Dù vậy, giá sơ cấp căn hộ tại đây vẫn tăng 1% so với quý trước và 15% so với cùng kỳ 2022, trung bình khoảng 3.247 USD (tương đương 80 triệu đồng) một m2.
Còn theo Dat Xanh Service, giá bán bình quân căn hộ TP HCM quý vừa qua là 60-80 triệu đồng mỗi m2, tăng 2-3% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ tiếp tục giảm sâu, về mức quanh 22%, tức cứ 10 căn đưa ra thị trường chỉ có 2 căn được "chốt mua", 8 căn còn lại bị tồn kho.
Ngay ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại từ nhà đầu tư), theo ghi nhận của VnExpress, đà giảm giá căn hộ cũng đang hạ nhiệt. Xét trên mức giá đã giảm trong 6 tháng đầu năm, một số giao dịch có sự tăng nhẹ trở lại từ 5-7%. Tại khu Đông, một dự án chung cư quy mô lớn trước đó từng ghi nhận sóng xả hàng rầm rộ, giá giảm 20-30%, hiện giao dịch vẫn chưa có nhiều khởi sắc nhưng đã không còn hiện tượng cắt lỗ sâu. Các môi giới tại đây cho biết với các suất giảm giá 10-15% vẫn lác đác có khách bán, còn giảm trên 25-30% hiện đã không dễ tìm.
Báo cáo của DKRA Group cũng cho hay giá căn hộ giao dịch thứ cấp tại TP HCM ghi nhận tăng 1-3% so với quý trước. Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc thị trường DKRA Group cho biết sự tăng giá căn hộ trên thị trường thứ cấp do động thái hạ lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại thời gian qua đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, động thái giảm giá mạnh để thoát vốn, tái cơ cấu danh mục diễn ra mạnh 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư còn cầm cự đến giai đoạn này là những người đã vượt qua thời điểm sóng gió nhất.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng đà tăng giá nhà trên thị trường thứ cấp chỉ dao động ở biên độ nhỏ 1-3% và các giao dịch này diễn ra cục bộ, quy mô chưa lớn.
Trong khi đó, theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield, xu hướng tăng giá căn hộ thị trường sơ cấp trong quý vừa qua do phần lớn dự án mở bán thuộc loại hình cao cấp, hạng sang và siêu sang đã kéo giá trung bình toàn thị trường tăng lên. 92% nguồn cung mở bán đến từ 3 dự án tại khu Đông, giá bán trung bình 60-120 triệu đồng mỗi m2, không có nguồn cung bình dân kéo lại khiến giá bình quân tăng.
Cùng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết hiện nay, vấn đề đầu tiên người mua quan tâm nhất là mức giá phù hợp, sau đó là tính pháp lý của dự án. Hiện nay, nguồn cung giữa các phân khúc chưa cân đối và tâm lý người mua còn khá thận trọng. Trong bối cảnh giá nhà neo cao, người dân đang chuyển sang hướng đi thuê. Nếu muốn mua nhà phải tìm cách vay vốn, nhưng hiện nhiều người chưa dám vay vì quan ngại về lãi suất. Điều này khiến thanh khoản đình trệ.
Về giá bán, bà Dung cho rằng với thị trường sơ cấp, mặt bằng giá chung cư sẽ không giảm xuống. Bởi hiện nay mọi chi phí triển khai dự án đều tăng và quỹ đất khan hiếm.
Cập nhật ngày 21/5/2023: TP HCM thông tin về việc cấp sổ hồng cho các căn hộ và nhà đang vướng mắc
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, khoảng 81.000 hồ sơ nhà đất chờ cấp sổ hồng được thành phố chia thành 6 nhóm với các giải pháp cụ thể giải quyết những vướng mắc điển hình.
