Bách Hóa Xanh (BHX) bán 5% vốn cho đối tác Trung Quốc

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh - công ty con của Thế Giới Di Động (MWG) - cho biết đã hoàn tất giao dịch chào bán riêng lẻ 5% vốn cho CDH Investment - công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thấp hơn mục tiêu ban đầu là tối đa 20%.

bhx-2022b-1653539967.jpg
Công ty Đầu tư Bách Hóa Xanh (BHX)

Được thành lập năm 2022, trụ sở tại Bắc Kinh, CDH Investment là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, nổi tiếng với hoạt động giao dịch trong các ngành truyền thống, như tiêu dùng và sản xuất. Công ty này hiện quản lý hơn 27 tỷ USD tài sản, đầu tư vào hơn 350 công ty với các hình thức khác nhau.

Theo kế hoạch ban đầu, Bách Hóa Xanh dự kiến chào bán tối đa 20% vốn. Tuy nhiên, công ty cho biết với tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh cải thiện, nên không có nhu cầu chào bán như kế hoạch ban đầu.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng Bách Hóa Xanh cho hay số tiền này sẽ được dùng cho hoạt động và phát triển kinh doanh.

Bách Hóa Xanh là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc MWG. Ra đời từ năm 2015, chuỗi này được coi là "con cưng", kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, công ty này liên tục thua lỗ, với mức lũy kế lên đến 8.300 tỷ đồng đến cuối năm ngoái.

Từ quý II/2022, MWG tái cấu trúc chuỗi này. Họ đóng 400 cửa hàng trong thời gian ngắn, đến nay chỉ giữ lại khoảng 1.700 điểm bán. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thay đổi định vị từ mô hình "chợ hiện đại" sang "siêu thị mini".

Những tháng gần đây, doanh thu chuỗi này tăng trưởng tốt và trở thành điểm sáng duy nhất trong "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài.

Hai tháng đầu năm, Bách Hóa Xanh có mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống Thế Giới Di Động. Chuỗi này đạt 6.095 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% so với cùng kỳ 2023. Bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 1,8 tỷ doanh thu dù không hoạt động đủ ngày trong tháng 2 do nghỉ Tết. Với mức này, chuỗi đã đạt điểm hòa vốn như kế hoạch kỳ vọng trước đó.

Cuối tháng 9/2023, Reuter từng đưa tin định giá của Bách Hóa Xanh vào khoảng 1,5-1,7 tỷ USD nhưng bị MWG bác bỏ.

Thành viên cập nhật ngày 24/8/2022: Bách Hóa Xanh (BHX) tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng cao nhất trong hệ thống Thế Giới Di Động (MWG)

Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm. Theo đó, công ty này đạt 21.613 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 17% kế hoạch năm.

Trong các nhóm ngành hàng, Bách Hóa Xanh đang có mức tăng trưởng cao nhất ở Thế Giới Di Động. Hai tháng đầu năm, chuỗi này đạt 6.095 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ 2023. Bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 1,8 tỷ doanh thu dù không hoạt động đủ ngày trong tháng 2 do nghỉ Tết. Với mức doanh thu này, chuỗi đã đạt điểm hòa vốn như kế hoạch kỳ vọng trước đó.

Theo ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách Hóa Xanh, động lực tăng trưởng chuỗi trên đến từ cả 2 ngành hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh với mức tăng lần lượt là 70% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng, hệ thống kho vận, cộng thêm kiểm soát tốt chi phí logistic đã giúp chuỗi này cải thiện kết quả kinh doanh.

Với chuỗi Thế Giới Di Động và Topzone dù tăng trưởng chậm nhưng cũng đã nỗ lực trong 2 tháng đầu năm khi số cửa hàng ít hơn trước đó. Cụ thể, 2 chuỗi này ghi nhận doanh thu 4.582 tỷ đồng, trong khi đó chuỗi Điện Máy Xanh đạt 10.309 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Cuối tháng 2, MWG có 1.077 cửa hàng Thế Giới Di Động/Top zone, 2.189 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.698 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids và 53 cửa hàng Erablue tại Indonesia.

Năm ngoái, doanh thu của MWG đạt gần 118.300 tỷ đồng nhờ "chiến lược giá rẻ" trong nửa cuối năm. Nhưng lợi nhuận sau thuế công ty giảm tới 96%, chỉ còn gần 168 tỷ đồng - mức thấp nhất 10 năm.

Năm nay, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu tăng 5%, lên 125.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng.

