Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần quý cuối năm ngoái của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) đã tăng 24% so với cùng kỳ năm liền trước, đạt 5.047 tỷ đồng.
Trong đó, mảng cung cấp dịch vụ hàng không vẫn là nguồn thu lớn nhất, mang về gần 4.068 tỷ đồng cho tổng công ty này và chiếm 80% doanh thu thuần hợp nhất, tăng 20%. Bên cạnh đó, mảng dịch vụ phi hàng không và bán hàng cũng lần lượt đóng góp 14% và 6% vào doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty.
Với việc cải thiện biên lãi gộp lên 53,4% trong quý cuối năm ngoái, nhà quản lý và vận hành sân bay lớn nhất Việt Nam thu về 2.696 tỷ đồng lãi gộp, tăng 43%.
Ở phần chi phí, trong khi các khoản chi phí bán hàng và chi phí tài chính không có nhiều biến động, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của ACV đã tăng 54% trong quý cuối năm ngoái, tốn 1.320 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh trong quý, ACV thu về khoản lãi ròng 1.565 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đây lại là quý kinh doanh có mức lãi thấp nhất của ACV trong năm 2023 vừa qua.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý trước đó, tính chung cả năm 2023, tổng công ty hạ tầng hàng không nay vẫn ghi nhận 20.032 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 8.572 tỷ, tăng lần lượt 45% và 18% so với năm 2022.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ACV ghi nhận mức doanh thu vượt mốc 20.000 tỷ đồng trong một năm kinh doanh. Đồng thời, mức lãi đạt được năm ngoái cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ACV đạt trên 67.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Trong khi đó, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) của ACV tại các hãng hàng không và các bên liên quan là hơn 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với đầu năm.
Đáng chú ý, Bamboo Airways ngoài việc dẫn đầu về giá trị nợ xấu, cũng đồng thời là hãng hàng không có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu cao nhất, tới 99%.
Đến cuối năm 2023, ACV đang phải dự phòng tới 1.900 tỷ đồng (tăng 880 tỷ đồng so với cuối quý III) cho khoản nợ xấu của Bamboo Airways, chiếm tới hơn 52% trong tổng số 3.650 tỷ đồng trích lập dự phòng nợ xấu của tổng công ty.
Việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 65% so với đầu năm lên 7.900 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án sân bay Long Thành và nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
Cập nhật năm 2022 lãi ròng 7.122 tỷ đồng
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022.
Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.109 tỷ đồng. Việc hoạt động kinh doanh phục hồi đã khiến chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng lên mức 82 tỷ đồng so với mức thấp là 3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức nhảy vọt lên 950 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, cao hơn cả thời gian trước dịch.
Sau khi trừ đi các loại thuế và chi phí, ACV lãi ròng 1.284 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, gấp 4,3 lần nền thấp cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 13.834 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.833 tỷ đồng.
Việc tăng trưởng doanh thu này chủ yếu bởi thị trường hàng không dần phục hồi trong năm 2022. Ngoài ra, các chính sách giá dịch vụ của ACV nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh tại cảng hàng không trong giai đoạn Covid-19 dần quay trở về mức bình thường.
Nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ (2.352 tỷ đồng) mà doanh thu hoạt động tài chính lên mức 4.120 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021.
Đồng thời, chi phí tài chính ghi nhận 204 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ do không phải ghi nhận trích lập dự phòng và điều chỉnh khoản đầu.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 10.294 tỷ đồng và 2.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt 34% mục tiêu doanh thu năm, vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Cập nhật quý 3/2022: lãi 2.400 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ, dù suy giảm so với quý 2 liền trước.
