Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III mới công bố, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần tiếp tục sụt giảm tới 70% về gần 430 tỷ đồng. Giá vốn cao khiến công ty bị lỗ gộp 96 tỷ đồng trong quý này.
Thêm vào đó, các chi phí tài chính tăng 58% so với cùng kỳ lên 106 tỷ đồng.Lỗ trong các công ty liên doanh liên kết nhảy vọt lên 318 tỷ đồng.Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đột biến 2,5 lần cùng kỳ lên 267 tỷ đồng.
Các biến động trên khiến kết quả kinh doanh chìm trong ảm đạm với mức lỗ sau thuế 785 tỷ đồng, con số tiêu cực hơn rất nhiều so với mức lãi gần 6 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ và mức lỗ cao thứ ba trong lịch sử (chỉ sau mức lỗ lớn trong quý I-II/2020).
Công ty giải trình do ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường bất động sản, chính sách tín dụng dành cho khách hàng và do sự thay đổi các vị trí lãnh đạo của FLC trong quá trình tái cấu trúc lại bộ máy, các mảng kinh doanh cốt lõi.
Ngoài ra, các chi phí tài chính tăng 58% do ảnh hưởng của quá trình cơ cấu lại các khoản vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn. Lỗ liên kết chủ yếu đến từ mảng hàng không và dịch vụ khách sạn.
Tính lũy kế từ đầu năm, tập đoàn này thông báo doanh thu thuần giảm 63% về mức 2.090 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, lỗ lớn trong các công ty liên doanh liên kết và các chi phí hoạt động cao khiến FLC bị lỗ sau thuế hơn 1.891 tỷ đồng.
Việc liên tiếp báo lỗ lớn trong các quý gần đây khiến lợi nhuận chưa phân phối giảm mạnh còn 195 tỷ đồng; qua đó khiến vốn chủ sở hữu ngày càng mỏng đi với chỉ còn 7.945 tỷ đồng, thấp hơn gần 1.800 tỷ so với đầu năm.
Trong khi đó, tổng tài sản của tập đoàn lại mở rộng lên trên 36.200 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ so với thời điểm đầu năm. Cấu trúc tài sản đáng ngại với các khoản phải thu đã chiếm đến 15.720 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn hơn 8.700 tỷ đồng.
FLC đang có đầu tư lớn các các công ty liên kết là Bamboo Airway với tỷ lệ sở hữu 21,7%, hãng hàng không này khiến FLC gánh lỗ 1.269 tỷ đồng sau 3 quý. Một đơn vị khác là công ty Thương mại và Nhân lực quốc tế do FLC sở hữu 47% vốn, ghi lỗ gần 4 tỷ đồng cho tập đoàn.
FLC cũng công bố một số thông tin khác như một số tài sản của tập đoàn đang bị ngân hàng cưỡng chế và tiến hành các thủ tục thanh lý gồm 1 ôtô Roll Royce 30F-18788 và 1 ôtô Roll Royce 30E-13388, 1 du thuyền FLC Albatross đăng ký năm 2014.
Tập đoàn còn ký hợp đồng vào ngày 20/10 về việc chuyển nhượng công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 265 Cầu Giấy, Hà Nội (tòa trụ sở FLC Twin Towers) cho Công ty cổ phần Gateway Hà Nội.
Thực tế các báo cáo tài chính gần đây là do doanh nghiệp tự lập, chưa có soát xét hay kiểm toán. FLC cam kết nộp báo cáo kiểm toán năm 2021 vào cuối tháng 10 nhưng đến nay vẫn chưa công bố.
Tập đoàn cũng mới thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 4/11 để triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong cuộc họp này, FLC mới có thể lựa chọn đơn đơn vị kiểm toán và sau đó mới thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022.
Cập nhật quý 2/2022: số lỗ tăng cao
Tập đoàn FLC đã công bố Báo cáo tài chính quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm nay với số lỗ tăng cao trong kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Tập đoàn FLC vừa công bố cho thấy bị thua lỗ gần 636 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 47 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, FLC bị lỗ hơn 1.100 tỉ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2021 có lãi hơn 96 tỉ đồng. FLC lỗ nặng trong quý 2/2022 là do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỉ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh chỉ còn bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái với 65,6 tỉ đồng.