Nhóm đầu tiên gồm gần 8.200 căn không gặp vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trong tháng 5, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc trực tiếp với Cục Thuế thành phố, Chi cục Thuế các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp dự án để thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nhóm 2 có hơn 30.000 căn do doanh nghiệp dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Với nhóm này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp dự án, làm rõ nguyên nhân, vấn đề khó khăn trong việc chậm nộp hồ sơ.
Sở cho biết những đơn vị chưa nộp hồ sơ không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật đồng thời bị công bố danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân, doanh nghiệp được biết.
Nhóm 3 gồm hơn 10.000 căn thuộc 29 dự án chưa cấp giấy chứng nhận do rơi vào loại hình bất động sản mới, chưa được quy định trong luật. Hiện nhóm này gồm officetel, shophouse đã được trung ương hướng dẫn quy trình cấp sổ hồng. Sở sẽ tổ chức buổi tập huấn với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò báo cáo viên để hướng dẫn liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận cho các loại hình này.
Sở dự kiến hết quý III hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho số lượng căn hộ còn tồn đọng tại các dự án có công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
Nhóm 4 có gần 20.000 căn thuộc 39 dự án phải bổ sung nghĩa vụ tài chính. Hiện 23 dự án trong số này được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá. Số dự án còn lại bị vướng mắc, sẽ nghiên cứu xác định những khó khăn, bất cập để có biện pháp xử lý phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo lên trên.
Theo đó, từ quý II đến quý IV, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố 23/39 dự án. Đề ra được biện pháp, phương hướng giải quyết đối với 16/39 dự án còn lại.
Nhóm 5 gồm gần 4.700 căn thuộc 6 dự án chưa cấp giấy chứng nhận do các vướng mắc khác. Sở Tài nguyên Môi trường thành phố sẽ xem xét giải quyết cấp sổ hồng từ quý II đến quý III.
Nhóm cuối cùng có hơn 8.200 căn đang thuộc diện thanh tra, kiểm tra, điều tra. Sở sẽ có văn bản trao đổi với các cơ quan này về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đối với từng dự án cụ thể. Thời gian thực hiện từ quý II đến hết quý III.
Vướng mắc về cấp sổ hồng cho nhà ở đã tồn tại lâu nay. Nguyên nhân khiến việc cấp sổ này bị chậm trễ cũng được Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố nêu trong báo cáo Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP HCM.
Trước hết, cơ quan này cho rằng thời gian áp dụng quy trình cấp sổ quá ngắn. Theo quy định, thời gian giải quyết một hồ sơ là không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, trên thực tế các tổ chức, doanh nghiệp thường nộp hồ sơ với số lượng lớn (bình quân từ 50 hồ sơ đến 300 hồ sơ cho một lần nộp) nhưng thời gian hẹn trả kết quả vẫn 15 ngày.
Ngoài ra, trang thiết bị và nhân sự cũng như máy móc, công nghệ thông tin được trang bị từ năm 2005 đến nay vẫn tiếp tục sử dụng nên hạ tầng máy tính, thiết bị, công nghệ thông tin đều cũ. Cấu hình máy yếu gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ, không đáp ứng được yêu cầu quản lý, cập nhật, khai thác cơ sơ dữ liệu địa chính.
Bên cạnh đó, khối lượng hồ sơ và văn bản các loại mà Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố nhận được là rất lớn trong khi đó lực lượng nhân sự tại phòng chuyên môn còn mỏng, nên khó đảm bảo được tiến độ giải quyết hồ sơ theo mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.
Quy định pháp luật đất đai đối với những dự án có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng phải tạm dừng việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà cho đến khi có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Thực tế đến nay, việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án này.
Cuối cùng, Sở cho rằng do các văn bản pháp luật về đất đai không có điều khoản quy định về việc chuyển tiếp trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà qua các thời kỳ nên gây lúng túng cho Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, các loại hình bất động sản mới chưa được quy định việc cấp giấy chứng nhận cũng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng.
