Tinh vi hơn ông Quyết, ông chủ Gỗ Trường Thành (TTF) chuyền tay để công ty bán chui cổ phiếu thay mình

ttf-vo-truong-thanh-1655188447.jpg
Ông Võ Trường Thành (nhà sáng lập - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành TTF) 


Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa có văn bản giải trình về việc không công bố thông tin giao dịch bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian tháng 8/2020 đến tháng 3/2021, hiện chỉ còn 15.815 cổ phiếu quỹ.

Năm 2020, theo thỏa thuận chuyển giao tài sản, gia đình ông Võ Trường Thành (nhà sáng lập - cựu Chủ tịch HĐQT) đồng ý chuyển giao hơn 12,6 triệu cổ phiếu TTF để khắc phục một phần thiệt hại trong quá khứ.

Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu cho biết sau khi nhận chuyển giao tài sản thì cũng "không biết phải hạch toán số lượng cổ phiếu này như thế nào, khi bán phải thực hiện thủ tục gì hay không".

Ngày 19/10/2020, Gỗ Trường Thành đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hạch toán số cổ phần trên theo chuẩn mực kế toán và thủ tục bán cổ phiếu đã nhận. Ngày 17/11/2020, UBCKNN đề nghị công ty có công văn tới Cục quản lý, giám sát kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) xin hướng dẫn về việc hạch toán.

Ngày 15/12/2020, công ty đã gửi công văn xin hướng dẫn và đến 15/1/2021 cơ quan quản lý hướng dẫn hạch toán số cổ phiếu TTF nhận bồi thường trên sổ sách là cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên Gỗ Trường Thành đến nay đã bán hết cổ phần chuyển giao từ nhà sáng lập (chỉ giữ nguyên lượng 15.815 cổ phiếu quỹ đã có từ trước).

Cụ thể, nhà xuất khẩu gỗ phía Nam bán ra gần 8,9 triệu cổ phiếu trong giai đoạn tháng 8-12/2020. Đến tháng 3/2021, công ty tiếp tục bán toàn bộ lượng còn lại 3,7 triệu cổ phiếu nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành.

CEO Nguyễn Trọng Hiếu thừa nhận công ty đã không thực hiện báo cáo HoSE và công bố thông tin về việc bán cổ phiếu quỹ, thay đổi số lượng cổ phiếu quỹ theo quy định của Luật chứng khoán.

Tuy nhiên, bản chất của việc chuyển giao cổ phiếu từ gia đình ông Võ Trường Thành cho công ty là sự bồi thường thiệt hại cho các cổ đông, nhằm khắc phục thiệt hại một phần của quá khứ.

Lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng đây không phải là mua bán cổ phiếu giữa hai bên theo giao dịch mua bán cổ phiếu thông thường, đây chỉ là phần tài sản chuyển giao nhằm bồi thường thiệt hại nên công ty đã bán cổ phiếu nhằm hoàn tất việc khắc phục thiệt hại.

"Công ty không có chủ trương mua lại cổ phiếu quỹ và giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Công ty không nhận thức được khi bán số cổ phiếu chuyển giao này phải báo cáo và công bố thông tin. Công ty cũng không tìm thấy trường hợp tương tự trước đó để có cơ sở tham chiếu", CEO Nguyễn Trọng Hiếu trình bày.

Gỗ Trường Thành do chính ông Võ Trường Thành sáng lập và dần nắm vị thế đừng đầu tại khu vực Bình Định về phía Nam. Tuy nhiên hoạt động đầu tư, mở rộng tràn lan giai đoạn khủng hoảng 2008 khiến kinh doanh lao dốc.

Đến năm 2016, công ty dính vào vụ bê bối kiểm toán kinh điển khi hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng và buộc phải trích lập các khoản phải thu khó đòi, lộ diện các khoản thua lỗ khủng.

Nhà sáng lập rời khỏi công ty và nhiều cuộc giải cứu đã xuất hiện, dàn lãnh đạo mới nhất liên quan đến ông Mai Hữu Tín tích cực nhất trong việc khôi phục lại doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề nan giải về hàng tồn kho và nợ vay.

Song song đó, công việc thu hồi tài sản của lãnh đạo cũ để khắc phục hậu quả cũng đã được Gỗ Trường Thành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản tháng 3/2017 và thực sự tiến triển trong đầu năm 2020.

