Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại và thấy một số sai phạm về cho vay tại Việt Á (VietABank), Quốc Dân (NCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Bắc Á (BacABank) và Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, các nhà băng này có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định. Họ cũng cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án.
Các ngân hàng trên cho vay để nhận chuyển nhượng, đầu tư cùng một dự án, nhưng khách hàng vay không trực tiếp thực hiện mà vay để chuyển cho chủ đầu tư qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng phân khu thuộc dự án. Mặt khác, một số chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định.
Với Techcombank, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra, ngân hàng này cho 19 khách hàng vay 34.199 tỷ đồng tính đến 31/8/2018, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay của họ.
Nhà băng này cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp với 7 khách hàng, dư nợ hơn gần 20.100 tỷ đồng. Số doanh nghiệp này gồm Công ty cổ phần Đại Thành Invest Hà Nội, Công ty cổ phần Hà Thành Invest Hà Nội, Công ty Trường An Invest Hà Nội, Công ty Việt Hùng Invest Hà Nội và Công ty cổ phần Hùng Thịnh Invest Hà Nội, Công ty TNHH KDI-1 và mua lại khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần phát triển Bất động sản DPV từ VietinBank.
Doanh nghiệp này góp vốn vào các công ty con để mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án thuộc dự án Vinhomes Ba Son - Golden River. Bản chất đây là vay vốn thành lập doanh nghiệp để mua lại một phần dự án này, thông qua hình thức mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp dự án. Kiểm tra hồ sơ, Thanh tra Chính phủ cho biết, Techcombank thẩm định, phê duyệt cho vay trên cơ sở thông tin, số liệu phương án vay vốn không phù hợp, thẩm định chưa đầy đủ, thiếu cơ sở và chưa chính xác.
Ngân hàng giải ngân khi chưa hoàn tất điều kiện chuyển nhượng và khi thỏa thuận nguyên tắc đã hết hiệu lực. Techcombank không kiểm soát được việc các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nguyên tắc đã ký. Dự án chưa xây dựng, giấy phép xây dựng hết hạn, tiến độ dự án không đảm bảo nhưng ngân hàng chưa đánh giá lại phương án vay vốn, hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi nợ.
Cập nhật ngày 22/4/2023: Chủ tịch Hồ Hùng Anh thừa nhận cho vay bất động sản cao
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh thừa nhận ngân hàng cho vay bất động sản cao nhưng phần lớn là cho vay cá nhân còn cho vay dự án "đều có pháp lý".
Cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu và tỷ trọng cho vay với riêng một số khách hàng là những chủ đề được quan tâm nhất trong phiên họp cổ đông thường niên sáng nay của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB).
Tính tới cuối 2022, cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 29% tổng danh mục, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 6% tổng tài sản của Techcombank. Nhà băng này cũng vừa bị hạ bậc xếp hạng bởi Hãng đánh giá tín dụng Moody's do dự báo tình hình khó khăn của ngành bất động sản sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tín dụng.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank thừa nhận tỷ trọng cho vay bất động sản của ngân hàng ở mức cao, nhưng cho biết chủ yếu là khoản vay cho cá nhân có nhu cầu mua nhà. Về cho vay chủ đầu tư, ngân hàng này chọn khách hàng tốt, dự án có pháp lý đầy đủ nên "trong giai đoạn thị trường khó khăn các dự án này vẫn được triển khai".
Về mối quan hệ với Tập đoàn Masterise, ông Hùng Anh trả lời như các năm trước rằng, doanh nghiệp này không phải công ty đầu tư bất động sản mà là nhà phát triển dự án, ký hợp tác với các chủ đầu tư để triển khai và thu phí.