Cập nhật ngày 4/8/2022: Những khu vực ở TP.HCM có giá căn hộ giảm mạnh
Báo cáo thị trường căn hộ mới nhất cho thấy, xét chung toàn thị trường với cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp đang ghi nhận một số khu vực có tình trạng giảm mạnh giá bán.
Theo đó, kể cả trong khu vực đông dân cư như quận 11, các căn hộ cũng đã có mức giảm bình quân giá bán khoảng 3 triệu đồng/m2, còn chưa đầy 41 triệu đồng/m2.
Dù không có dự án mới nào được mở bán, nơi đây vẫn ghi nhận làn sóng "ra hàng" mạnh mẽ của giới đầu tư khi số căn hộ được rao bán trên nền tảng Chợ Tốt Nhà tăng gần 60% so với giai đoạn 3 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng nguồn cung thuộc top cao nhất nửa đầu năm qua tại TP.HCM.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến này, tại Bình Thạnh nơi nguồn cung cuối quý II tăng đột biến đến 88%, giá bán trung bình vẫn tăng 12 triệu đồng/m2, đạt mốc 65 triệu đồng/m2. Đà tăng chủ yếu được đẩy mạnh trong tháng 5 và 6. Với quận 3, tính từ đầu năm đến nay mức tăng cũng lên đến 12 triệu đồng/m2, hiện các căn hộ tại khu vực đắc địa này được chào bán với giá bình quân trên 71 triệu đồng/m2.
Một số quận tập trung dân cư đông đúc khác như quận 1, 5, 10, Phú Nhuận cũng ghi nhận tình trạng tăng giá căn hộ. Lý do là dù nguồn cung tại các quận trung tâm thời gian qua tăng trưởng ấn tượng 50-88% nhưng mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng số căn hộ trên toàn thành phố.
Ngoài những khu vực này, đa số quận, huyện khác chỉ có mức tăng nhẹ hoặc gần như ngang ngửa các tháng đầu năm. Nổi bật là quận 7 và quận 8 có mức giá chỉ tăng dưới 1 triệu đồng/m2 xuyên suốt quý II, với nguồn cung căn hộ dồi dào ở phân khúc giá "dễ chịu", lần lượt khoảng 44 triệu đồng/m2 và 33 triệu đồng/m2. Các căn hộ được mở bán tại quận 7 cũng tập trung quanh khoảng giá 40-60 triệu đồng/m2.
Những mức giá giảm mạnh nhất nằm ở quận Tân Bình và quận 4, lần lượt là 5 triệu đồng/m2 và 6,5 triệu đồng/m2. Riêng tại quận 4, đại diện đơn vị khảo sát cho rằng quy hoạch và tiện ích xung quanh các dự án chung cư hiện tại không được đánh giá cao, trong khi lại không có dự án nào được mở bán mới để hâm nóng thị trường.
Xét chung toàn thị trường TP.HCM nửa đầu năm nay, các chỉ số quan tâm và tìm kiếm trong quý II giảm đồng loạt trên toàn bộ phân khúc từ bình dân đến trung cấp và cao cấp. Lý do được cho là các ngân hàng thắt chặt tín dụng, trong khi giá cả vẫn đang trên đà tăng hoặc duy trì ở mức cao, kèm theo đó là những nghi ngại về vấn đề sở hữu pháp lý từ đề xuất về thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng.
Cập nhật ngày 12/7/2022: Giá bình quân căn hộ tại TP.HCM chạm mốc 65 triệu đồng/m2, Hà Nội tăng liên tục
Báo cáo nghiên cứu thị trường từ Đất Xanh Services cho biết trong quý II, giá nhà đất vẫn trong xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM do thiếu nguồn cung trầm trọng.
Tại Hà Nội, giá bình quân căn hộ vẫn trong xu hướng tăng, hiện ở ngưỡng 49 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý I. Dự báo, trong quý tiếp theo, con số này có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 9-15%.
"Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn duy trì trạng thái hạn chế nguồn cung trong quý II và 6 tháng đầu năm. Nguồn cung mới chỉ xuất hiện cục bộ tại một số dự án đô thị lớn, trong đó khu Đông chiếm hơn 60%. Hưng Yên là tỉnh dẫn đầu nguồn cung mới chiếm hơn 90%", báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, giá nhà thấp tầng tại Hưng Yên thiết lập mặt bằng giá mới dao động 120-194 triệu đồng/m2, các khu vực còn lại tăng nhẹ 6-13%. Dự kiến 6 tháng cuối năm nguồn cung mới vẫn hạn chế, chủ yếu các sản phẩm thấp tầng như đất nền, nhà phố.
Tại TP.HCM, giá bán căn hộ trung bình trong quý II đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý I. Giá bán phân khúc này được dự báo tăng khoảng 5-10%/năm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, giá bán nhà thấp tầng tiếp tục đạt kỷ lục, nhờ nguồn cung mới có vị trí ven sông, kèm nhiều tiện ích nổi bật. Giá bán nhà phố ở dự án mới khoảng 36-42 tỷ/căn, dinh thự 180 tỷ/căn.
Trái ngược với Hà Nội, tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới trong quý II đạt 14.400 sản phẩm, tăng 4 lần so với quý trước. Mặc dù số lượng tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
"Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt tín dụng, chậm giải ngân", Đất Xanh Services nhìn nhận.
Theo đơn vị này, siết tín dụng bất động sản phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, dù vậy giá bán vẫn ghi nhận tăng nhẹ ở tất cả các phân khúc.
Nguồn cung trong 6 tháng cuối năm dự kiến chủ yếu đến từ thị trường Bình Dương và Long An ở các khu vực ven khu công nghiệp, khu vực có quy hoạch nâng cấp, mở rộng hạ tầng. Tuy nhiên, số lượng dự án mới tại khu vực không tăng trưởng mạnh do chính sách siết quản lý bất động sản.
Tại miền Trung, trong 6 tháng đầu năm, giá bán đất nền ghi nhận tăng 10-15% một vài khu vực diễn ra sốt đất. Nhà liền thổ tại Đà Nẵng xác lập kỷ lục, trong khi các khu vực khác có biên độ tăng thấp.
Với thị trường miền Tây, đơn vị này dự báo khi các khu công nghiệp được chú trọng quy hoạch và thu hút đầu tư tại các tỉnh Miền Tây, bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh, tạo đà tăng trưởng cho các dự án bất động sản nhà ở.
Cập nhật ngày 24/6/2022: Giá căn hộ ở Hà Nội tăng liên tục, lên nhanh hơn cả TP.HCM
Một số dự án chung cư tại Hà Nội đã tăng giá hơn 10% trong nửa năm qua. Theo chuyên gia, giá căn hộ ở Hà Nội có thể bắt kịp TP.HCM trong vài năm tới.
Tại dự án chung cư 6th Element tại khu đô thị Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), môi giới đang ra giá 50 triệu/m2 cho một căn hộ 2 phòng ngủ, cao hơn 10% so với mức giá cách đây 6-7 tháng.
Hiện tại, tốc độ tăng giá của chung cư Hà Nội đã vượt TP.HCM, giá bán chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, tỷ lệ này ở TP.HCM là 5%.
Báo cáo thị trường quý I của Bộ Xây dựng cũng cho biết giá căn hộ Hà Nội tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với TP.HCM (ở mức tăng 1-2% so với cùng kỳ).
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận xu hướng tăng giá từ quý I/2019 đến nay. Tính đến hết quý I, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội đạt mức 1.840 USD/m2 (tương đương 43 triệu đồng/m2).
