưới quyền điều hành của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, thông qua vay tín dụng và phát hành trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án cũ, mới và bổ sung vốn lưu động.

Lần huy động vốn gần nhất được thực hiện vào cuối tháng 6 khi doanh nghiệp hoàn tất chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho 22 nhà đầu tư, với lãi suất cố định 10,8%/năm. Hồi đầu năm tổng công ty cũng phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Năm 2021, Kinh Bắc đề ra kế hoạch doanh thu 6.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng; lần lượt gấp 3 và 6,7 lần so với năm ngoái. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã đạt 2.751 tỷ doanh thu và 785 tỷ đồng lãi sau thuế.

Cập nhật ngày 17/8/2021: KBC bơm thêm 3.000 tỷ cho công ty con

Hội đồng Quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa thông qua nghị quyết về việc chấp thuận chủ trương tăng vốn cho công ty con - Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát do Kinh Bắc sở hữu 100%.

Trong đó, mục đích tăng vốn là để bổ sung nguồn lực tài chính, đáp ứng việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và dịch vụ Khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng). Ngoài ra, việc tăng vốn cho công ty con cũng nhằm mục đích chủ động về tiến độ giải ngân trong quá trình đầu tư xây dựng các hạng mục công trình liên quan đến dự án Tràng Cát.

Theo kế hoạch, Kinh Bắc sẽ tăng thêm vốn cho Công ty Tràng Cát từ 1.500 tỷ đến 3.000 tỷ đồng, tùy thuộc vào khả năng thu xếp vốn của tổng công ty. Thời gian dự kiến thực hiện từ quý III năm nay đến hết quý I năm sau.

Hình thức tăng vốn là góp trực tiếp thêm vào vốn Công ty Tràng Cát và duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức 100%.

Theo lãnh đạo Kinh Bắc, nguồn vốn thực hiện kế hoạch này có thể lấy từ lợi nhuận tổng công ty thu được trong năm nay, vay vốn ngân hàng hoặc lấy tiền từ đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu KBC trong thời gian tới.

Kinh Bac muon bom them 3.000 ty dong cho cong ty con anh 1

Kinh Bắc là một trong những nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp lớn nhất thị trường hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cùng ngày, HĐQT Kinh Bắc cũng thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 và đối tượng được chào bán.

Theo đó, đại gia bất động sản khu công nghiệp phía Bắc này dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ phát hành 21,3%) cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và giá dự kiến không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, toàn bộ tiền thu về từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh của tổng công ty.

Kế hoạch chi tiết là dùng 534 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó chủ yếu là trả lãi vay trái phiếu và vay ngân hàng đến hạn.

Bên cạnh đó, Kinh Bắc sẽ dành 2.306 tỷ để tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính.

Cuối cùng, công ty dự kiến dùng tiền để tăng quy mô vốn cho Công ty Tràng Cát như nghị quyết đã được HĐQT thông qua với giá trị tối thiểu 1.500 tỷ đồng.

Theo tính toán, tổng nguồn vốn Kinh Bắc dự kiến thực hiện các kế hoạch trên vào khoảng 4.340 tỷ. Nếu không muốn phải huy động thêm vốn tín dụng từ ngân hàng hoặc lấy từ lợi nhuận công ty mẹ năm nay để tăng vốn cho Công ty Tràng Cát, Kinh Bắc sẽ phải chào bán cổ phiếu đợt này với giá 43.400 đồng/đơn vị, cao hơn 18% so với thị giá hiện tại của KBC trên thị trường chứng khoán.

Trong danh sach nhà đầu tư dự kiến được chào bán cổ phiếu KBC đợt này, 2 nhóm quỹ thành viên của Dragon Capital sẽ được phân phối khoảng 10 triệu đơn vị/quỹ, tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 6,763%.

Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư SGI dự kiến được phân phối 15 triệu cổ phiếu KBC mới và trở thành cổ đông nắm 2,633% vốn Kinh Bắc sau phát hành.

Ngoài ra, 5 nhà đầu tư cá nhân trong nước dự kiến được phân phối 65 triệu cổ phiếu còn lại (10-15 triệu đơn vị/người). Trong số này, đa số đều đã là cổ đông của Kinh Bắc.

