Lợi nhuận sau thuế của Masan trong quý II đạt gần 950 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2023 và cao nhất gần hai năm, nhờ mảng tiêu dùng bán lẻ.
Tập đoàn Masan (MSN) công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận sau thuế quý vừa qua đạt 946 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất gần hai năm qua.
Nếu tính lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số, Masan lãi 503 tỷ đồng, tăng gần 4,8 lần cùng kỳ 2023. Con số này cũng vượt mức lãi của cả năm 2023 khoảng 20%. 503 tỷ đồng này là phần lợi nhuận còn lại, sau khi chia cho các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu một phần nhỏ cổ phần trong công ty so với nhóm cổ đông nắm quyền kiểm soát.
"Kết quả khả quan này nhờ cải thiện các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm 138 tỷ đồng", Masan giải thích.
Trong quý II, doanh thu thuần của MSN đạt hơn 20.100 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) vượt 3.800 tỷ, tăng 20,9%. Mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ gồm Masan Consumer, WinCommerce, Masan Meatlife và Phúc Long Heritage duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trong đó, Masan Consumer (MSC) đạt doanh thu gần 7.400 tỷ đồng, tích lũy thêm 14% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng này đến từ ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê. MSC duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,3% nhờ giá bán cao trong khi chi phí nguyên vật liệu thô thấp hơn.
Doanh thu WinCommerce (WCM) nhích thêm 9,2% so với cùng kỳ, vượt 7.800 tỷ đồng. Kết quả này do nâng cấp, cải tiến các mô hình cửa hàng tối ưu riêng cho khu vực thành thị và nông thôn. Tính đến tháng 6, WCM vận hành 3.673 siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, mở mới 40 điểm bán trong nửa đầu năm.
Đặc biệt, chuỗi bán lẻ này đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6 - lần đầu sau gần 10 năm hoạt động. Từ khi về tay Masan vào cuối năm 2019, kết quả kinh doanh WCM có cải thiện nhưng chưa ghi nhận lợi nhuận ròng, họ chỉ có lãi nếu trừ đi phần thuế, khấu hao và lãi vay.
Thương hiệu Phúc Long cũng tăng trưởng doanh thu khoảng 5,3% so với cùng kỳ, đạt hơn 390 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới trong năm qua. Ban lãnh đạo tiếp tục thận trọng khi chỉ khai trương 4 cửa hàng ngoài WCM, nâng tổng mạng lưới hiện có lên 163 cửa hàng trên toàn quốc.
Ngoài ra, mảng thịt Masan Meatlife cũng có quý thứ hai liên tiếp đạt lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) dương nhờ thịt gà, lợn tăng giá và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm. Mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials (MHT) cũng ghi nhận EBIT cải thiện nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) với giá 134,5 triệu USD dự kiến hoàn tất trước cuối năm nay.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ghi nhận khoảng 607 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm theo kịch bản cơ sở. Ban lãnh đạo cho biết sẽ tối ưu hóa kết quả kinh doanh trong nửa cuối 2024 và dự kiến vượt mục tiêu cả năm nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, giảm đòn bẩy tài chính và giảm sở hữu ở các mảng không trọng yếu.
Sức khỏe tài chính của Masan cải thiện theo đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh. Tiền và các khoản tương đương tăng lên sát mốc 22.000 tỷ đồng đến cuối tháng 6, cao hơn 30% so với cuối năm ngoái do dòng tiền tự do và dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp được cải thiện.
Nợ vay giảm hơn 1.700 tỷ về khoảng 67.871 tỷ đồng, gần 57% là nợ dài hạn (các khoản có thời gian đáo hạn trên 12 tháng kể từ ngày lập báo cáo). Nhờ cải thiện lợi nhuận, nợ ròng trên EBITDA 12 tháng gần nhất giảm xuống khoảng 3,3 lần, so với mức 3,9 lần của quý IV/2023. Công ty đã đạt mục tiêu tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5 lần đề ra trước đó.