Khảo sát 6 dự án bàn giao năm 2022 ở Hà Nội gồm Rubic 360 Xuân Thủy, The Nine, The Park Home (cùng tại quận Cầu Giấy), Feliz Homes (quận Hoàng Mai) hay BID Residence (quận Hà Đông), duy nhất dự án BID Residence có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Các dự án còn lại đều vượt 40 triệu đồng/m2
Không chỉ các dự án mới, các chung cư đã đi vào hoạt động trong khoảng thời gian 2-5 năm ở Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng giá cao chưa từng thấy. Chẳng hạn, một căn căn hộ 85 m2 tại chung cư Bohemia đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân chứng kiến mức tăng giá từ 2,9 tỷ đồng lên 3,3 tỷ đồng, còn loại căn hộ 127 m2 tăng từ 4,7 tỷ đồng lên 5,1 tỷ đồng trong vòng 1 năm.
Một căn hộ 103,8 m2 tại dự án Roman Plaza trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông đang được định giá khoảng 4,2 tỷ đồng. Trong khi cách đây 2 năm, giá căn hộ tương tự được giao dịch ở mức 3,2 tỷ đồng.
Có một số lý do giải thích hiện hiện tượng này.
Thứ nhất, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng, nguồn cầu ngày một lớn, sự điều chỉnh giá bán là điều dễ hiểu. Trước đó, nền giá căn hộ tại TP.HCM cao hơn đáng kể so với Hà Nội. Hiện nay, với mức giá điều chỉnh gần như ngang nhau song lại diễn ra trên 2 nền giá khác nhau, tỷ lệ % thay đổi cũng sẽ khác nhau.
Thứ hai, trong 2 năm trở lại đây, vùng ven Hà Nội liên tục xuất hiện các cơn sốt đất, qua đó đẩy giá đất bất đông sản, bao gồm cả giá chung cư vùng ven lên một mặt bằng mới. Khi giá lên, một số người mua nhà sẽ tìm đến thị trường căn hộ đã qua sử dụng tại khu vực trung tâm và tiếp tục khiến thị trường khu vực này tăng giá.
Cập nhật ngày 30/7/2021: Tốc độ tăng giá nhà đất ở TP.HCM cao hơn căn hộ
Sau 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, thị trường bất động sản nhà ở đã cho thấy sự tổn thương nghiêm trọng ở cả phân khúc nhà phố và chung cư.
Trong khi hàng loạt mặt bằng cho thuê chịu cảnh "cửa đóng then cài" do khách kinh doanh trả mặt bằng trước đó và nay là tuân thủ chỉ thị giãn cách xã hội của TP.HCM, nhiều chủ căn hộ chung cư cũng buộc phải giảm giá từ 15-30% để giữ chân người thuê nhà và tìm kiếm khách thuê mới.
Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận tính thanh khoản của nhà đất và căn hộ chung cư sụt giảm đáng kể do tâm lý lo ngại dịch bệnh chung của thị trường cũng như giá bán bất động sản hiện nay đã quá cao.
Chính vì vậy, đối với nhiều nhà đầu tư bất động sản, đây là lúc để họ đánh giá lại tiềm năng sinh lời của hai sản phẩm nhà ở phổ biến trên thị trường hiện nay và đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
Giá nhà đất tại quận 2 cũ (TP Thủ Đức) hiện nay khoảng 21-22 tỷ đồng/căn. Ảnh: Chí Hùng. |
Giá nhà đất cao gấp 2-3 lần chung cư
Trong 6 tháng đầu năm, dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, giá bán bất động sản nhà liền thổ tại thị trường thứ cấp tại TP.HCM lại có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Savills cho biết đối với các sản phẩm sơ cấp, nguồn cung bán ra thị trường hạn hẹp chỉ 770 căn nhưng chỉ có 500 căn được tiêu thụ và lượng hàng tồn kho còn khá lớn nên giá không tăng quá nhanh.