Thành viên cập nhật ngày 24/8/2022: Thế Giới Di Động (MWG) thay đổi kế hoạch huy động vốn vì Bách Hóa Xanh (BHX) đang tốt lên

Theo nghị quyết mới đây của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), kế hoạch huy động vốn cho Công ty Đầu tư Bách Hóa Xanh sẽ thay đổi: số lượng cổ phần chào bán dự kiến từ 5% đến mức tối đa là 10%.

"Với kết quả kinh doanh tích cực và diễn biến dòng tiền trong năm 2023, Bách Hóa Xanh không có nhu cầu huy động vốn lên đến 20% như kế hoạch ban đầu", nghị quyết nêu rõ.

Việc chào bán cổ phần dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm nay. Số tiền huy động được sẽ phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh của chuỗi.

Trước đó, thị trường xuất hiện thông tin Bách Hóa Xanh đã ký kết thương vụ bán 10% cổ phần cho quỹ CDH Electric Bee - từng là cổ đông lớn giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, đại diện MWG nói với VnExpress rằng thông tin trên không chính xác. Đến thời điểm hiện tại, thương vụ bán cổ phần chuỗi thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này vẫn chưa hoàn tất.

Theo kế hoạch ban đầu, đối tượng phát hành là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới, trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam. Mức định giá chào mua cổ phần không được nêu cụ thể, MWG chỉ nói sẽ ở mức "hợp lý". Hồi cuối tháng 9/2023, Reuter từng đưa tin định giá của Bách Hóa Xanh vào khoảng 1,5-1,7 tỷ USD nhưng bị MWG bác bỏ.

Bách Hóa Xanh là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc MWG. Ra đời từ năm 2015, chuỗi này được coi là "con cưng", kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên sau nhiều sai lầm, Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ với mức lũy kế lên đến 8.300 tỷ đồng.

Từ quý II/2022, MWG quyết định tái cấu trúc chuỗi này. Họ đóng 400 cửa hàng trong thời gian ngắn, đến nay chỉ giữ lại hơn 1.697 điểm bán. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thay đổi định vị từ mô hình "chợ hiện đại" sang "siêu thị mini".

Những tháng gần đây, doanh thu chuỗi này tăng trưởng tốt và trở thành điểm sáng duy nhất trong "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài. Theo kế hoạch, Bách Hóa Xanh có thể hòa vốn vào cuối năm 2023. Việc có hoàn thành mục tiêu này hay không sẽ được công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh cả năm dự kiến vào cuối tháng 1 sắp tới.

Thành viên cập nhật ngày 24/8/2022: định giá Bách Hóa Xanh 1,5 tỷ USD, muốn bán 20% cổ phần

Hôm 24/8, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) cho biết công ty đã thuê một cố vấn để hỗ trợ việc bán tới 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh, định giá ước tính là 1,5 tỷ USD, theo Reuters.

“Chúng tôi đã chọn một cố vấn và đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho thương vụ”, đại diện MWG trao đổi với Reuters qua email. 

MWG đã đóng tổng cộng 400 cửa hàng so với đầu năm và hoàn tất việc thay đổi bố trí mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Cuối tháng 7, công ty có 1.735 cửa hàng Bách Hóa Xanh, doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. 

“Với việc doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí được kiểm soát, tôi kỳ vọng Bách Hóa Xanh có thể có lãi ngay trong quý 4. Qua năm 2023, sự chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ chấm dứt, Bách Hóa Xanh thực sự trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch  Thế giới di động chia sẻ. 

Thành viên cập nhật ngày 22/8/2022: Ban lãnh đạo tự tin chuỗi Bách Hoá Xanh sẽ có lợi nhuận từ quý 4/2022

Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) tự tin chuỗi Bách Hoá Xanh sẽ có lợi nhuận từ quý 4/2022.

Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, hàng loạt cửa hàng treo biển xả kho giảm giá đến 50%, một số đóng cửa hoặc tạm ngừng để nâng cấp. 

Doanh nghiệp này cũng cho biết quá trình tái cơ cấu toàn diện bắt đầu từ tháng 4 và đang cho thấy tín hiệu tích cực. Các thay đổi bao gồm đóng cửa hàng không hiệu quả, thay đổi cách bố trí (layout), cắt bỏ các mặt hàng có nhu cầu thấp… 

Báo cáo mới nhất cho thấy doanh nghiệp tiếp tục đóng thêm 150 cửa hàng trong tháng 7. Như vậy, đại gia bán lẻ đã đóng khoảng 400 cửa hàng so với số đầu năm, hoàn tất việc thay đổi cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. 