Thành viên cập nhật: năm 2023 lợi nhuận tăng 40% nhờ Winmart, Meatdeli và Phúc Long
Tập đoàn Masan (MSN) cho biết các thương hiệu Masan Consumer Holdings (MCH), WinComerce (WCM), Masan Meatlife (MML) và Phúc Long ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) khoảng 1.396 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022. Đây được xem là mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của doanh nghiệp này từ khi tái cấu trúc.
Ban lãnh đạo cho biết, kết quả trên đến từ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings và khả năng sinh lời tốt của WinCommerce dù tiêu dùng suy yếu.
Với MCH, mảng này có quý IV/2023 đạt kỷ lục lợi nhuận với mức tăng lãi sau thuế 30,5%. Việc luân chuyển sản phẩm có biên lợi nhuận cao và chiến lược giá đã đóng góp lớn cho kết quả này. Lũy kế cả năm, MCH ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 7.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA), lần lượt tăng 3% và 13%.
Còn ở chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, WCM ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022 nhờ tác động của việc mở cửa hàng mới, chuyển đổi và nâng cấp mô hình cho hơn 1.600 điểm bán sẵn có. Chuỗi bán lẻ này mang lại 694 tỷ đồng EBITDA, lùi gần 14% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp đã cải thiện và nhóm sản phẩm bách hóa có lợi nhuận sau thuế dương trong quý IV/2023 - mốc quan trọng cho lộ trình hòa vốn cả năm.
Với mảng thịt, Masan Meatlife báo doanh thu tăng 46% lên gần 7.000 tỷ đồng trong năm 2023. Từ lỗ, mảng này có lãi EBITDA 266 tỷ đồng. Ban lãnh đạo nói, chiến lược giá cả cạnh tranh, giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa các sản phẩm Meatdeli với thịt tại chợ truyền thống đã mang về kết quả tốt. Tuy nhiên, mảng gà trang trại đang bị ảnh hưởng bởi giá và doanh số đều thấp hơn cùng kỳ.
"Em út" Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 3% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Chuỗi trà và trà sữa này nâng khả năng sinh lời bằng cách tối ưu hóa số lượng ki-ốt. Năm vừa qua, EBITDA đạt 255 tỷ đồng, tăng 31%. Ban lãnh đạo tiếp tục thận trọng và chỉ mở mới 28 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán ngoài WCM lên 156 cửa hàng.
Tổng lại, Masan có hơn 78.250 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số giảm đến gần một nửa, về còn 1.950 tỷ đồng do phần đóng góp sụt giảm của mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials và Techcombank.
Năm nay, Masan dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng l7-15% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290-4.020 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 17% và gấp đôi so với năm 2023. Doanh nghiệp này lập các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô và kế hoạch đưa ra sẽ dựa trên từng kịch bản.
Thành viên cập nhật quý 3/2023: 9 tháng lợi nhuận sau thuế 1.353 tỉ đồng
Công ty CP Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN) công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2023, với các chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 57.470 tỉ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 1.353 tỉ đồng.
Số dư tiền mặt hợp nhất của Masan, bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền tính tới cuối quý III là 14.258 tỉ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tự do được cải thiện liên tục qua nhiều quý, đạt 2.202 tỉ đồng trong quý III/2023, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ, chỉ 125 tỉ đồng.
Mảng kinh doanh tiêu dùng của Masan bao gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) tăng trưởng 45,5% trong 9 tháng đầu năm 2023 và 47,3% trong quý III/2023 so với cùng kỳ.
Tập đoàn Masan công bố lãi 486 tỉ đồng, nắm hơn 14.258 tỉ đồng tiền mặt - Ảnh 1.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart
The CrownX (công ty hợp nhất MCH và WCM) đạt doanh thu 41.704 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 và 14.869 tỉ đồng trong quý III/2023, tăng lần lượt 2,4% và 1,2% so với cùng kỳ.
EBITDA của The CrownX đạt 5.622 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 và 2.116 tỉ đồng trong quý III, tăng lần lượt 11,4% và 13,6% so với cùng kỳ.