Cụ thể, trong quý 3/2022, doanh thu của ACV đạt 4.204 tỷ đồng – tăng gấp 10,6 lần so với quý 3/2021. Doanh thu tất cả các dịch vụ đều tăng, trong đó doanh thu phục vụ hành khách (PSC) đạt 1.981 tỷ đồng, tăng gần 40 lần và trở lại vị trí là mảng đem lại nguồn thu lớn nhất cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 31,5%. Vì vậy, thay vì lỗ hơn 1.000 tỷ như quý 3 năm trước, ACV ghi nhận 2.380 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Không chỉ phục hồi hoạt động kinh doanh chính, ACV còn tiếp tục hưởng lợi nhờ vay nợ bằng đồng Yên Nhật (JPY) trong bối cảnh đồng tiền này rơi vào xu hướng giảm giá, giúp cho khi đánh giá cuối kỳ, công ty lãi chênh lệch tỷ giá tới 471 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối kỳ, ACV còn dư nợ vay gần 70 triệu JPY bằng nguồn vốn ODA cho các dự án xây dựng nhà ga hành khách Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Dự án xây dựng nhà ga Quốc tế Nội Bài T2.
Kết quả cuối cùng, lợi nhuận sau thuế thu nhập của ACV đạt gần 2.400 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 702 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông của công ty mẹ ACV là 2.118 tỷ đồng – trở lại mặt bằng trước đại dịch Covid.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, ACV đạt 9.768 tỷ đồng doanh thu – tăng 157% và lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt 5.840 tỷ đồng – tăng gần 11 lần so với 9 tháng đầu năm 2021. EPS đạt 2.372 đồng.
Như vậy, ACV đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cập nhật quý 2/2022: Thoát khỏi nỗi ám ảnh dịch bệnh
Giữa lúc nỗi lo dịch bệnh được xua tan và sân bay đông đúc trở lại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lên hơn 3.4 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, lãi gộp nhảy vọt lên 1,622 tỷ đồng, tăng gấp nhiều chục lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức bình thường 47%, trong khi cùng kỳ chỉ 2%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 1.9 ngàn tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là lãi từ chênh lệch tỷ giá (gần 1.5 ngàn tỷ đồng) và cụ thể hơn là đến từ sự mất giá của đồng Yên Nhật. Đây cũng là một trong những khoản thu chính của ACV trong suốt những năm tháng dịch bệnh. Ngoài ra, doanh nghiệp hàng không này cũng tích cực cắt giảm chi phí.
Nhờ đó, ACV báo lãi ròng quý 2/2022 lên gần 2.6 ngàn tỷ, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.5 ngàn tỷ và lãi sau thuế gần 3.5 ngàn tỷ. Với kết quả này, doanh nghiệp vận hành 22 sân bay tại Việt Nam đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Cập nhật quý 1/2022: doanh thu tăng 11%
Tổng CT Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) công bố KQKD quý 1/2022 với doanh thu tăng 11% YoY đạt 2,1 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 1,3% YoY đạt 875 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2022 chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh (T-O/L) và doanh thu phi hàng không. Trong khi đó, lợi nhuận được thúc đẩy bởi biên lợi nhuận gộp tăng 12 điểm phần trăm YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi thu nhập tài chính giảm so với cùng kỳ năm trước.
Không bao gồm đóng góp từ tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (đường băng), doanh thu của ACV tăng 1,1% YoY đạt 1,7 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 2,5% YoY đạt 701 tỷ đồng trong quý 1/2022.
Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS quý 1/2022 của ACV (không bao gồm đóng góp từ tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư) lần lượt hoàn thành 18% và 28% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận cao chủ yếu do khoản lãi đánh giá lại tỷ giá chưa thực hiện cao hơn dự kiến.
Cập nhật quý 4/2021: ACV thoát lỗ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá
Theo BCTC hợp nhất quý IV, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận 960 tỷ đồng doanh thu, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Thu không đủ bù giá vốn, doanh nghiệp lỗ gộp 62,5 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 74% lên 959 tỷ đồng nhờ phát sinh 522 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Đây là khoản thu chính giúp cho doanh nghiệp thoát lỗ khi quý III/2021 lỗ kỷ lục 855 tỷ đồng.
Chi phí tài chính giảm từ 254 tỷ về 67,8 tỷ đồng do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí quản lý tăng mạnh 155% lên 418,4 tỷ đồng khi công ty trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các hãng hàng không gần 350 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp cảng hàng không báo lãi sau thuế 333,3 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu giảm 39% về 4.758 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến ACV lỗ gộp 686 tỷ đồng. Nhờ 3.250 tỷ doanh thu tài chính, phần lớn là lãi tiền gửi (1.742 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ (1.408 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế vẫn dương hơn 1.018 tỷ đồng. Phần lãi sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là hơn 830 tỷ đồng, giảm 50%. Đây là mức lãi thấp nhất của ACV trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo giải trình, ACV là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh trong khi vẫn phải có những chính sách hỗ trợ các hãng hàng không cũng bị tác động bởi Covid-19. Kết quả kinh doanh cũng phản ánh kết quả hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng hàng không theo Quyết định 2007/2020 của Thủ tướng.