Sau giai đoạn mạnh tay cắt bỏ, hiện ông lớn bán lẻ này còn vận hành khoảng 1.735 cửa hàng kinh doanh. Doanh thu bình quân một cửa hàng vào khoảng 1,3 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với mức bình quân 1 tỷ đồng hồi đầu năm. 

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG và là người điều hành chính Bách Hóa Xanh – cho biết: “Khi doanh thu tăng nhiều còn chi phí được kiểm soát, Bách Hóa Xanh có thể có lợi nhuận ngay trong quý IV năm nay. Đó sẽ là bước chuyển quan trọng với cả tập đoàn. Lợi nhuận từ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn phải bù đắp cho Bách Hóa Xanh”.  

Lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói thêm chuỗi đã qua giai đoạn củng cố nền tảng vững và chuyển sang bước tiếp theo là tối ưu vận hành như tập trung cho logistics và mảng online, để chuẩn bị cho việc mở rộng. Kế hoạch năm 2023 sẽ nhân rộng mô hình chuẩn hiện tại ra toàn quốc, bắt đầu ở một số khu vực có mật độ cửa hàng còn thưa thớt và tiến tới những tỉnh chưa có kinh doanh. 

Thành viên cập nhật ngày 30/3/2022: doanh thu và lợi nhuận cả cửa hàng lẫn online đều khoe sắc

MWG công bố kết quả kinh doanh mùa Tết (tháng 1, 2) năm 2022 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với nền mùa Tết năm 2021.

Doanh thu online đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, tăng 150% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tăng trưởng chủ yếu đến từ sự bứt phá của chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh với doanh thu online đạt kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 160% và chiếm gần 19% tổng doanh số của chuỗi này.

2 tháng đầu năm, Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Kể từ cuối tháng 2, BHX bắt đầu triển khai các sự thay đổi mới như thu hút khách hàng bằng chiến lược giá bán cực kỳ hấp dẫn so với kênh truyền thống và nỗ lực chỉ bán hàng mới trong ngày để biến thực phẩm tươi sống trở thành thành điểm đến.

Năm 2022, chiến lược xuyên suốt của MWG là tối ưu năng lực mua hàng và đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy bán hàng, chăm sóc khách hàng, nâng cấp trải nghiệm mua sắm. Từ đó, công ty đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc mở rộng tập khách hàng, tăng lượt mua sắm và sản lượng tiêu thụ, không đặt mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp.

Thành viên cập nhật ngày 14/10/2021: lợi nhuận MWG (Thế Giới Di Động) bắt đầu đi lên từ tháng 10/2021

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố mức doanh thu kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 10. Con số này tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với tháng 9 liền trước.

Kết quả khả quan này nhờ phần lớn cửa hàng được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội. Trước đó tập đoàn này báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý III giảm mạnh, do có gần 2.000 cửa hàng điện tử phải đóng cửa, hạn chế bán hàng theo quy định phòng dịch và 40-50% chuỗi thực phẩm không thể phục vụ khách trực tiếp từ 23/8 trở đi.

Như vậy tính lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn bán lẻ này đạt khoảng 98.800 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 125.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 79% chỉ tiêu doanh thu.

Động lực tăng trưởng trong tháng vừa qua đến từ nhóm chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ & ĐMX) khi ghi nhận doanh số hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và tăng 60% so với tháng 9. Trong diễn biến mới nhất, một cửa hàng Điện Máy Xanh bị đem xăng tới đốt ở Trà Vinh.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, tổng giám đốc phụ trách hai chuỗi trên, cho biết kết quả đến từ việc đã chủ động chuẩn bị để mở cửa lại sớm nhất, đồng loạt và an toàn.

Cùng với đó, công ty làm việc với nhà cung cấp từ sớm, đeo bám và sâu sát trong khâu điều phối – luân chuyển hàng hóa để đảm bảo có hàng đầy đủ nhất trong bối cảnh thị trường Việt Nam và toàn cầu bị ảnh hưởng về nguồn cung.

Công ty cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại để khai thác hiệu quả nhu cầu mua sắm mới/thay thế sản phẩm hư hỏng sau 3-4 tháng giãn cách do dịch bệnh; đồng thời kích cầu khi mua sản phẩm thứ 2-3, cung cấp dịch vụ mua nhanh lắp đặt ngay.

Ngoài ra, tháng 10 còn ghi dấu chương trình chào bán thành công sản phẩm iPhone 13 series và sự kiện ra mắt chuỗi Topzone. Sau 10 ngày khai trương, các cửa hàng Topzone đóng góp 40 tỷ đồng doanh thu (1 tỷ mỗi cửa hàng/ngày). Sản lượng iPhone 13 series bán ra tại Topzone chiếm gần 10% tổng số bán ra sản phẩm này trên toàn hệ thống công ty.