Doanh thu của FLC trong 6 tháng đầu nay giảm mạnh khi chỉ đạt hơn 1.661 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, FLC cũng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán hơn 134,4 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục đầu tư hiện tại của FLC chủ yếu gồm 3 công ty trong hệ sinh thái là AMD, HAI và KLF với giá trị gốc hơn 174 tỉ đồng nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ ghi nhận còn 39,7 tỉ đồng do các cổ phiếu này cũng lao dốc không phanh.
Tính đến hết ngày 30.6, FLC còn có tổng nợ phải trả 27.570 tỉ đồng, tăng khoảng 3.500 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Vốn chủ sở hữu giảm khoảng 1.000 tỉ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ trong kỳ. Khối nợ lớn hơn trước trong khi vốn chủ sở hữu giảm xuống dẫn tới tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn tăng lên mức 76%, còn tỷ lệ vốn chủ/tổng tài sản giảm còn 24%.
Hiện tại, chủ nợ của FLC ngoài các ngân hàng quen thuộc như Sacombank, BIDV, OCB… còn có một cái tên mới là ông Lê Thái Sâm, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2.7 vừa qua. Trong các tháng 4, 5 và 6, ông Sâm đã ký 4 hợp đồng cho Tập đoàn FLC vay tín chấp (không tài sản bảo đảm) tổng cộng 870 tỉ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7%/năm.
Cập nhật quý 1/2022: lỗ đậm 465 tỷ vì 4 nguyên nhân
FLC lỗ sau thuế 465 tỷ đồng trong quý đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi gần 50 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đậm nhất tính theo quý của Tập đoàn FLC trong hai năm trở lại đây, đồng thời khiến lợi nhuận chưa phân phối bị bào mòn từ gần 2.100 tỷ đồng còn 1.600 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo FLC cho biết có bốn nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ này. Thứ nhất, công ty chủ động thu hẹp mảng thương mại. Hai yếu tố tiếp theo đều liên quan đến dịch bệnh là việc thi công, bàn giao sản phẩm bất động sản bị ảnh hưởng và mảng dịch vụ nghỉ dưỡng sa sút. Cuối cùng, chi phí tài chính nhảy vọt do công ty tăng các khoản trích lập dự phòng đầu tư.
Báo cáo tài chính quý đầu năm của FLC ghi nhận doanh thu đạt 1.085 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa cùng kỳ. Trong đó, hai mảng kinh doanh chủ lực là bán hàng hoá và bất động sản đều giảm khoảng 3 lần so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay, bán hàng đều tăng đột biến cộng thêm khoản lỗ gần 265 tỷ đồng ghi nhận từ công ty liên doanh, liên kết (chủ yếu là hãng hàng không Bamboo Airways) khiến FLC không thể duy trì mạch kinh doanh có lãi.
Tính đến cuối kỳ, FLC có tổng tài sản gần 35.500 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng gần 2.100 tỷ đồng trong ba tháng, lên 26.140 tỷ đồng. Trong số này có hơn 7.100 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng.
Báo cáo tài chính cũng đề cập đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công An đang trong quá trình điều tra cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch Hương Trần Kiều Dung về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ban lãnh đạo FLC cho rằng đây là vấn đề cá nhân của hai cựu lãnh đạo nhưng sẽ "đánh giá rủi ro một cách thận trọng để có quyết định phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới".
Cập nhật quý 4/2021: doanh thu và lợi nhuận đều giảm do ghánh Bamboo Airways
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 1.167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, giảm 67% và 99% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu thấp nhất hơn 5 năm qua của FLC.
FLC cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và do công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính của hãng hàng không Tre Việt, nên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm, doanh thu tài chính giảm, giá vốn giảm, chi phí tài chính giảm, chi phí bán hàng giảm. Bên cạnh đó, do phải chịu lỗ của công ty liên kết 320 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế của FLC trong quý 4 và cả năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế cả năm 2021, FLC đạt doanh thu thuần 6.772 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 83,6 tỷ đồng, giảm 50% và 73 % so với năm 2020.
Trong cơ cấu doanh thu của FLC, nguồn thu lớn nhất là bán hàng hóa, thành phẩm, chiếm gần 3.800 tỷ đồng. Xếp sau là doanh thu kinh doanh bất động sản, khoảng 2.145 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ năm nay chỉ là 944 tỷ đồng, giảm 80% so với năm ngoái do ngành hàng không gặp khó khăn.