"Hệ sinh thái tiêu dùng" Masan đạt doanh thu hơn 37.000 tỉ đồng trong 6 tháng
Đặc biệt, WinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+) gần đạt điểm hòa vốn EBIT lần đầu tiên kể từ sau COVID-19. Doanh thu thuần tăng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2023 và 3,3% trong quý III/2023 so với cùng kỳ nhờ mở cửa hàng mới.
WCM mở mới 245 siêu thị mini (WinMart+) và 2 siêu thị (WinMart) trong 9 tháng đầu năm 2023.
Tính đến cuối tháng 9-2023, chuỗi WinCommerce có 3.586 điểm bán trên toàn quốc. Với những coon số khả quan cùng hiệu quả từ hoạt động cải tạo cửa hàng từ quý II/2023 đến nay, ban lãnh đạo Masan tự tin về lộ trình tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới trong năm 2024.
Các ngành hàng có kết quả kinh doanh nổi bật là gia vị, thực phẩm tiện lợi và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình với mức tăng trưởng lần lượt là 21,0%, 8,3% và 39,4% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ.
Mảng thịt cũng chứng kiến sự tăng trưởng đến 61,1% trong 9 tháng đầu năm và tăng 47,5% trong quý III/2023 của Masan MEATLife. Doanh số tăng mạnh hơn trên hầu hết các phân khúc sản phẩm, đặc biệt là thịt chế biến với mức tăng trưởng vượt trội 35,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, mảng thịt heo mát của Masan MEATDeli đã thành công thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống thông qua chương trình giá độc quyền cho Hội viên WIN, giúp doanh thu theo ngày của các sản phẩm thịt heo mát tại các cửa hàng Winmart, Winmart + tăng thêm 30%.
Phúc Long Heritage (PLH) đã cải thiện khả năng sinh lời bằng cách cơ cấu hợp lý số kiosk.
Thành viên cập nhật quý 2/2023: lợi nhuận 429 tỷ đồng, giảm 65%
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023.
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 18.609 tỷ đồng trong quý 2, tăng 4,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 429 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 868 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của The CrownX (TCX) ghi nhận 26.835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 13.535 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, lần lượt tăng 3,1% và 7,6% so với cùng kỳ. EBITDA của TCX đạt 3.507 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 1.976 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, lần lượt tăng 10,3% và 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần của WinCommerce (WCM) đạt 14.517 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 7.182 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, tăng lần lượt 1,5% và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 24,8% trong quý 2 năm 2023.
WCM đã mở thêm 152 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart mới trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị mini và siêu thị. 106 cửa hàng WIN đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần của Masan Consumer (MCH) ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% lên 12.940 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Song song với đó, tăng trưởng quý 2 năm 2023 đạt mức 13% lên 6.675 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở LFL, so với cùng kỳ, doanh thu thuần trong nửa đầu 2023 tăng 11,6% và 21,7% trong quý 2 năm 2023.
Các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, và sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình (HPC) ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 21,3%, 7,8%, và 52,1% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong quý 2 năm 2023, các ngành hàng này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu lần lượt là 29,8%, 24,6%, và 73,6% so với cùng kỳ.
Phúc Long (PLH) ghi nhận doanh thu giảm 4,6% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 với việc mở cửa hàng mới chậm hơn trong bối cảnh ngành bán lẻ F&B gặp khó khăn.
Nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến, doanh thu Masan MeatLife (MML) tăng 70,2% trong nửa đầu năm 2023 và 68,7% trong quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ.
Doanh thu Masan High-Tech Materials (MHT) giảm 9,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu các sản phẩm của công ty giảm trên toàn cầu.
Techcombank (TCB) , công ty liên kết của Masan, đã đóng góp 1.853 tỷ đồng vào EBITDA trong nửa đầu năm 2023, giảm 23,4% so với cùng kỳ.
Thành viên cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận 439 tỷ đồng, giảm 77%
CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 18.706 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi gộp ổn định ở mức hơn 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên doanh thu tài chính giảm mạnh 35% xuống mức 650 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 53% lên gần 2.000 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 9% lên 3.316 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Masan chỉ còn 439 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Masan lý giải, lợi nhuận hoạt động kinh doanh giảm chủ yếu do sự sụt giảm của lợi nhuận đóng góp từ Techcombank (giảm 217 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Lợi nhuận ròng tiếp tục giảm do chi phí lãi vay tăng lên. Ban lãnh đạo sẽ tập trung vào cải thiện lợi nhuận với kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, lĩnh vực ngân hàng sẽ sáng sủa, lãi suất giảm, từ đó nâng cao khả năng sinh lời chung của công ty.