Tuy nhiên, thị trường thứ cấp lại ghi nhận tốc độ tăng giá khá mạnh so với dòng sản phẩm căn hộ. Cụ thể, theo thống kê của Batdongsan.com.vn, giá nhà riêng hiện nay cao gấp 2-3 lần giá chung cư cùng khu vực.
Tại quận 9 cũ (TP Thủ Đức), giá căn hộ trung bình ghi nhận là 2,3 tỷ đồng/căn trong khi nhà đất là khoảng 7 tỷ đồng/căn. Tương tự, ở quận 2 cũ (TP Thủ Đức) giá nhà đất trung bình đã lên đến 21-22 tỷ đồng/căn trong khi giá căn hộ khoảng 5,7 tỷ đồng/căn.
Ở quận 7, giá một căn hộ hiện nay trung bình khoảng 4,1 tỷ đồng thì giá nhà đất cao hơn gấp 2 lần với trung bình 8,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá nhà riêng cũng cao hơn so với các sản phẩm căn hộ. Số liệu cho thấy, mức tăng giá chung cư và biệt thự lần lượt tại quận 9 cũ là 2% và 8%, con số này ở quận Bình Thạnh là 2% và 4%, tại quận 7 là 1% và 7%.
Theo Chợ Tốt Nhà, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, nguồn cầu trong quý II đã ghi nhận mức giảm lên đến 12% nhưng giá đất thổ cư ở các quận huyện này dao động không đáng kể và vẫn neo ở mức cao.
Tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ cao hơn 1,5 lần
Trong hơn 1 năm qua, các chủ căn hộ chung cư không có khách thuê đang phải tự giảm giá từ 20-30% so với thời điểm trước dịch. Khách thuê của các căn hộ cho thuê có giá từ khoảng 15 triệu đồng/tháng trở lên hầu hết là khách nước ngoài.
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã rời Việt Nam để trở về nước khiến nguồn cung tăng cao.
Biến động tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà chung cư theo năm tại thị trường TP.HCM hiện nay chỉ đạt 4%, lần lượt thấp hơn mức 4,5% hồi năm 2020 và kém hơn mức 5,2% hồi năm 2019. Căn hộ cao cấp với suất đầu tư lớn nhưng hiệu suất lợi nhuận cho thuê chỉ đạt 3,7%, thấp hơn tỷ suất sinh lời bình quân của thị trường chung cư.
Dù có giá bán nhà phố gấp 2-3 lần căn hộ, tỷ suất sinh lời của nhà phố cho thuê thậm chí đã hạ xuống dưới 2%. Nhà phố tại quận 2 cũ có tỷ suất sinh lời từ cho thuê chỉ đạt 1,9% dù đây là khu "nhà giàu mới" nổi tại TP.HCM.
Nhà phố tại các quận Tân Phú, quận 9, Bình Thạnh và quận 7 lần lượt ghi nhận tỷ suất sinh lời từ cho thuê dao động trong ngưỡng 2,3-2,7%. Điều đó cho thấy mặc dù tốc độ tăng giá và giá bán thấp hơn nhiều so với loại hình nhà đất, tỷ suất cho thuê của căn hộ tại TP.HCM vẫn cao hơn 1,5 lần.
Các căn hộ cao cấp tại TP.HCM có giá thuê hàng tháng dao động từ 12-45 triệu đồng/căn tùy diện tích và dự án. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhìn chung về thị trường TP.HCM, Chợ Tốt Nhà đánh giá dù liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỷ suất sinh lời bất động sản trong 12 tháng qua vẫn ghi nhận chỉ số tích cực, đặc biệt là khu vực ngoại thành TP.HCM.
Các quận huyện được tìm kiếm nhiều trong quý II như TP Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh vẫn tăng giá ổn định từ 15-17% cho cả hai loại hình căn hộ chung cư và nhà liền thổ so với cùng kỳ năm ngoái
Link nội dung: https://vinabull.vn/gia-can-ho-tai-tphcm-va-ha-noi-tang-a1101.html