Sau giai đoạn tái cơ cấu, hiện Gỗ Trường Thành công bố trả hết nợ vay tồn đọng để bắt đầu được cấp tín dụng bình thường trở lại, vấn đề hàng tồn kho dự kiến hoàn thành xử lý trong quý II năm nay. Hoạt động kinh doanh cũng cải thiện ấn tượng với 4 quý có lãi liên tiếp.

Năm 2022, nhà xuất gỗ hàng đầu tại miền Nam đặt kế hoạch doanh thu 2.269 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72,8 tỷ đồng. Riêng quý I đã ghi nhận con số lợi nhuận 19 tỷ đồng, thực hiện 26% mục tiêu cả năm.

Tuy nhiên, Gỗ Trường Thành vẫn còn nhiều thách thức khi khoản lỗ lũy kế còn hơn 3.037 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I. Công ty còn trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn (2.259 tỷ) đã vượt hơn 373 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.886 tỷ đồng).

Cập nhật ngày 5/4/2022: sếp phó VPB (VPBank) bán chui cổ phiếu

Bà Lưu Thị Thảo - Phó tổng giám đốc Ngân hàng VPBank - vừa thông báo đã bán ra 25.000 cổ phiếu VPB (tính theo mệnh giá 250 triệu đồng) theo phương thức khớp lệnh, trong thời gian từ 7/2 đến 24/2.

Theo quy định tại điều 33 Thông tư 96/2020/BTC-TT, lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trị giá dưới 200 triệu đồng theo mệnh giá (20.000 cổ phiếu) thì không phải công bố thông tin.

Do vậy, bà này là người nội bộ thuộc diện phải công bố thông tin đăng ký bán trước khi giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên dữ liệu từ HoSE và cả website ngân hàng đều không có thông báo đăng ký bán số cổ phiếu nói trên.

Sau giao dịch "bán chui" trên, Phó tổng giám đốc VPBank đã giảm lượng sở hữu xuống còn hơn 6,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 0,144% vốn điều lệ ngân hàng.

Trong thời gian sếp VPBank bán cổ phiếu, thị giá VPB dao động trong vùng 35.000-37.000 đồng. Tạm tính theo đó giao dịch bán cổ phiếu trên có giá trị xấp xỉ 1 tỷ đồng.

 

Cập nhật ngày 27/7/2021: Người thân của chủ tịch VPBank (VPB) bị phạt gần 1 tỉ vì mua bán cổ phiếu 'chui'

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố thông tin vào hôm nay 27-7 về việc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội), với số tiền phạt 940,35 triệu đồng.

Nguyên nhân là ông Bê không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, trong khi ông là anh rể của chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB).

Cụ thể, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1-2021, mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2-2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3-3-2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 23-7-2021.

Theo báo cáo thường niên, tại ngày cuối năm 2020, ông Bê đang nắm gần 121,69 triệu cổ phiếu của VPBank (tỉ lệ 4,81%). Nếu tính theo thị giá 57.000 đồng/cổ phiếu (phiên 27-7), ước tổng số cổ phiếu có giá trị hơn 6.936 tỉ đồng. 

Trong vòng một năm trở lại, cổ phiếu của VPBank có biến động giá tăng hơn 188%.

Cũng trong hôm nay, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố xử phạt hành chính đối với ông Phạm Quốc Bình (Hà Nội) vì báo cáo không đúng thời hạn cho sở giao dịch chứng khoán khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Ngày 25-12-2020, ông Bình đã mua 200.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Lanmark Holding (LMH) dẫn đến khối lượng cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 5,26 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 20,52%) lên gần 5,46 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 21,3%) nhưng đến ngày 22-1-2021 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo thay đổi tỉ lệ sở hữu này. Ông Bình bị phạt 15 triệu đồng.

Chốt phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu LMH đang nằm ở giá 9.000 đồng. Trong vòng 1 năm nay, cổ phiếu này có biến động giá tăng đến 1.700% (giá đóng cửa cao nhất 10.800 đồng vào 12-7-2021, thấp nhất 500 đồng vào 28-7-2020).

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - chia sẻ dù tình hình dịch COVID-19 gây ít nhiều khó khăn, nhưng đơn vị đã triển khai được 7 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của nhà đầu tư đối với 7 mã cổ phiếu. 

Trong nửa đầu năm nay, đơn vị này đã ban hành tổng cộng 190 quyết định xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức với tổng số tiền phạt là 5,66 tỉ đồng.

Link nội dung: https://vinabull.vn/ban-chui-co-phieu-a1086.html