Thành viên cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lợi nhuận sau thuế 3.567 tỷ đồng, giảm 58,3%
Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý IV/2022 và năm tài chính 2022.
Hết năm 2022, sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này), doanh thu thuần của Masan trong năm 2022 đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6% so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021. Trên cơ sở báo cáo, doanh thu giảm 14,0% trong năm 2022 và 13,4% trong quý IV/2022.
Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) năm 2022 đạt 14.437 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, biên EBITDA năm 2022 đạt 18,9% so với mức 19,7% của năm 2021 trong khi doanh thu đi ngang. Trên cơ sở báo cáo, EBITDA hợp nhất năm 2022 giảm 11,8% trong năm 2022 và 28,1% trong quý IV/2022.
Lợi nhuận sau thuế, sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (NPAT Post-MI) giảm 58,3%, đạt 3.567 tỷ đồng trên cơ sở báo cáo, chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý IV/2021 và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MML và MHT thấp hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (NPAT Pre-MI) ở mảng kinh doanh chính trên cơ sở LFL đạt 3.852 tỷ đồng năm 2022, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở báo cáo, NPAT Post-MI đạt 4.754 tỷ đồng, giảm 52,9%. Mức giảm 52,9% chủ yếu do không còn ghi nhận lợi nhuận từ mảng thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, The CrownX (TCX), nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WCM và MCH, ghi nhận doanh thu giảm nhẹ trong môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. The CrownX đạt doanh thu 56.221 tỷ đồng vào năm 2022, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và doanh thu quý IV/2022 đạt 15.496 tỷ đồng, giảm 6,5% YoY. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu TCX năm 2022 tăng 5,2% YoY và doanh thu quý IV/2022 giảm 2,1% YoY. Ở bối cảnh nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động, WCM mở mới 730 siêu thị mini trong năm 2022. Việc mở rộng điểm bán hàng loạt cho thấy WCM đã xây dựng thành công mô hình bán lẻ có lợi nhuận.
Masan Consumer Holdings (MCH) đã cải thiện lợi nhuận vào quý IV/2022, tuy nhiên doanh thu bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. MCH đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.561 tỷ đồng EBITDA. Khi chuẩn hóa tác động do người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa vào quý III/2021 và quý IV/2021, doanh thu MCH giảm 11,8% trong quý IV/2022 và tăng 2,4% trong năm 2022. Doanh thu sụt giảm trong quý IV/2022 chủ yếu do MCH kế hoạch cung ứng chặt chẽ hơn trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để đảm bảo mức tồn kho an toàn và bền vững tại các nhà phân phối, từ đó giúp MCH có khởi đầu thuận lợi vào năm 2023.
Phúc Long Heritage (PHL) đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng EBITDA, chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA. Bước sang năm 2023, các cửa hàng flagship đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Phúc Long đạt con số kỷ lục vào quý IV/2022.
Trên cơ sở so sánh tương đương, doanh thu của Masan MEATLife’s (MML) tăng lần lượt là 34,3% trong quý IV/2022 và 6,7% trong năm 2022 nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng. Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm.
Doanh thu thuần của Masan High-Tech Materials (MHT) trong năm 2022 đạt 15.550 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước do giá APT tăng, nhưng giảm 1,6% trong quý IV/2022 do tác động tiêu cực từ hàm lượng khoáng sản thấp hơn ảnh hưởng đến Công ty Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NPMC) và cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với chính sách Zero COVID của Trung Quốc tác động đến nguồn cầu đối với H.C.Starck (HCS). EBITDA tăng 4,3% trong năm 2022 và giảm 45,4% trong quý IV/2022 do giá năng lượng và chi phí nguyên vật liệu thô tăng.