FLC cho biết, tại thời điểm 31/12/2021, công ty đang sở hữu 21,7% vốn tại hãng hàng không Bamboo Airways, và hạch toán Bamboo Airways là công ty liên doanh, liên kết. Giá gốc khoản đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ còn 3.514 tỷ đồng. Như vậy, FLC đang lỗ hơn 500 tỷ đồng từ Bamboo Airways.
Trong năm 2021, Bamboo Airways đã 4 lần tăng vốn, từ 10.500 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng
Cập nhật quý 3/2021: kết quả kinh doanh suy giảm ở hầu hết chỉ tiêu
Công ty CP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với đà suy giảm ở hầu hết chỉ tiêu hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 7-9 vừa qua, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận 1.444 tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn 58% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm ròng gần 2.000 tỷ.
Nhờ mức giảm mạnh hơn của giá vốn hàng bán (giảm 65%) mà FLC vẫn ghi nhận lãi gộp từ hoạt động kinh doanh trên 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 327 tỷ.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay và bán vốn công ty con) đã không còn ghi nhận cao đột biến như cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 271 tỷ đồng, giảm gần 80%.
Bên cạnh đó, FLC cũng phải chịu thêm khoản lỗ 194 tỷ đồng trong hoạt động của công ty liên doanh, liên kết quý III.
Các chỉ tiêu tài chính kém hiệu quả kể trên cùng với hàng trăm tỷ đồng chi phí phát sinh trong kỳ đã khiến lãi trước thuế quý III của FLC giảm tới 41 lần so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 14 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng chỉ đạt chưa đầy 6 tỷ, giảm tới 99%.
Đây đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết bị suy giảm chỉ tiêu lãi ròng và cũng là mức lãi thấp nhất 5 quý gần đây. So với quý II liền trước, mức lãi ròng quý III của FLC cũng chỉ tương đương 1/4.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, FLC đạt 5.605 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% và lãi ròng 69 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.213 tỷ).
Năm nay, ban lãnh đạo FLC đặt mục tiêu ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, tập đoàn này mới đạt 37% chỉ tiêu doanh thu và chưa đầy 8% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9, FLC có tổng tài sản vào khoảng 33.100 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn tới đà suy giảm tài sản của doanh nghiệp này là các khoản phải thu sụt giảm ở cả chỉ tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Cũng theo báo cáo tài chính quý III, FLC cho biết công ty hiện sở hữu 25,67% tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết tại hãng hàng không Bamboo Airways, giảm so với mức 25,88% hồi cuối tháng 6 và 51,29% vào đầu năm.
Tuy vậy, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông và FLC vẫn sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways và 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC.
Trên báo cáo tài chính công ty mẹ, Bamboo Airways cũng không còn được hạch toán là công ty con của FLC. Khoản đầu tư của tập đoàn vào hãng hàng không này đến cuối tháng 9 có giá gốc gần 4.137 tỷ, lớn nhất trong các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết của FLC.
Tuy nhiên, giá trị hợp lý của khoản đầu tư được tập đoàn xác định hiện vào khoảng 4.092 tỷ. Theo đó, FLC đang phải trích lập dự phòng hơn 45 tỷ cho khoản đầu tư vào hãng hàng không này.
Mới đây, HĐQT FLC đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mục tiêu huy động gần 5.000 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ.
Phần lớn số tiền thu được từ đợt chào bán (khoảng 4.500 tỷ) sẽ được dùng để đầu tư vào 7 dự án bất động sản, gần 500 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.
Cập nhật Quý 2/2021: bớt lỗ nhờ mua bán cổ phiếu công ty con
Tính riêng quý II, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận 1.266 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, kết quả kinh doanh quý II của FLC lại được bù lỗ bởi hoạt động tài chính với doanh thu 455 tỷ, tăng 88%. Phần lớn số thu này đến từ hoạt động mua bán cổ phiếu tại các công ty con, công ty liên kết của FLC.
Nhờ nguồn thu lớn kể trên mà hoạt động kinh doanh chính quý II của FLC được bù lỗ và công ty báo lợi nhuận sau thuế là 22 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 899 tỷ).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, FLC ghi nhận 3.826 tỷ doanh thu, giảm 41%. Nhờ gần 600 tỷ doanh thu tài chính đến từ hoạt động mua bán cổ phiếu tại các công ty con đã bù đắp các chi phí và mang lại mức lợi nhuận sau thuế là 65 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lỗ 2.790 tỷ).
