Các cổ đông đều rất quan tâm và trông chờ ông Minh trực tiếp đính chính về tin đồn bị cấm xuất cảnh do liên quan tới Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.
Ông Dương Công Minh nói bản thân hiện là cổ đông lớn nhất của Sacombank, là đại diện và Chủ tịch Sacombank. Tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông, sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng, qua đó ảnh hưởng quyền lợi cổ đông.
"Tôi không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan và cũng không liên quan tới các vụ việc của bà ấy. Vụ việc của bà Lan đã được kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và đã được Toà án xử lý. Tôi không liên quan một câu, một chữ, một dấu chấm, một dấu phẩy nào trong kết luận điều tra vụ án này", ông Minh khẳng định, cho rằng đây là tin đồn xuất phát từ hiềm khích cá nhân.
Trước đó tối 1/4, trên mạng xã hội xuất hiện tin ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát và một số thông tin khác.
Ngân hàng Sacombank ngay sau đó khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank.
Chiều 2/4, vài giờ sau khi cổ phiếu STB bị bán tháo vì tin đồn trên, đại diện Bộ Công an cũng cho biết Chủ tịch Sacombank "không trong danh sách bị cấm xuất cảnh".
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan này bác bỏ mọi thông tin sai sự thật nhằm phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, ngân hàng. Mọi hành vi đưa tin sai sự thật sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, là cử nhân kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân). Những năm 1984-1993, ông là sỹ quan công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng. Giai đoạn 1994-1997, ông là Giám đốc xí nghiệp xây dựng - Công ty Thanh Bình cũng thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó, ông Minh giữ vai trò đứng đầu tại Công ty cổ phần Him Lam và một số công ty khác.
Trước khi tham gia HĐQT Sacombank, ông Minh từng là Chủ tịch HĐQT một nhà băng khác là LienVietPostBank (hiện tại là LPBank) trong nhiều năm. Sau đó, ông thoái toàn bộ gần 15% vốn cổ phần của Him Lam tại nhà băng này.
Ông Minh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank năm 2017. Đầu năm 2018, ông rút khỏi Him Lam và ba công ty khác để tập trung cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.
Tại đại hội, nhiều vấn đề khác về cổ tức, hành trình tái cơ cấu, kết quả kinh doanh... của Sacombank cũng được cổ đông quan tâm.
Năm nay, Sacombank vẫn chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu do "nút thắt" duy nhất liên quan đến khoản nợ của ông Trầm Bê được thế chấp tại Sacombank.
Theo phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank sau khi trích lập các quỹ còn 5.716 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại của các năm trước là 12.670 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Sacombank là 18.387 tỷ đồng. Nhưng như các năm trước, Sacombank vẫn chưa thể chia cổ tức trong năm nay.
Vướng mắc duy nhất khiến chưa hoàn tất cơ cấu, cũng như trả cổ tức là do còn khoản nợ xấu của ông Trầm Bê. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.
Năm 2024, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản 724.100 tỷ đồng, tăng 10%. Nguồn vốn huy động tăng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% đạt 535.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 10.600 tỷ đồng.
Thành viên cập nhật ngày 2/4/2024: bác thông tin ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh
Ngân hàng Sacombank khẳng định những thông tin đăng trên Facebook Thang Dang về ông Dương Công Minh là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ngân hàng Sacombank vừa có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí về việc trang Facebook có tên "Thang Dang" đã nhiều lần đăng thông tin bịa đặt và vu khống lãnh đạo Sacombank.
Ngân hàng Sacombank khẳng định những thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể tối qua, trên trang Facebook mang tên "Thang Dang" đăng tin ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan - chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát - và một số thông tin khác.
"Ngân hàng Sacombank khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank. Ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Sacombank - hoàn toàn không liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, không bị cấm xuất cảnh theo như thông tin Facebook mang tên "Thang Dang" đã lan truyền", văn bản của Sacombank khẳng định.
Trong văn bản phát đi, Ngân hàng Sacombank cũng cho hay Facebook mang tên "Thang Dang" đã nhiều lần đăng tin bịa đặt và vu khống lãnh đạo Sacombank.
Song song với văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, trưa nay, Sacombank cũng phát đi thông cáo báo chí bác bỏ tin tức vô căn cứ nêu trên.