Thành viên cập nhật quý 3/2022: doanh thu và lợi nhuận đều giảm
CTCP Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý 3/2022.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý của Tập đoàn đạt 19.523 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của Masan đạt 5.424 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Trừ đi các chi phí và khoản lỗ khác 54 tỷ đồng, Masan lãi trước thuế 909 tỷ đồng, giảm 51% so với quý 3 năm ngoái, lãi sau thuế là 841 tỷ đồng, giảm 47%. Trong đó, lãi phân bổ cho chủ sở hữu công ty là 543 tỷ đồng, giảm 53%.
Luỹ kế 9 tháng, Masan đạt doanh thu thuần là 55.546 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 3.951 tỷ đồng, tăng 32%, lãi ròng là 3.120 tỷ đồng, tăng 47%.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Masan là mảng bán lẻ tiêu dùng với 21.844 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39% trong doanh thu, sau đó là mảng sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu 18.781 tỷ đồng, chiếm 34%, mảng vật liệu công nghệ cao 11.651 tỷ đồng, chiếm 21%, MeatLife 2.114 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Masan tăng 2.338 tỷ đồng lên 128.431 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 6.735 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/VCSH là 2,6.
Thành viên cập nhật 6 tháng 2022: lợi nhuận tăng mạnh, đạt 2.577 tỷ
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của Masan sụt giảm chủ yếu là do doanh nghiệp ngừng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào cuối tháng 11/2021. Nếu loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi để so sánh tương đương, doanh thu thuần của Masan trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát trong 6 tháng đầu năm đạt 2.577 tỷ đồng, tăng 163,3% trên cơ sở báo cáo và 345,4% trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa cuối năm 2022 này, đối với WinCommerce, Masan sẽ khai trương 800 cửa hàng mới, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền. Với Masan Consumer Holdings, Tập đoàn sẽ chú trọng vào nghiên cứu và phát triển ở các ngành hàng chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đà phát triển trong lĩnh vực đồ uống, cà phê và bia. Với Phúc Long Heritage, Masan đẩy nhanh việc mở mới các cửa hàng flagship và ra mắt các thức uống mới để mô hình kiosk Phúc Long thành công hơn nữa.
Với Masan MEATLife’s, Tập đoàn sẽ mở rộng mạng lưới phân phối ngoài hệ thống WinCommerce. Cuối cùng là Masan High-Tech Materials tập trung tối ưu hóa chi phí, dòng tiền và tích hợp với Nyobolt (công ty cung cấp giải pháp pin sạc nhanh có công suất và độ bền cao, ứng dụng vật liệu vonfram tiên tiến).
Thành viên cập nhật quý 1/2022: quý 1/2022 lợi nhuận tăng trưởng phi mã lên gấp 8 lần
Trong đó doanh thu đến chủ yếu từ The CrownX (TCX đạt doanh thu thuần 13.450 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào nỗ lực tăng trưởng của Masan Consumer Holdings và việc gia tăng số lượng cửa hàng tại WinCommerce.
Đặc biệt, Masan Consumer Holdings đã đạt mục tiêu kép, vừa mở mới 109 điểm bán vừa cải thiện biên lợi nhuận cho Masan, đem lại doanh thu 7.266 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng doanh thu quý 1 của Masan với 2 mô hình cửa hàng WinMart+ đem về doanh thu thuần 4.756 tỷ đồng tăng trưởng 4,2% và Winmart đạt doanh thu thuần đạt 2.510 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và tăng 24,5% so với Quý 4/2021.
Masan cũng có tham vọng nhân rộng lên 10.000 điểm bán offline và 20.000 điểm bán nhượng quyền, phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng đến năm 2025.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan và tốc độ mở rộng quy mô các cửa hàng bán lẻ nhanh chóng thì kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần của WinCommerce dự kiến trong khoảng từ 38.000 tỷ đồng – 40.000 tỷ đồng, tăng 23% đến 29% so với năm 2021 sẽ sớm đạt được.
Thành viên cập nhật quý 4/2021: doanh thu thuần của Masan là 23.828 tỷ đồng, tăng 10,3%
Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 và năm tài chính 2021. Riêng quý 4/2021 doanh thu thuần của Masan là 23.828 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cả năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020 nhờ doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.