Năm nay, FLC dự kiến ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng sau thuế 880 tỷ. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 7% kế hoạch lợi nhuận.
Lý giải về kết quả kinh doanh quý II và nửa năm nay, lãnh đạo FLC cho biết do các công ty con kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên doanh thu quý II vẫn giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của công ty mẹ tốt lên, doanh thu hoạt động tài chính tăng dẫn tới lợi nhuận sau thuế báo số dương thay vì mức lỗ cùng kỳ.
FLC đang định giá Bamboo Airways ở mức gần 720 triệu USD. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC vào khoảng 32.000 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó mức giảm chủ yếu ở khoản tiền và tương đương tiền từ 1.215 tỷ giảm còn 132 tỷ đồng; phải thu về cho ngắn hạn giảm hơn 2.000 tỷ; phải thu ngắn hạn khác giảm 1.300 tỷ; hàng tồn kho cũng giảm hơn 600 tỷ đồng…
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của FLC ghi nhận đến cuối tháng 6 năm nay, tập đoàn này chỉ còn nắm giữ 25,88% vốn và quyền biểu quyết tại Công ty CP Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways).
Khoản đầu tư này được FLC ghi giá gốc 4.144 tỷ. Như vậy, định giá hiện tại cho hãng hàng không này vào khoảng 16.600 tỷ đồng, tương đương gần 720 triệu USD.
Phần lợi nhuận từ khoản đầu tư của FLC tại Bamboo Airways vì vậy ghi nhận hơn 147 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của FLC hồi tháng 4, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông và FLC vẫn sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways và 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống.
Vị chủ tịch cho biết Bamboo Airways đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV trong năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Dự kiến công ty sẽ thực hiện IPO Bamboo Airways trong quý II hoặc III năm nay với giá khởi điểm trên dưới 60.000 đồng/cổ phiếu.
Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, Bamboo Airways dự kiến nâng số lượng máy bay trong đội lên ít nhất 40 chiếc và mở rộng mạng lưới đường bay lên 70-80.
Với mục tiêu tăng cả đội bay và số đường bay, hãng kỳ vọng sẽ chiếm được khoảng 30% thị phần bay nội địa trong năm nay (trong năm 2020, hãng cho biết đã sở hữu 20% thị phần bay nội địa).
Cập nhật quý 1/2021: kết quả kinh doanh tích cực
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC – HOSE) cho thấy doanh nghiệp ghi nhận trên 2.560 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, với lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, FLC có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021, với doanh thu trên 1.400 tỷ đồng, tăng gần 58%, tương ứng lợi nhuận gộp trong kỳ tăng trên 111% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập công ty mẹ tăng trên 151% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo hợp nhất, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC là gần 2.500 tỷ đồng (chưa tính mảng hàng không của Bamboo Airways).
Kết hợp với nhiều loại chi phí giảm như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp….., kết thúc quý đầu năm nay, FLC ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 50 tỷ đồng và sau thuế trên 42 tỷ đồng, tăng mạnh nếu so với lợi nhuận âm do ảnh hưởng của Covid-19 trong cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong năm 2020, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Đánh giá về năm 2021, ban lãnh đạo FLC cho biết, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều điểm sáng cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp trên các lĩnh vực cốt lõi.
Theo kế hoạch vừa được ĐHĐCĐ thông qua, FLC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 15.250 tỷ đồng (nếu tính cả Bamboo Airways thì tổng doanh thu ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 900 tỷ đồng, tăng khoảng 3 lần so với 2020.
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10% (cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do HĐQT quyết định) và kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, nhằm bổ sung vốn cho hàng loạt dự án như: Đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch; Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo tại thành phố Hà Giang; Khu đô thị mới Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang…
Trong lĩnh vực bất động sản, số dự án đang phát triển và chuẩn bị ra mắt của FLC trong năm 2021 ước tính gần 20 dự án. Trong đó, ngoài các dự án đô thị tại Hà Nội, Quảng Ninh, Kontum, Gia Lai, Đồng Tháp, …một số dự án du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm sẽ được khởi công tại các vùng đất giàu tiềm năng như Hà Giang, Phú Quốc...
Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ mang tính tiên phong, chi phí linh hoạt, tiện ích tích hợp vượt trội để gia tăng trải nghiệm của khách hàng, đón đầu thị trường du lịch phục hồi trở lại trong thời gian tới.
Còn với lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways đặt mục tiêu nâng số lượng máy bay lên ít nhất 40 chiếc, mở rộng lên 80 đường bay và chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần hàng không nội địa trong 2021.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC
Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC), tiền thân của FLC ra đời.
Những năm đầu khởi nghiệp, cùng với các cộng sự trẻ tuổi giàu khát vọng tại Công ty SMiC trong vai trò tư vấn luật, quản lý đầu tư, luật sư Trịnh Văn Quyết, người sáng lập Công ty, đã tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như cách thức đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Cùng với đó, uy tín cá nhân luật sư Trịnh Văn Quyết và Công ty SMiC từng bước được gây dựng, ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng đối tác, bạn hàng.
Năm 2010, sự sáp nhập của các công ty thành viên đã cho ra đời Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đánh dấu bước phát triển về chất của doanh nghiệp, đồng thời đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Năm 2011, thương hiệu FLC chính thức được công nhận rộng rãi với sự kiện FLC niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cùng với đó là kỳ tích hoàn thành công trình FLC Landmark Tower vượt tiến độ 4 tháng.
Sau gần hai năm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tháng 8/2013, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM. Sự kiện này là một bước tạo đà để FLC tăng tốc phát triển.
Thị trường chứng khoán đã giúp FLC huy động được nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2014, làm cơ sở để Tập đoàn chuyển hóa những ý tưởng đầu tư thành dự án thực tiễn, biến cơ hội thành tài sản hữu hình.
Đột phá bằng quyết đoán M&A
Cuối năm 2013, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ điều chỉnh, hàng ngàn dự án phải tạm dừng thi công hoặc phải chuyển nhượng lại. Nhận thấy đây chính là cơ hội để FLC có thể mở rộng đầu tư bất động sản với chi phí thấp nhất, đồng thời rút ngắn thời gian phát triển dự án, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định đẩy mạnh hoạt động M&A dự án trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu cho chiến dịch M&A này là thương vụ mua lại dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 8/2013, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Tiếp theo đó là các dự án Iớn Complex Tower 36 Phạm Hùng, nay đổi tên là FLC Complex; The Lavender Hà Đông, nay là FLC Star Tower và tháp đôi 265 Cầu Giấy hiện là Bamboo Airways Tower, đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Tất cả các dự án ngay sau khi mua về đều được Tập đoàn hồi sinh bằng việc bắt tay ngay vào triển khai. Điều này một mặt khẳng định uy tín của FLC, mặt khác giúp đưa các dự án đón đầu sự hồi phục của thị trường.
Vươn tầm cùng bất động sản nghỉ dưỡng
Nếu như chiến lược M&A giúp cho Tập đoàn được biết đến như một gương mặt mới nổi trên thị trường bất động sản thì chiến lược đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã đưa FLC lên một tầm cao mới – trở thành Tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cùng với đó, FLC được ghi nhận là “người đánh thức các vùng đất tiềm năng”.
Dự án đầu tiên ghi dấu ấn FLC trong lĩnh vực nghỉ dưỡng là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 5/2014 trên nền một vùng đầm lầy rộng gần 300 ha.
Chỉ sau 9 tháng thi công, một quần thể du lịch quy mô lớn, cao cấp và đồng bộ được hoàn thành. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, FLC Sầm Sơn đã đón tiếp hàng chục vạn lượt du khách trong và ngoài nước, là điểm đến của các sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc gia.
Sau FLC Sầm Sơn, FLC tiếp tục ghi dấu ấn tại nhiều miền đất khác, từ Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng đến Quảng Bình, Bình Định.
Tháng 5/2015, gần 3.000 người dân xung quanh vùng đồi cát khô cằn của xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã vui mừng chứng kiến lễ khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn với hy vọng nơi đây sẽ sớm trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.
Và không phụ lòng mong mỏi đó, đại dự án FLC Quy Nhơn với quy mô diện tích 1.300 ha, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng đã được Tập đoàn FLC huy động tổng lực triển khai thần tốc.