"Không có chuyện Techcombank cấp tín dụng để Masterise tài trợ các dự án", ông Hùng Anh khẳng định và cho biết dự án mà tập đoàn này đang triển khai đều hoạt động bình thường và tiến độ xây dựng đúng hạn. Với các khách hàng khác, những chủ đầu tư này vẫn duy trì công việc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Với trái phiếu, Chủ tịch HĐQT Techcombank khẳng định ngân hàng luôn quản lý trái phiếu như một khoản vay. Giá trị sổ sách của trái phiếu trong giai đoạn vừa qua đã giảm nhưng việc giảm này chỉ là vấn đề thời gian. Lượng trái phiếu Techcombank tư vấn chào bán ra thị trường bán lẻ cho tới nay chưa có trái phiếu nào bị quá hạn về gốc và lãi.
"Thị trường trái phiếu sẽ quay trở lại", ông Hùng Anh nhận xét và cho rằng, đây là kênh huy động vốn quan trọng và khi thị trường này phục hồi thì tốc độ tăng trưởng của Techcombank sẽ trở lại rất nhanh.
Năm nay, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đến cuối năm dự kiến đạt hơn 510.000 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Nói về mức suy giảm lợi nhuận, người đứng đầu Techcombank cho biết "đây là kế hoạch thận trọng nhất".
Ban lãnh đạo Techcombank đã đặt ra nhiều kịch bản khác nhau cho năm nay, như mức lãi trước thuế 28.000 tỷ, 22.000 tỷ đồng, nhưng quyết định chọn mức thấp nhất để trình các cổ đông. Con số thực tế có thể cao hơn nếu thị trường diễn biến thuận lợi, bất động sản và trái phiếu phục hồi.
Cũng theo ông Hùng Anh, nhìn vào quá khứ, Techcombank đã có những giai đoạn rất thận trọng với kế hoạch kinh doanh. Năm 2012-2014, Techcombank luôn đi đầu trong việc trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận nhưng sau đó đã trở thành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao khi xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC.
Với khủng hoảng thị trường bất động sản hiện nay, Chủ tịch Techcombank cho rằng nguyên nhân chủ yếu do niềm tin của nhà đầu tư. "Khi niềm tin quay trở lại thì nhu cầu thị trường sẽ trở lại, nhu cầu đầu tư của người Việt vẫn còn rất lớn", ông Hùng Anh nhận xét.
Năm nay, Techcombank cũng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.500 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 23/3/2023: bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm
Hãng đánh giá tín dụng Moody's trong báo cáo ngày 22/3 đã hạ xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) xuống Ba3 từ mức Ba2 của tháng 9 năm ngoái.
Moody’s cũng hạ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3. Bên cạnh đó, xếp hạng rủi ro đối tác nội - ngoại tệ (LC and FC Counterparty Risk Ratings – CRR) điều chỉnh từ Ba1 xuống Ba2. Đánh giá rủi ro đối tác nội tệ (LT Counterparty Risk Assessment – CR) cũng hạ từ Ba1 xuống Ba2. Đánh giá về triển vọng chuyển từ ổn định thành tiêu cực.
Việc hạ bậc tín nhiệm này do Moody's dự báo tình hình khó khăn của ngành bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tín dụng độc lập của Techcombank khi đơn vị này tập trung nhiều vào lĩnh vực này. Moody's lưu ý động thái này không liên quan tới những rủi ro gần đây xảy ra tại các ngân hàng Mỹ và châu Âu.
Tính tới cuối 2022, khoản cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 29% tổng danh mục của Techcombank. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 6% tổng tài sản, theo báo cáo của Moody’s.
Hãng này đánh giá, nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank là đủ trong môi trường hiện tại. Các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã tăng lên 8% trong tài sản hữu hình của Techcombank tính đến cuối năm 2022 từ mức 5% một năm trước đó. Tuy nhiên, một vài khoản nợ lớn với lĩnh vực bất động sản có quy mô đáng kể so với vốn cổ phần hữu hình và có thể gây ra biến động.