Cập nhật ngày 15/9/2023: Sacombank tính đầu tư vào con nợ Bamboo Airways (BAV)
Sacombank - chủ nợ lớn của Bamboo Airways - có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.
Thông tin này được ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways chia sẻ tại phiên họp bất thường sáng 15/9 của hãng bay này. Trước khi gia nhập HĐQT Bamboo Airways, ông Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Ông Tuệ cho biết Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này.
Theo ông Tuệ, Sacombank đã có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways. Tuy nhiên, là một tổ chức tín dụng nên việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, nhà băng này đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.
Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm việc với hãng hàng không này để gỡ khó về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện.
Tại phiên họp sáng nay, Bamboo Airways đã thông qua một số nội dung liên quan đến cơ cấu mới của ban quản trị, và một số thay đổi về điều lệ công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, ban hành quy chế quản trị công ty, cũng như phương hướng lựa chọn cổ đông chiến lược.
Theo đó, Đại hội đã đồng ý với kiến nghị của Chủ tịch HĐQT Lê Thái Sâm về việc giao HĐQT tổ chức, thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của công ty, tăng/giảm vốn điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc Bamboo Airways và huy động vốn từ cổ đông chiến lược.
Việc lựa chọn cổ đông chiến lược được thực hiện nhằm mục tiêu tái cấu trúc về mặt tài chính, đảm bảo hoạt động của công ty và tăng cường nguồn vốn để thực hiện các chủ trương mở rộng quy mô tàu bay, mạng bay, nâng cao dịch vụ trong tương lai.
Về mặt nhân sự, Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cũng đồng ý bầu bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh, hiện là phó tổng giám đốc hãng vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Như vậy, HĐQT Bamboo Airways có 5 thành viên gồm ông Lê Thái Sâm, Lê Bá Nguyên, Nguyễn Ngọc Trọng, Phan Đình Tuệ và bà Lê Thị Trúc Quỳnh.
Sau khi miễn nhiệm 3 thành viên, ban kiểm soát Bamboo Airways cũng được bầu bổ sung 3 người mới là bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, ông Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa. Số lượng đại diện pháp luật của công ty này cũng được giảm từ 3 còn 2 người gồm Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Thành viên cập nhật ngày 25/4/2023: Chủ tịch Dương Công Minh giải thích việc không chia cổ tức 8 năm nay
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đã thông qua các kế hoạch về phân phối lợi nhuận và chiến lược kinh doanh thời gian tới.
Trong năm 2022, Sacombank trích đến 8.838 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần năm trước, nhưng nhà băng tư nhân này vẫn lãi trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng trưởng 44% và vượt 20% mục tiêu.
HĐQT Sacombank cũng trình cổ đông phương án sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền 12.672 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng sẽ không thực hiện chia cổ tức.
Giải đáp các thắc mắc của cổ đông về việc không chia cổ tức 8 năm liên tiếp, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết do ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu.
"Tôi là cổ đông lớn nhất và có tâm trạng giống các cổ đông khác, cũng muốn được chia cổ tức chứ không phải ngâm mãi. Chúng tôi cam kết chia hết cổ tức nhưng tái cơ cấu cần thời gian", ông Minh nhấn mạnh.
Sacombank cơ bản đã xử lý nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Lãnh đạo ngân hàng nói thêm đã trình vấn đề này lên Ngân hàng Nhà nước để cho phép bán đấu giá cuối năm nay.
Ban điều hành khẳng định phấn đấu trong năm 2023 sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu theo lộ trình mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
Theo đó, người đứng đầu Sacombank kỳ vọng năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và công ty sang năm tiếp theo có thể không còn phải nghe cổ đông chất vấn về việc chia cổ tức.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích Sacombank chia cổ tức để tăng năng lực tài chính. Các hoạt động kinh doanh cốt lõi không thua kém ngân hàng tương đồng quy mô và có kế hoạch trích hết 8.000 tỷ đồng lợi nhuận cho trái phiếu VAMC.
Sang năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 11% lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm tiết lộ kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế 2.383 tỷ đồng, tăng trưởng 50% và đạt 25% kế hoạch năm. Ngân hàng cũng đã trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC là 2.213 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt trên 2%.
Nợ nhóm 2 đến hết quý vừa qua là 4.226 tỷ đồng, so với năm trước đang giảm 1.255 tỷ. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngắn hạn có dòng tiền chưa thu hồi kịp nhưng các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo.