The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp của Masan (hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) đạt doanh thu thuần 58 ngàn tỷ đồng năm 2021, tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, WCM đạt doanh thu thuần 30,9 ngàn tỷ đồng năm 2021, tương đối ổn định so với cùng kỳ năm ngoái dù có số lượng điểm bán từ đầu năm 2021 ít hơn 618 địa điểm so với đầu năm 2020.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hạn chế việc mở rộng hệ thống, WCM đã khai trương 388 cửa hàng WinMart+ vào năm 2021; trong đó, có 284 cửa hàng được mở mới trong quý 4/2021. Với tiến độ này, WCM tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch mở rộng cửa hàng vào năm 2022 và ước tính tăng trưởng doanh thu cho năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh thu thuần MCH năm 2021 và quý 4/2021 tăng lần lượt 20,0% và 32,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 28.764 tỷ đồng và 10.070 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh thu thuần của Masan MEATLife (MML) năm 2021 tăng trưởng 17,2% so với năm 2020. Đáng chú ý, doanh thu thuần mảng thịt theo hình thức nhượng quyền thương mại của MML đã tăng 71% trong năm 2021.
Ngoài ra, Masan High-Tech Materials (MHT) đạt doanh thu thuần 13.564 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 86.0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Masan, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hợp nhất của Masan năm 2021 tăng 57,7% so với năm 2020, đạt mức 16.280 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của MSN năm 2021 tăng trưởng 593,8% đạt mức 8.561 tỷ đồng
Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của MSN ở mảng kinh doanh cốt lõi (không bao gồm lãi/lỗ một lần và khấu hao do điều chỉnh giá trị hợp lý và lợi thế thương mại) năm 2021 tăng 256,3% so với năm 2020, đạt 4.400 tỷ đồng.
Thành viên cập nhật 9 tháng 2021: các mảng đơm hoa kết trái giúp lợi nhuận tăng 120%
Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng đầu với các chỉ tiêu chính tại các mảng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng cao.
Theo đó doanh thu thuần hợp nhất trong quý vừa qua đạt hơn 23.600 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó The CrownX đóng góp lớn nhất hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 68% tổng nguồn thu.
Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng gần 27% lên xấp xỉ 6.100 tỷ đồng. Trong khi đó các chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 2%, qua đó giúp lợi nhuận thuần trước thuế thu về 1.586 tỷ đồng, tăng đến 63% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 64.800 tỷ đồng (2,85 tỷ USD), tăng trưởng gần 17%. Đà tăng ở tất cả mảng kinh doanh chính, trong đó Masan High-Tech Materials (MHT) tăng nhanh nhất với hơn 89%.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt mức 2.126 tỷ đồng, tăng đến 120% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ tỷ suất lợi nhuận tuyệt đối cao hơn ở tất cả các mảng kinh doanh.
Đáng chú ý khi đây là quý đầu tiên WinCommerce và mảng kinh doanh thịt mát MEATDeli đã chính thức ghi nhận lãi thuần, nhờ tập trung phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực kinh doanh mới nổi.
Nền tảng bán lẻ WinCommerce (sở hữu Winmart và Winmart+) có doanh thu thuần tăng 1,3% đạt gần 24.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, mặc dù số điểm bán lẻ ít hơn gần 200 cửa hàng so với cùng kỳ. Điều này nhờ phân khúc siêu thị mini tăng trưởng mạnh để bù đắp cho ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phân khúc siêu thị.
Đáng chú ý khi WinCommerce vừa chính thức có lãi sau 7 quý kể từ lúc được Masan mua lại. Lợi nhuận phân bổ cho cổ đông đạt 137 tỷ đồng trong quý vừa qua, được thúc đẩy bởi doanh thu thuần tăng trưởng 21% và biên EBITDA đạt 5,5% (cùng kỳ âm 3%).