Chưa thể nâng xếp hạng với Techcombank nhưng Moody's cho biết có thể thay đổi triển vọng thành ổn định nếu căng thẳng bất động sản giảm, tỷ lệ tài sản có vấn đề (gồm cả nợ xấu và nợ tái cơ cấu) dưới 2% trong 12-18 tháng tới, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào lĩnh vực này.
Đại diện Techcombank cho hay, đánh giá từ Moody's đã phản ánh những thách thức của thị trường và toàn ngành. Nhưng ngân hàng tin rằng các thế mạnh cơ bản sẽ cho phép họ tiếp tục vượt trội so với các tiêu chuẩn ngành trong trung hạn, đặc biệt là về sức mạnh của cơ sở vốn, vị thế thanh khoản và phí ròng, tỷ lệ thu nhập trên tổng thu nhập hoạt động.
Một báo cáo khác của Moody's tháng 3 cũng đề cập đến tỷ lệ cho vay bất động sản, xây dựng và dư nợ trái phiếu chiếm tỷ lệ cao so với vốn chủ sở hữu của nhiều nhà băng khác (tính tới hết năm 2021).
Tỷ lệ cho vay bất động sản, xây dựng và trái phiếu doanh nghiệp tính trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng vào cuối 2021. Nguồn: Moodys.
Tỷ lệ cho vay bất động sản, xây dựng và trái phiếu doanh nghiệp tính trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng vào cuối 2021. Nguồn: Moody's
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2022, nhiều nhà băng cũng đã chủ động cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Cập nhật ngày 28/11/2021: TCB (Techcombank) sắp nhận 600 tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ TCBS
Đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ cổ tức lên tới 60,08% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 6.008 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
TCBS có tổng cộng 10 cổ đông, với số cổ phần 112,425 triệu đơn vị. Như vậy, số tiền cổ tức mà công ty chứng khoán này sẽ chi trả là khoảng 675 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là ngân hàng mẹ của TCBS sở hữu gần 89% cổ phần. Như vậy, Techcombank dự kiến nhận về khoảng 600 tỷ đồng cổ tức.
TCBS chính là công ty chứng khoán có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Năm ngoái, TCBS lãi sau thuế 2.152 tỷ đồng. EPS 19.153 đồng/cổ phiếu. Phần lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 của TCBS ghi nhận 4.832 tỷ đồng.
Năm nay, ngành chứng khoán nói chung có một năm thăng hoa. Sau 9 tháng, TCBS báo lãi sau thuế 2.277 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu ngành.
Cập nhật ngày 16/10/2021: vay 18.500 tỷ giá rẻ từ nước ngoài, lãi suất dưới 2%
Gần 30 định chế tài chính cho Techcombank vay với quy mô lớn 800 triệu USD với lãi suất dưới 2% một năm, thấp hơn nhiều lãi suất tiền gửi.
Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn nước ngoài quy mô 800 triệu USD, tương đương hơn 18.500 tỷ đồng. Đây là khoản vay hợp vốn có giá trị lớn nhất dành cho các định chế tài chính tại Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Techcombank tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế sau khoản vay hợp vốn đầu tiên vào năm ngoái.
Khoản vay hợp vốn này được chính thức chào bán cho các nhà đầu tư vào tháng 6 năm nay với quy mô ban đầu 500 triệu USD. Sau đó, trị giá khoản vay được nâng lên 800 triệu USD do nhu cầu cho vay lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
Khoản vay tín chấp của Techcombank bao gồm 600 triệu USD vay kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD kỳ hạn 5 năm. Lãi suất khoản vay bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,35% một năm với kỳ hạn 3 năm và 1,62% một năm cho kỳ hạn 5 năm.
Lãi suất LIBOR là lãi suất tham chiếu mà các ngân hàng hàng đầu trên thị trường tài chính London dùng để cho vay lẫn nhau, không quá 0,28% một năm. Như vậy, lãi suất khoản vay quy mô 18.500 tỷ của Techcombank là dưới 1,63% kỳ hạn ba năm và 1,9% kỳ hạn 5 năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi trong nước.