Năm ngoái, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%.
Đặc biệt, ngân hàng hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng theo quy định. Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.
Đến cuối năm ngoái, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank còn 12.672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Thành viên cập nhật ngày 30/7/2021: bán xong cổ phiếu quỹ, lãi 1.684 tỷ, sẽ bán tiếp hoàn toàn vốn ở SBS
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) vừa bán 81,56 triệu cổ phiếu quỹ (4,33% vốn điều lệ) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận riêng lẻ. Tống số tiền thu về là 2.438 tỷ, lãi 1.684 tỷ.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết việc hoàn tất bán lô cổ phiếu quỹ kể trên cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đã thực hiện xong thêm một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Việc bán cổ phiếu quỹ này cũng đã góp phần tăng thanh khoản, tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như cải thiện chỉ số an toàn vốn cho Sacombank.
“Ngân hàng đang nỗ lực để hoàn tất các mục tiêu của đề án tái cơ cấu, đưa ngân hàng về đúng vị thế của mình cũng như đủ điều kiện để được chấp thuận chia cổ tức cho cổ đông”, bà Diễm chia sẻ.
Báo cáo tài chính quý II của Sacombank cho biết đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng này vào khoảng 504.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng huy động tổ chức kinh tế và dân cư là 447.500 tỷ và tổng dư nợ cho vay là 361.100 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm.
Với các chỉ tiêu tài chính như trên, Sacombank ghi nhận 2.424 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm, tương đương 61% kế hoạch năm.
Ngoài ra, nhà băng này đã đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng với doanh số 6.612 tỷ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý II là 1,54%, giảm 0,1 điểm % so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, hưởng lợi từ kết quả kinh doanh khả quan và các thông tin thoái vốn, bán cổ phiếu quỹ, cổ phiếu STB đang ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực từ giữa tháng 7 đến nay.
Hiện thị giá STB ở mức 29.900 đồng/cổ phiếu, tăng 9% từ đáy giữa tháng 7 và cao hơn 70% so với đầu năm. Nếu tính trong 1 năm gần nhất, thị giá STB đã tăng tới 193%.
CEO Sacombank cũng cho biết ngân hàng đang có kế hoạch thoái toàn bộ 13,87 triệu cổ phiếu (10,21% vốn) tại Công ty Chứng khoán SBS trong tháng 8 này. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư nằm trong danh mục cơ cấu lại của ngân hàng và để gia tăng nguồn thu, bổ sung vốn cho kinh doanh.
Với giá bình quân dự kiến của cổ phiếu SBS vào khoảng 11.000-12.000 đồng, Sacombank kỳ vọng có thể thu về 150-170 tỷ đồng từ thương vụ.
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Sacombank đã bắt đầu bán ra cổ phiếu SBS từ ngày 22/7. Hiện tỷ lệ sở hữu của ngân hàng tại công ty chứng khoán này vào còn khoảng 7,65%.
Cùng với việc thoái vốn SBS, ngân hàng có thị phần tín dụng lớn thứ 5 thị trường cũng cho biết sẽ thực hiện một loạt hành động chiến lược khác như tập trung xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, giảm phụ thuộc vào các nguồn vốn dễ biến động, tăng cường đầu tư công nghệ, tăng thu dịch vụ, tăng tiền gửi không kỳ hạn... để nâng cao năng lực cho ngân hàng.
Đại diện Sacombank cho biết ngân hàng đã không còn là công ty mẹ của SBS từ năm 2011, sau các đợt thoái vốn trước đó.
Cụ thể, đầu năm 2010, nhà băng này đầu đợt chào bán cổ phần của mình tại SBS và giảm tỷ lệ nắm giữ tại đây xuống còn 64,9%. Sacombank sau đó tiếp tục thực hiện các đợt chào bán trong giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giảm tỷ lệ sở hữu tại SBS xuống 10,21% vào đầu năm nay, tương đương 13,87 triệu cổ phiếu SBS.
Theo vị này, cùng với việc thoái vốn khỏi SBS, Sacombank cũng thực hiện một loạt các hành động chiến lược khác như bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, tập trung xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, giảm phụ thuộc vào các nguồn vốn dễ biến động, tăng cường đầu tư công nghệ, tăng thu dịch vụ, tăng tiền gửi không kỳ hạn...