Năm nay, tổng công ty dưới sự điều hành của chủ tịch Đặng Thành Tâm dự kiến ghi nhận 6.600 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế dự kiến 2.000 tỷ, kết quả kinh doanh cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây. Sau nửa đầu năm, Kinh Bắc đã đạt 2.751 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 785 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 1/4/2021: KBC giải trình dự án Tràng Cát

Tổng CT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, trong đó doanh thu đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (-33% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS 224 tỷ đồng ( -76% YoY), tương ứng với 100% và 109% con số tương ứng trước kiểm toán.

Chênh lệch giữa LNST sau lợi ích CĐTS trước và sau kiểm toán chủ yếu do điều chỉnh chi phí phát triển KCN của KBC và thuế TNDN công ty mẹ riêng lẻ thấp hơn.

Ngoài ra, BCTC kiểm toán của KBC có nhấn mạnh từ kiểm toán liên quan đến KĐT Tràng Cát, được đầu tư bởi công ty con mà KBC sở hữu 100% vốn – Công ty TNHH MTV Tràng Cát (TC).

Ngày 30/12/2020, KBC và TC ký kết thỏa thuận cam kết hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP PVCombank (PVCombank) liên quan đến khoản nợ của TC để tài trợ cho dự án KĐT Tràng Cát. KBC đã ký kết thoả thuận trước khi xin ý kiến phê duyệt tại ĐHCĐ, không phù hợp với Điều lệ của công ty.

Theo giải thích từ KBC, thỏa thuận này là phục lục hợp đồng vay vốn giữa TC và PVcombank, được ký vào năm 2013. Thỏa thuận này là quan trọng cho khoản giải ngân vốn 2,5 nghìn tỷ đồng bổ sung vào cuối năm 2020, được sử dụng thanh toán phí quyền sử dụng đất (LUR) cho KĐT Tràng Cát là 3,5 nghìn tỷ đồng.

KBC cũng chia sẻ trong phần giải trình rằng dự án KĐT Tràng Cát về cơ bản đã hoàn thành nộp phí LUR, và dự án sẽ có định giá cao hơn so với chi phí đầu tư hiện tại, theo các công ty độc lập. Do đó khung thời gian nộp phí LUR là quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cho công ty và cổ đông.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã KBC) 

KBC từ khi thành lập đến nay luôn tạo được vị thế chủ đạo trong kinh doanh. Ưu thế cạnh tranh nổi bật của KBC là việc kết hợp giữa KCN và đô thị dịch vụ. Ý tưởng độc đáo này không những mang lại giá trị kinh tế cho đất nước, cho doanh nghiệp mà còn thể hiện giá trị xã hội sâu sắc. Hơn thế nữa, các Khu Công nghiệp và đô thị dịch vụ của KBC luôn là những địa bàn thuận lợi về mọi mặt: Nằm trên vị trí giao thông thuận lợi, gần cảng biển, sân bay…

Hội tụ tất cả những tiềm năng, thuận lợi cùng vốn kinh nghiệm dày dặn, trong những năm gần đây, những dự án hàng đầu về bất động sản tại Việt Nam mà KBC đang nắm quyền quản lý như­: KCN Quế Võ – Bắc Ninh; KCN Tràng Cát – Hải Phòng; Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại, Khách sạn 6 sao – Mỹ Đình – Hà Nội… là ước mơ cạnh tranh của các Doanh nghiệp bất động sản khác.

Hiện nay, KBC không chỉ giữ vững vị trí số 1 về Bất động sản mà bằng những hướng đi đúng đắn trong kinh doanh, KBC hiện còn là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao (CNC) từ các Tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries, … Sản phẩm của Canon và Foxconn sản xuất tại KCN Quế Võ của KBC được Chính phủ Việt Nam đánh giá là sản phẩm công nghệ cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Điều ít ai ngờ đến là những thành công của Kinh Bắc hôm nay đạt được chỉ với vốn ban đầu chỉ là 20 tỷ đồng khởi nguồn từ việc xây dựng phát triển khu công nghiệp. Chia sẻ với báo chí và toàn thể cổ đông, Chủ tịch HĐQT KBC – Ông Đặng Thành Tâm khẳng định: "Chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn thử thách để biến những mảnh đất hoang sơ ở những vùng kinh tế khó khăn, kém phát triển trở thành những KCN được lấp đầy bởi những nhà máy công nghệ cao".

 

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-kbc-bom-them-3000-ty-cho-cong-ty-con-a1183.html