Nguồn vốn trung dài hạn giá rẻ này có thể giúp Techcombank tận dụng lợi thế chi phí thấp để tối ưu chi phí và nới rộng biên lãi ròng.
Tổng cộng có 28 ngân hàng và định chế tài chính phát triển quốc tế đã tham gia vào giao dịch cho vay này. Ngân hàng Standard Chartered (SCB) là tổ chức ban đầu đứng ra bảo lãnh phát hành và thu xếp khoản vay. Sau đó, Ngân hàng Cathay United, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Ngân hàng State Bank of India và Ngân hàng Quốc tế Taishin đã cùng tham gia với tư cách là các bên được đồng chỉ định thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính cho khoản tín dụng này.
Ông Bryan Liew, Giám đốc Điều hành phụ trách thu xếp hợp vốn của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, giao dịch này là một cột mốc lớn đối với thị trường cho vay Việt Nam, xét về vị thế của bên đi vay cũng như quy mô và kỳ hạn của khoản vay.
Việc khoản vay đã thu hút thành công hơn 20 nhà đầu tư tham gia hợp vốn và giá trị của khoản vay đã tăng thêm tới 60% so với giá trị dự định vay ban đầu khẳng định sự tin tưởng của thị trường ngân hàng quốc tế với tiềm lực tài chính và khả năng tăng trưởng của Techcombank, ông Liew cho biết.
Cập nhật ngày 24/9/2021: Wincommerce (chủ sở hữu VinMart) vay Techcombank (TCB) 1.150 tỷ
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa có nghị quyết về việc phê duyệt giao dịch cấp tín dụng với tổ chức có liên quan cổ đông lớn ngân hàng là Công ty CP Tập đoàn Masan.
Cụ thể, ban lãnh đạo Techcombank đã phê duyệt cấp khoản tín dụng và hợp đồng thấu chi cho Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. Cả 2 công ty này đều là công ty thành viên thuộc sở hữu của Masan.
Trong đó, Techcombank sẽ cấp hạn mức tín dụng 1.150 tỷ đồng cho Wincommerce và 150 tỷ đồng cho VinEco để 2 doanh nghiệp này bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời hạn cho vay là 12 tháng với tài sản bảo đảm khoản vay của VinEco là cổ phiếu của Wincommerce với bên sở hữu là Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.
Trong khi đó, khoản vay của Wincommerce không có tài sản bảo đảm mà được bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MSC) đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hạn mức tín dụng kể trên.
Ngoài Wincommerce được cho vay 1.150 tỷ đồng, Techcombank cũng cho VinEco hay 150 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Ảnh: VCM. |
Ngoài ra, Techcombank cũng cho phép Wincommerce giao dịch thấu chi (chi vượt số tiền có trên tài khoản) tối đa 800 tỷ đồng và VinEco được thấu chi tối đa 150 tỷ đồng.
Wincommerce chính là tên mới của Công ty Vincommerce, chủ sở hữu trực tiếp chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ mà Masan thực hiện đổi tên sau khi mua lại chuỗi bán lẻ này từ Vingroup hồi cuối năm 2019.
Hiện một số siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ tại TP.HCM và Hà Nội đã được đổi tên thành WinMart và WinMart+. Trước đó, kế hoạch đổi tên này cũng được CEO Masan là ông Danny Le chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.
Liên quan tới giao dịch cấp tín dụng cho các công ty thành viên của Masan (cổ đông lớn nắm 15% vốn Techcombank).
Mới đây, ngân hàng này cũng phê duyệt cấp khoản tín dụng bảo lãnh với Công ty CP Mobicast hơn 450 tỷ đồng. Thời hạn bảo lãnh tối đa 36 tháng kể từ ngày bảo lãnh thanh toán có hiệu lực.