Trên thị trường chứng khoán, thị giá hiện tại của cổ phiếu SBS cũng dao động trong khoảng 12.000 đồng. Dù đã giảm gần 30% từ đỉnh hồi đầu tháng 7, thị giá hiện tại của cổ phiếu SBS vẫn cao hơn 132% so với đầu năm.
Trong hệ thống các công ty chứng khoán hiện nay, SBS thuộc nhóm cỡ nhỏ với thị phần môi giới nằm ngoài top 10 công ty lớn nhất. Tuy vậy, giống nhiều công ty chứng khoán khác, SBS cũng hưởng lợi từ diễn biến sôi động trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay.
Sau 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận 56,9 tỷ đồng doanh thu, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu đến chủ yếu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán khi mảng này tăng gấp 3 lần. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, nhà môi giới này ghi nhận 3,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa năm, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 5,7 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (tên giao dịch: Sacombank, mã STB)
STB là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, thành lập vào năm 1991. Năm 2012, Sacombank có vốn điều lệ là 14.176 tỷ đồng, được coi là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ và hệ thống chi nhánh lớn nhất Việt Nam.
Trong những năm đầu mới thành lập, Sacombank là một tổ chức tín dụng nhỏ với vốn điều lệ khoảng 3 tỷ đồng. Trong những năm 1995-1998, với sáng kiến phát hành cổ phiếu đại chúng (Sacombank là một trong những công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng ở Việt Nam), Sacombank đã có thể nâng vốn từ 23 tỷ lên 71 tỷ đồng.
Phát hành cổ phiếu đại chúng cũng trở thành kênh huy động vốn dài hạn chính cho Sacombank trong những giai đoạn sau này. Đặc biệt trong giai đoạn 2000-2006, khi thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đây cũng là giai đoạn Sacombank bùng nổ phát triển về vốn và các chi nhánh. Các cổ đông chính của Sacombank bao gồm có các cổ đông tổ chức và cổ đông gia đình. Các tổ chức chủ yếu gồm ANZ, IFC, Dragon Capital và REE là các đối tác chiến lược của Sacombank. Mỗi tổ chức này nắm giữ từ trên 5% đến trên 10% vốn cổ phần của Sacombank và có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển của Sacombank.[cần dẫn nguồn] Cổ đông gia đình chính là gia đình ông Nguyễn Hiếu Bằng, chủ tịch hội đồng quản trị của Sacombank, nắm khoảng 15% vốn chủ sở hữu của Sacombank.
Hiện tại Sacombank kinh doanh trong các lĩnh vực chính sau đây: huy động vốn, tiếp nhận vốn vay trong nước; cho vay, hùn vốn và liên doanh, làm dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng; Huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các tổ chức, dân cư dưới các hình thức gửi tiền có kỳ hạn, không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, tiếp nhận vốn đầu tư và phát triển của các tổ chức trong nước, vay vốn của các tổ chức tín dụng khác, cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân, chiết khấu các thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá, hùn vốn và liên doanh theo pháp luật; Làm dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng; Kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, thanh toán quốc tế; Huy động vốn từ nước ngoài và các dịch vụ ngân hàng khác trong mối quan hệ với nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Trong lần nâng mức xếp hạng vừa qua, Moody’s cho biết, các mức xếp hạng tín nhiệm của Sacombank có thể gia tăng trong tương lai khi Ngân hàng tiếp tục cải thiện đáng kể khả năng hoàn trả nợ vay thông qua thanh lý tài sản có vấn đề, nhận về tiền mặt, tăng trích lập dự phòng và được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn.
Theo Moody’s, khả năng thanh khoản và huy động vốn của Sacombank luôn là điểm mạnh nhờ mạng lưới kinh doanh rộng khắp và nền tảng khách hàng cá nhân bền vững.
Bên cạnh đó, Ngân hàng ít phụ thuộc vào nguồn vốn nhạy cảm với biến động thị trường như nhận/gửi tiền liên ngân hàng, chỉ chiếm khoảng 3% tổng tài sản và là mức thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng.
Những kết quả đạt được cùng với sự đánh giá tích cực của Moody’s cho thấy, Sacombank thực sự chuyển mình cả về nội lực cũng như năng lực tài chính sau thời gian tập trung tái cơ cấu.
Link nội dung: https://vinabull.vn/sacombank-muon-rut-toan-bo-von-khoi-cong-ty-chung-khoan-sbs-a1102.html