Định giá cổ phiếu CTR (Viettel Construction): hưởng lợi từ việc tắt sóng 2G, giá mục tiêu 123.000 đồng/cp

Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (CTR: HOSE) dự báo tăng trưởng lợi nhuận được hưởng lợi từ việc đấu giá thành công băng tần của Viettel cho mạng 4G/5G

 

fpt-ctr-1619138659.jpeg
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (CTR: HOSE) 

Với việc Tập đoàn Viettel (Viettel) đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz để phục vụ thương mại hóa công nghệ di động 5G vào ngày 8/3/2024, dự báo tổng số trạm BTS (trạm thu phát sóng cơ sở) của CTR sẽ đạt mức tăng trưởng 70% svck trong năm 2024, được hưởng lợi từ việc tắt dần sóng 2G và triển khai 5G, điều này có thể hỗ trợ doanh thu mảng hạ tầng cho thuê tăng 53% svck.

Về dài hạn, mức đóng góp lợi nhuận từ mảng này có thể cao hơn. Trên thực tế, chúng tôi dự báo lợi nhuận gộp của mảng này sẽ chiếm khoảng 27% tổng lợi nhuận gộp trong năm 2026 (so với 15% trong năm 2023) mặc dù mức đóng góp vào doanh thu của công ty chỉ cải thiện nhẹ (8% tổng doanh thu từ 4% trong năm 2023), do biên lợi nhuận gộp mảng này tương đối cao hơn (khoảng 31% trong năm 2023) so với các mảng khác (5%-20%).

Hơn nữa, do giá trị hợp đồng xây dựng dân dụng được ký trong Q4/2023 cao hơn dự kiến (chiếm hơn 40% giá trị hợp đồng trong năm 2023), ước tính tăng trưởng doanh thu cho mảng xây dựng của CTR (từ 6% svck lên 17% svck) trong năm 2024.

LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) sẽ tăng 16,4% svck trong năm 2024 (so với 16,6% svck trong năm 2023), nhờ sự hỗ trợ mạnh từ mảng xây dựng, vận hành khai thác và hạ tầng cho thuê.

SSI tiếp tục duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CTR, với giá mục tiêu DCF 12 tháng là 123.000 đồng/cổ phiếu (tương đương tiềm năng tăng giá là 9%).

Yếu tỗ hỗ trợ đối với khuyến nghị: Theo Quy hoạch phát triển điện VIII (PDP VIII) đã được phê duyệt, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch phát triển khoảng 2.600 MW công suất điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trong năm 2030 (dành cho người tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp).

Theo đó, Bộ Công Thương (BCT) hiện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn điện này. Nếu cơ chế này được thông qua, mảng giải pháp tích hợp (giải pháp năng lượng mặt trời) của CTR sẽ được hưởng lợi (chiếm 9%-12% lợi nhuận gộp). Hơn nữa, giá trị hợp đồng xây dựng ký mới cao hơn dự kiến có thể hỗ trợ doanh thu cao hơn cho mảng xây dựng.

Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Việc trì hoãn thương mại hóa 5G và/hoặc tắt sóng 2G có thể ảnh hưởng kém tích cực đến việc xây dựng trạm BTS, triển vọng tăng trưởng của các mảng vận hành khai thác và xây dựng hạ tầng viễn thông cũng như cải thiện biên lợi nhuận.

Lưu ý mảng cho thuê hạ tầng của CTR (bao gồm cả BTS) có biên lợi nhuận cao nhất (như đã đề cập ở trên). Bất kỳ khoản chậm thanh toán nào từ khách hàng cũng có thể gây ra rủi ro, đặc biệt là hoạt động xây dựng B2B. Hơn nữa, lo ngại về giá trị hợp đồng ký mới thấp hơn dự kiến trong mảng giải pháp tích hợp và xây dựng.

Cập nhật ngày 20/7/2021: Phân tích kỹ thuật cổ phiếu CTR: tích lũy tại khu vực 68-76

CTR đang ở trong trạng thái vận động tích lũy tại khu vực 68-76 trong 1 tháng nay sau khi có giai đoạn tăng giá trước đó.

Điểm nhấn kỹ thuật

- Xu hướng hiện tại: Tích lũy

- Chỉ báo xu hướng MACD: Xuất hiện Golden Cross

- Chỉ báo RSI: Ở trên giá trị 50

- Đường MA: EMA12 ở trên EMA26.

Nhận định

CTR đang ở trong trạng thái vận động tích lũy tại khu vực 68-76 trong 1 tháng nay sau khi có giai đoạn tăng giá trước đó. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể quay lại đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CTR nằm tại khu vực xung quanh 73. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 85, cắt lỗ nếu ngưỡng 69.3 bị xuyên thủng.

Tổng Công ty CP Công trình Viettel - CTR

CTR, tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Công trình được thành lập ngày 30 tháng 10 năm 1995, là đơn vị hạch toán độc lập, một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Sau khi làm tốt các nhiệm vụ của đất nước, người Công trình Viettel đã ý thức và bắt tay vào hành động mang đến một cuộc sống chú trọng trải nghiệm, sự tiện nghi, hiện đại hơn đến với công chúng.

Sau nhiều lần chuyển đổi tên giao dịch, đến tháng 9/2018, Công trình Viettel chính thức mang tên Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Tên giao dịch quốc tế Viettel Construction Joint Stock Corporation) hoạt động kinh doanh với 6 trụ chính: Đầu tư Hạ tầng, Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2C và B2B), Công nghệ thông tin, Giải pháp Tích hợp, Dịch vụ Kỹ thuật và Vận hành Khai thác.

Trải qua 26 năm phát triển và đồng hành cùng công chúng, Tổng Công ty đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước với hơn 50.000 trạm phát sóng, 320.000 km cáp quang (tương đương 8 vòng trái đất), bao phủ 100% lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng biển hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đồng thời Tổng Công ty còn tiên phong tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Từ đơn vị xây lắp thuần túy, trở thành Tổng Công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng kĩ thuật , công nghệ với quy mô gần 10.000 người, tâm đắc mang trong mình sứ mệnh đồng hành “Dựng Xây Cuộc Sống Mới” cùng các doanh nghiệp trên cả nước và thế giới.

Trên thực tế nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.

SSI & BSC

Link nội dung: https://vinabull.vn/phan-tich-ky-thuat-co-phieu-ctr-tich-luy-tai-khu-vuc-68-76-a1036.html