Cập nhật quý 3/2021: lỗ 856 tỷ, doanh thu giảm tới 74,3% do giãn cách
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 370 tỷ đồng, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm nhẹ khiến doanh nghiệp này lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hơn 1.000 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính ACV cũng giảm gần 20%, xuống còn 463,9 tỷ đồng chủ yếu do giảm lãi tiền gửi. Chi phí quản lý của đại gia sân bay này tăng hơn 54% lên 285,5 tỷ đồng.
Do đó, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 856 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ quý lớn nhất kể từ khi IPO đầu năm 2016.
Đơn vị này cho biết doanh thu thuần giảm mạnh do tác động của Covid-19, ACV là bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng vẫn phải có các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không. Chi phí quản lý doanh nghiệp biến động so với cùng kỳ chủ yếu do trích lập nợ phải thu khó đòi với các hãng hàng không. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ACV vẫn lãi gần 500 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm gần 3 lần so với năm ngoái.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của ACV đạt 55.359 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ so với đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả 17.890 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 37.468 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh được thông qua hồi tháng 6, ACV đặt mục tiêu lãi trước thuế cả năm nay 2.539 tỷ đồng dựa trên cở sở dịch bệnh trong nước được kiểm soát từ tháng 8 và các đường bay quốc tế phục hồi tuỳ quý III. Tuy nhiên, đến nay một số đường bay quốc tế mới đang rục rịch khởi động, còn mạng bay nội địa mới được khai thác trở lại gần như toàn bộ từ 21/10.
Cập nhật quý 2/2021: 6 tháng 2021 không nhờ tài sản hạ tầng Nhà nước đầu tư thì nguy to
Không tính đóng góp từ tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (bao gồm đường băng), doanh thu của ACV tăng 23% YoY lên 1,2 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2021 trong khi LNST sau lợi ích CĐTS đạt 413 tỷ đồng so với khoản lỗ 320 tỷ đồng trong quý 2/2020.
So với quý 1/2021, ACV công bố KQKD thấp hơn với LNST sau lợi ích CĐTS giảm 41% QoQ do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tại Việt Nam bắt đầu vào cuối tháng 4/2021.
Trong khi đó, ACV đã công bố mức tăng trưởng mạnh YoY trong quý 2/2021 chủ yếu là do mức cơ sở thấp bất thường trong quý 2/2020 trong làn sóng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam. Ban lãnh đạo cũng chia sẻ rằng thị trường hàng không nội địa của Việt Nam đã hoạt động mạnh mẽ vào tháng 4/2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ACV công bố KQKD với doanh thu giảm 25% YoY xuống 3,5 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 12% YoY đạt 1,4 nghìn tỷ đồng. Sự thay đổi trong lợi nhuận YoY bị ảnh hưởng do đóng góp từ đường băng trong năm 2021.
Không tính đóng góp từ đường băng, doanh thu của ACV giảm 41% YoY còn 2,7 nghìn tỷ đồng trong khi LNST sau lợi ích CĐTS giảm 11% YoY còn 1,1 nghìn tỷ đồng. KQKD thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là do mức cơ sở cao của quý 1/2020 khi Việt Nam chưa hạn chế lượng hành khách quốc tế bởi dịch COVID-19 cho đến tháng 3/2020.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV)
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (tên giao dịch quốc tế: Airports Corporation of Vietnam - Viết tắt: ACV) là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 Cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.
ACV có vốn điều lệ 21.771.732.360.000 đồng, tương ứng 2.177.173.236 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó: Cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%.
Link nội dung: https://vinabull.vn/ket-qua-kinh-doanh-acv-tong-cong-ty-cang-hang-khong-viet-nam-ctcp-a1110.html