Khoản bảo lãnh thanh toán trên không có tài sản bảo đảm nhưng được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cho toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà Mobicas phát sinh tại Techcombank từ món bảo lãnh này.
Đáng chú ý, Mobicast chính là doanh nghiệp viễn thông mới được Masan (thông qua The Sherpa) chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 70% vốn với tham vọng mở rộng sang lĩnh vực viễn thông và dịch vụ số.
Đây là một start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO), sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.
Cập nhật ngày 23/7/2021: Giảm lãi cho vay không ảnh hưởng nhiều tới biên lãi ròng Techcombank (TCB)
Đây là chia sẻ của ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý II vừa qua.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, việc giảm lãi suất từ tháng 7 mới đây sẽ ảnh hưởng tới phần thu nhập lãi của Techcombank, tuy nhiên, ngân hàng có những lợi thế để giảm thiểu ảnh hưởng này tới kết quả cuối cùng.
Cụ thể, ông Hà cho biết trong chiến lược phát triển trước đây cũng như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Techcombank không tập trung vào tăng lãi suất cho vay để cải thiện biên lãi ròng (NIM) mà tập trung vào giảm lãi suất huy động bằng cách tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Hiện tỷ lệ CASA đến cuối quý II của Techcombank đang là 46,1%, thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất hệ thống.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn đã tăng 55% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133.400 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của cá nhân và doanh nghiệp tăng lần lượt 57% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái
Cũng trong 12 tháng gần nhất, lượng tiền gửi có kỳ hạn của Techcombank đã giảm 4,8%, đạt 155.900 tỷ do ngân hàng đang ưu tiên các nguồn vốn có lãi suất thấp.
Ông Hà cho biết ngoài huy động của khách hàng, Techcombank còn có thể vay của các tổ chức nước ngoài nhằm tối ưu chi phí huy động.
Năm 2020, Techcombank đã vay 500 triệu USD vốn nước ngoài. Dự kiến năm nay, ngân hàng tiếp tục thực hiện vay nguồn vốn ngoại thời hạn 3-5 năm với lãi suất rẻ hơn nhiều so với tiền gửi kỳ hạn trong nước.
“Nguồn vốn này có lãi suất thậm chí thấp hơn lãi suất huy động dân cư kỳ hạn 1-3 tháng”, ông Hà chia sẻ.
Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng, chính việc có được nguồn vốn rẻ và đa dạng này nên Techcombank có dư địa để giảm lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng nhiều tới biên lãi ròng (NIM), qua đó ít ảnh hưởng tới thu nhập lãi.
Bên cạnh đó, Techcombank hiện là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Việc giảm thu từ lãi, nhưng tăng thu ngoài lãi sẽ giúp ngân hàng này giảm thiểu ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất cho vay.
Techcombank là một trong 16 ngân hàng tham gia giảm lãi suất cho vay từ tháng 7 theo chỉ đạo của NHNN. Ảnh: Nam Khánh. |
Vì vậy, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kết quả kinh doanh năm nay.
Năm 2021, Techcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm liền trước và là con số kỷ lục của ngân hàng.
Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12%, đạt 356.200 tỷ đồng vào cuối năm (theo chỉ tiêu NHNN giao) và huy động vốn tăng 14,7%, đạt 334.300 tỷ đồng, bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên mới đây Techcombank cùng một số ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó Techcombank được nới hạn mức từ 12% lên 17% cho cả năm nay.
Trước đó, Techcombank là một trong 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay ngay từ tháng 7 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng này cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa 1,5 điểm %/năm với các khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Trong khi lãi suất cho vay với khách hàng mới sẽ thấp hơn tối đa 1 điểm %.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng chấp nhận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng nhưng không giảm cào bằng mà tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn…
Link nội dung: https://vinabull.vn/techcombank-giam-lai-cho-vay-khong-anh-huong-nhieu-toi-ngan-hang-a1060.html