Động lực thúc đẩy tăng trưởng là từ lợi nhuận thương mại (đơn cử như biên lợi nhuận gộp và các hình thức hỗ trợ khác từ nhà cung cấp) được cải thiện sau khi đàm phán với nhà cung cấp, tối ưu hóa chi phí hoạt động cửa hàng và các sáng kiến nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Doanh thu/m2/tháng của toàn hệ thống WinMart+ tăng 44% trong quý III nhờ các điểm bán tại TP.HCM và Hà Nội đã đạt mục tiêu. Điều này nhờ tập trung vào sản phẩm tươi sống, thay đổi cách thức bày trí cửa hàng hấp dẫn hơn và tối ưu danh mục sản phẩm.
Việc tích hợp kiosk Phúc Long tại các điểm bán đã giúp số lượng hóa đơn/ngày trung bình tăng 16%, giá trị hóa đơn tăng 68% và biên EBITDA tăng lên 4,9% so với trước khi khai trương các kiosk này.
Hiện đã có 63 kiosk Phúc Long tại WinMart+ đi vào hoạt động và doanh nghiệp đặt mục tiêu mở mới gần 1.000 kiosk trong vòng 12 tháng tới, ước tính đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu/cửa hàng/ngày.
Masan còn gia nhập thị trường viễn thông bằng thương vụ mua lại 70% cổ phẩn Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là gần 300 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Masan số hóa nền tảng hiện nay chủ yếu ở kênh offline và xây dựng chương trình khách hàng thân thiết.
Tập đoàn bán lẻ này đang có nhiều phát kiến mới để xây dựng mô hình bán lẻ tích hợp đa dịch vụ nhằm tăng thêm doanh thu/m2 bằng cách bán chéo sản phẩm. Mô hình mới gồm cửa hàng WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cafe), dược phẩm Phano và điểm giao dịch Techcombank.
Với Masan Consumer Holdings (MCH), đơn vị ghi nhận doanh thu thuần gần 18.700 tỷ đồng từ đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh kênh thương mại hiện đại, chiến lược đô thị hóa tăng tốc và cộng hưởng với WinMart+.
Kết quả lợi nhuận được kỳ vọng tăng trong quý IV khi thị trường FMCG phục hồi sau đại dịch và mức chi tiêu tiêu dùng gia tăng trong giai đoạn trước Tết 2022.
Masan MeatLife có doanh thu thuần lũy kế đạt 15.152 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó mảng thức ăn chăn nuôi ghi nhận doanh thu 12.189 tỷ đồng, tăng gần 25% và chiếm tỷ trọng lớn nhất 80%.
Bên cạnh đó mảng thịt heo cũng mang về doanh số 2.320 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu; riêng thương hiệu thịt mát MEATDeli cũng đánh dấu cột mốc lần đầu có lãi trong một quý.
Với ngành khai khoáng, Masan High-Tech Materials (MHT) ghi nhận doanh thu thuần lũy kế đạt hơn 9.600 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể 89% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu vonfram tăng trưởng cao do sáp nhập từ HC Starck và giá bán cao hơn.
Dù quý III có lãi nhưng tính lũy kế từ đầu năm, MHT vẫn báo lỗ sau thuế 271 tỷ đồng (đã giảm lỗ 338 tỷ so với cùng). Việc điều chỉnh thu nhập một lần liên quan sáp nhập mảng kinh doanh vonfram có tác động tích cực lên lợi nhuận.
Thành viên cập nhật quý 2/2021: 6 tháng 2021 doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhờ VinCommerce
Theo BCTC hợp nhất quý II, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu tăng 19% lên 21.219 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 791 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp trong quý cải thiện từ 21,9% lên 22,8% giúp lợi nhuận gộp tăng 24,5% lên 4.847 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu 41.196 tỷ đồng, tăng 16%; lãi ròng 979 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, so với kế hoạch năm, Masan mới thực hiện 44,8% mục tiêu doanh thu ở mức thấp (92.000 tỷ đồng) và 39,1% mục tiêu lợi nhuận ròng ở mức thấp (2.500 tỷ đồng).