Chỉ 5 tháng sau, hạng mục sân golf đã được hoàn thành, lập kỷ lục thế giới về thi công nhanh. Đến tháng 7/2016, toàn bộ dự án được khánh thành, biến ước mơ của lãnh đạo & người dân Bình Định thành hiện thực.
Tháng 12/2018, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng chính thức khai trương, đánh dấu sự vận hành của một trong những hạ tầng du lịch đồng bộ và hiện đại nhất tại Quảng Ninh. Sở hữu tầm nhìn bao quát vịnh Hạ Long, kết hợp hơn 100 tiện ích tiêu chuẩn quốc tế… FLC Hạ Long mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, góp phần đưa vùng đất di sản trở thành một điểm đến xứng tầm với những tiềm năng quý giá đang sở hữu.
Tiếp theo sẽ là FLC Vĩnh Phúc giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Đồ Sơn, FLC Quảng Ngãi... đi vào hoạt động trong những năm tới đây.
Năm 2017, theo định giá của UniCap, tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của FLC, bao gồm giá trị các dự án, khoản đầu tư và tài sản khác… đạt 9 tỷ USD, lớn gấp 3 lần con số Savills từng định giá cách đây 3 năm.
Khi những điểm đến được kiến tạo, những thị trường du lịch được nâng tầm, sự kết nối giữa các vùng đất ngày càng trở nên cấp thiết. Chính thức khai trương những chuyến bay thương mại đầu tiên từ ngày 16/1/2019, Bamboo Airways mang đến cho khách hàng dịch vụ chất lượng hướng tới tiêu chuẩn 5 sao vượt trội, đẳng cấp.
Ký kết mua mới 80 máy bay Airbus và Boeing trước sự chứng kiến của những lãnh đạo cấp cao trong nước và quốc tế, Bamboo Airways hiện đang sở hữu đội bay hiện đại với dòng máy bay Airbus A320, A321neo và trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam vận hành máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Năm 2019, Bamboo Airways đã thực hiện gần 20 nghìn chuyến bay, phục vụ gần 3 triệu lượt hành khách, chạm mốc 12% thị phần nội địa, với tỷ lệ bay đúng giờ đạt hơn 94%, cao nhất toàn ngành.
Trong năm 2020, hãng đặt mục tiêu dự kiến phát triển đội bay lên 40 chiếc, phát triển 85 đường bay nội địa, quốc tế đến các trung tâm kinh tế, du lịch, thúc đẩy giao thông kết nối trong và ngoài nước.
Cũng trong năm 2017, bên cạnh hàng không, Tập đoàn FLC chính thức đánh dấu sự mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với thương hiệu FLC FAM, quỹ đất sản xuất lên tới hàng chục ngàn ha trải dài tại nhiều tỉnh thành.
Tập đoàn định hướng mở rộng thêm nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh thành như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Phú Yên, Sóc Trăng, An Giang,Vĩnh Phúc… song song với việc mở rộng thị trường quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường Châu Âu. Với chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm, các cơ sở chế biến sẽ được tập trung đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa để đưa vào triển khai các sản phẩm chế biến từ trái cây. Trong giai đoạn đầu, thành phẩm sẽ được phục vụ trong hệ thống quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn và các suất ăn trên chuyến bay của hãng Hàng không Bamboo Airways.
Bên cạnh đó, FLC cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư trên những lĩnh vực mới như y tế, giáo dục… với hàng loạt dự án trọng điểm như Trường Đại học FLC, Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways, Khu công nghiệp Y dược công nghệ cao FLC Vân Đồn. Mục tiêu của định hướng này là tạo ra một hệ sinh thái trọn vẹn đáp ứng các nhu cầu đang không ngừng gia tăng của cộng đồng, cũng như tận dụng các cơ hội tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Sự tăng trưởng “thần kỳ” của FLC từng được Tạp chí Forbes nhận xét “là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản” và cá nhân Chủ tịch Tập đoàn Trịnh Văn Quyết cũng trở thành một hiện tượng, một minh chứng điển hình về sự khác biệt trong kinh doanh của thế hệ doanh nhân mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám ước mơ.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-flc-quy-32021-ket-qua-kinh-doanh-suy-giam-o-hau-het-chi-tieu-a1107.html