Theo đó, hôm 13/3, quỹ này đã bán 545.800 cổ phiếu MSN. Sau giao dịch bán, số lượng cổ phiếu nắm giữ của quỹ đã giảm từ hơn 32,2 triệu cổ phiếu (chiếm 2,25% vốn) xuống còn 31,6 triệu cổ phiếu (chiếm 2,21%).
Trong khi đó, quỹ đầu tư khác của GIC là Ardolis Investment Pte. Ltd vẫn giữ nguyên số lượng cổ phiếu MSN nắm giữ là hơn 39 triệu cổ phiếu (chiếm 2,76%).
Tổng số lượng sở hữu của nhóm GIC trước giao dịch bán ra kể trên là 71,74 triệu cổ phiếu MSN (chiếm 5,01% vốn), sau giao dịch đã thu hẹp còn 71,2 triệu cổ phiếu (chiếm 4,98% vốn). Như vậy, nhóm GIC không còn là cổ đông lớn tại Masan Group.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MSN đang trong vùng giá cao nhất 6 tháng trở lại đây. Trong ngày 13/3, mức giá giao dịch trung bình của cổ phiếu MSN vào khoảng 80.130 đồng/cổ phiếu. Ước tính trên mức giá này, GIC có thể đã thu về gần 44 tỷ đồng từ giao dịch kể trên.
GIC đã đầu tư vào Masan kể từ năm 2016. Thời điểm giữa năm 2020, quỹ đầu tư này từng chi hàng trăm triệu USD để sở hữu 13,03% vốn của Masan (tức khoảng 152,3 triệu cổ phiếu MSN). Tới cuối năm 2020, GIC bắt đầu thoái vốn dần.
Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore hiện đầu tư mạnh vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung nổi lên kể từ năm 2018.
Ước tính GIC có tổng tài sản hơn 700 tỷ USD. Gần đây, quỹ đang dồn trọng tâm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để tránh lạm phát.
Cập nhật ngày 6/12/2023: quỹ ngoại mua thêm cổ phần với giá 85.000 đồng/cp
Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa công bố thông tin liên quan việc Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới - đã đồng ý gia tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Masan Group. Số tiền này đã nâng tổng mức đầu tư lên 250 triệu USD so với mức 200 triệu USD đã công bố vào tháng 10/2023.
Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Số tiền thu được từ giao dịch vốn cổ phần này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan.
Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (Convertible Dividend Preference Share hoặc CDPS) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm.
Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong vài tháng tới và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, để gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x.
Cập nhật ngày 20/7/2021: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang muốn tăng sở hữu tại Masan Group (MSN)
Nhóm công ty MIC và người có liên quan đang nắm giữ hơn 50% vốn Masan Group và tiếp tục muốn tăng sở hữu tại tập đoàn hàng tiêu dùng này.
Công ty Cổ phần Masan (Tên viết tắc: MIC) vừa đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu Masan Group (Mã chứng khoán: MSN) trong thời gian từ 22/7 đến 20/8 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Đây đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 31,28% cổ phần Masan Group.
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu MSN trong thời gian tương tự. Đây là công ty con của MIC và đang sở hữu 13,25% cổ phần Masan Group.
Như vậy, tổng khối lượng nhóm Masan liên quan tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đăng ký mua đợt này là 5 triệu cổ phiếu. Với thị giá MSN là 119.400 đồng/cp, tạm tính số tiền nhóm sắp chi ra gần 600 tỷ đồng.
Hiện tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MIC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Masan Group. Ông Quang chỉ nắm giữ trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng sở hữu gián tiếp lượng lớn cổ phần thông qua MIC (ông có sở hữu 48,5% vốn MIC).
Bà Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Quang) đang là thành viên HĐQT tại cả Masan Group và MIC, nắm giữ trực tiếp hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN. Người liên quan còn có ông Nguyễn Thiều Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, cùng là thành viên HĐQT Masan Group và MIC.
Trước giao dịch trên, tổng sở hữu của MIC và người có liên quan là hơn 595 triệu cổ phiếu MSN, trở thành nhóm cổ đông lớn nhất nắm giữ 50,35% cổ phần Masan Group. Các cổ đông lớn khác còn có nhóm quỹ thuộc Chính phủ Singapore (GIC) sở hữu 10,68% và SK Investment nắm giữ 9,31% cổ phần.
Trong năm nay, Masan Group đặt chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 92.000 - 102.000 tỷ đồng và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của Công ty khoảng 2.500 - 4.000 tỷ đồng. Riêng trong quý I, doanh thu tập đoàn tăng 13% lên gần 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 187 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 7,5% kế hoạch ở mức thấp.
Masan Group gần đây đang đẩy mạnh huy động vốn và M&A. Tập đoàn này muốn huy động khoảng 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi, gọi vốn 400 triệu USD từ Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long và tích hợp chuỗi trà sữa này vào 1.000 cửa hàng tại VinMart+ theo hình thức ki-ốt…
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (HOSE: MSN)
MSN được thành lập vào tháng 11 năm 2004 dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (tên tiếng Anh là Ma San Group Corporation) vào tháng 8 năm 2009 và đã niêm yết thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM vào ngày 05 tháng 11 năm 2009. Công ty cũng đã chính thức thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vào tháng 07 năm 2015. Dù Công ty chính thức thành lập vào năm 2004 nhưng tính đến việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm của chúng tôi thì Masan Group đã hoạt động từ năm 1996.
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, người tiêu dùng và nhu cầu của họ luôn không ngừng phát triển. Bên cạnh nhu yếu phẩm cơ bản hằng ngày, người tiêu dùng còn cần được phục vụ các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, những trải nghiệm vượt trội, phù hợp với sở thích của từng cá nhân và phong cách sống hiện đại. Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu, được nhiều người ưa chuộng. Đón đầu xu hướng này, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm có thương hiệu, Masan Group đã xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.
Link nội dung: https://vinabull.vn/giao-dich-co-dong-lon-msn-masan-a1037.html