Doanh nghiệp lý giải doanh thu tăng nhờ tăng trưởng hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife) và hàng tiêu dùng (MCH), mảng bán lẻ tăng 1,7% trong quý II nhưng giảm 9% nửa đầu năm, doanh thu tại Masan High-Tech Materials tăng 137% nhờ hợp nhất HCS (mảng kinh doanh vonfram) và giá hàng hóa cao hơn.
Với The CrownX, doanh thu nửa đầu năm đạt 25.460 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu MCH, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh như nước tương, nước mắm, mì gói, tăng 11,7% lên 11.476 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu VinCommerce (chuỗi bán lẻ VinMart) giảm 8,5% xuống 14.468 tỷ đồng. Masan MEATLife (MML) đạt doanh thu 10.232 tỷ đồng, tăng 42% và Masan High-Tech Materials, khai thác mỏ đa kim Múi Pháo, tăng 137,6% lên 6.107 tỷ đồng.
Xét về biên lợi nhuận gộp, cả MCH và VCM đều cải thiện giúp biên lợi nhuận The CrownX tăng từ 25,4% lên 27,7%. Masan High-Tech Materials cũng cải thiện biên lợi nhuận nhưng MML giảm từ 16,6% về 12,8%.Ngoài ra, công ty liên kết – Ngân hàng Techcombank (TCB) có lợi nhuận trước thuế tăng 71,2% đạt 11.536 tỷ đồng trong nửa đầu năm cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận tập đoàn, giúp Masan củng cố vị trí là tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Thành viên cập nhật quý 1/2021: tăng trưởng doanh thu 13,3%
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2021 của năm tài chính 2021. Quý 1/2021, Masan Group tăng trưởng EBITDA 62,2% và tăng trưởng doanh thu 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên EBITDA Quý 1/2021 của Masan Group đạt 15,7%, cao hơn so với biên EBITDA 11,0% vào Quý 1/2020. Biên EBITDA của VinCommerce “(VCM”) cải thiện đạt mức 1,8% trong Quý 1/2021. Tại Masan Consumer Holdings (“MCH”) và Masan MEATLife (“MML”), biên EBITDA duy trì ổn định. Biên lợi nhuận tại Masan High-Tech Materials (“MHT”) thấp hơn do tác động từ việc hợp nhất H. C. Starck (“HCS”) và sự phục hồi của giá cả sẽ thể hiện kết quả trong quý sau.
Doanh thu của MSN tăng trưởng 13,3%, đạt 19.977 tỷ đồng trong Quý 1/2021, được thúc đẩy nhờ MCH tăng trưởng 18,8%, MML tăng trưởng 38,5% và MHT tăng trưởng 178,2%, bù đắp cho doanh thu sụt giảm của VCM do đóng cửa 700 điểm bán – một phần trong kế hoạch cải thiện lợi nhuận của Công ty trong năm 2020.
Đối với VCM, siêu thị mini VinMart+ đạt tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương like-for-like (“LFL”) là 4,1%, với doanh thu cao trong Quý 1/2020 từ việc người tiêu dùng dự trữ hàng hóa trong bối cảnh COVID-19. Trong khi đó, doanh thu/m2 trên cơ sở LFL của siêu thị VinMart giảm (15,8)%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (HOSE: MSN)
MSN được thành lập vào tháng 11 năm 2004 dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (tên tiếng Anh là Ma San Group Corporation) vào tháng 8 năm 2009 và đã niêm yết thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM vào ngày 05 tháng 11 năm 2009. Công ty cũng đã chính thức thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vào tháng 07 năm 2015. Dù Công ty chính thức thành lập vào năm 2004 nhưng tính đến việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm của chúng tôi thì Masan Group đã hoạt động từ năm 1996.
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, người tiêu dùng và nhu cầu của họ luôn không ngừng phát triển. Bên cạnh nhu yếu phẩm cơ bản hằng ngày, người tiêu dùng còn cần được phục vụ các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, những trải nghiệm vượt trội, phù hợp với sở thích của từng cá nhân và phong cách sống hiện đại. Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu, được nhiều người ưa chuộng. Đón đầu xu hướng này, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm có thương hiệu, Masan Group đã xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.
Link nội dung: https://vinabull.vn/ket-qua-kinh-doanh-msn-masan-a1123.html