CEO Thế Giới Di Động kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý IV phần nào có thể bù đắp cho những tháng đóng cửa trong quý trước. Doanh thu chuỗi TGDĐ & Điện Máy Xanh có thể tiếp tục cao trong tháng 11 và 12 nhưng khó vượt qua tháng 10 có sức bật tốt.

Thành viên cập nhật ngày 14/8/2021: Lợi nhuận thê thảm do đóng cửa vì COVID

Cập nhật cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động): kết quả kinh doanh quý 3/2021 lao dốc vì giãn cách

Trước đó, trong tháng 8, MWG có hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với tháng trước, doanh thu giảm gần một phần ba trong khi lợi nhuận lùi nhẹ. Đây là tháng "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài có kết quả kinh doanh thấp nhất kể từ đầu năm. Tính từ tháng 5, doanh nghiệp này đã có 4 tháng liên tiếp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

MWG gọi tháng 8 là giai đoạn "thử thách chưa từng có". Do tác động của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn tại nhiều tỉnh, thành, khoảng 2.000 điểm bán của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng và đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của hai chuỗi trong điều kiện bình thường. Do đó, tháng 8 cũng là tháng kinh doanh thấp điểm nhất của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh từ đầu năm đến nay.

Giai đoạn trước, dù hai chuỗi bán lẻ này gặp khó nhưng MWG vẫn có thể dựa vào Bách Hóa Xanh để duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Nhưng trong tuần cuối tháng 8, một nửa số cửa hàng tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ không được phép bán trực tiếp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chung toàn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi so sánh lũy kế với tình hình 8 tháng năm ngoái, cả doanh thu và lợi nhuận đều có sự tăng trưởng. MWG vẫn hoàn thành 63% kế hoạch kinh doanh cả năm. Động lực đến từ việc áp dụng giải pháp công nghệ và tiết giảm nhiều chi phí để bảo vệ dòng tiền.

Hai chuỗi bán lẻ truyền thống của doanh nghiệp này chọn cách tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini triển khai chương trình khuyến mãi trên kênh online. Các giao dịch trực tuyến đem lại hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu trong tháng 8, tăng 26% so với cùng kỳ.

Song song đó, ban lãnh đạo MWG cho rằng Bách Hóa Xanh đã có sự đóng góp đáng kể trong giai đoạn khó khăn. Với hơn 1.900 cửa hàng, doanh thu toàn chuỗi đạt hơn 3.000 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 52% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi cửa hàng có doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Giải thích cho việc doanh thu tăng trưởng dù không thể bán hàng trực tiếp, lãnh đạo công ty cho biết đã thiết lập gần 2.000 nhóm chat kết nối với hơn một triệu khách hàng trong bán kính 2-3 km gần mỗi cửa hàng. Công nghệ giúp chuỗi này giảm thiểu tỷ lệ hủy đơn, hủy hàng và tăng hiệu quả phục vụ. Luỹ kế 8 tháng, số lượng đơn hàng Bách Hóa Xanh online tăng 350%, doanh thu kênh này cũng tăng 415% so với cùng kỳ năm 2020.

Bách Hóa Xanh công bố đáp ứng được một phần ba nhu cầu của khách hàng tại những khu vực không thể bán trực tiếp. Chuỗi này đưa ra tiêu thụ hơn 25.000 tấn hàng tươi sống riêng tháng 8, gần gấp đôi mức trung bình 6 tháng đầu năm.

Trong tháng 9, lãnh đạo MWG dự kiến các hoạt động kinh doanh điện thoại và điện máy sẽ khởi sắc hơn khi nhiều nơi nới lỏng giãn cách xã hội. Doanh nghiệp này cho biết đã chuẩn bị nhiều kế hoạch để thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm.

Thành viên cập nhật ngày 24/7/2021: Lợi nhuận giảm 29%

Trong bối cảnh chuỗi Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) phải đóng cửa gần 2.000 cửa hàng, chiếm 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc, việc tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty phụ thuộc vào chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).

Cụ thể, chuỗi TGDĐ/ĐMX ghi nhận hơn 5.220 tỷ đồng riêng tháng 7, đóng góp 55% tổng doanh thu. Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online và tập trung cho những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS).

Doanh thu online của chuỗi tháng 7 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ nhưng giảm 16% so với tháng 6 do siết chặt hoạt động giao hàng tại một số địa phương. Doanh thu online chiếm 19% tổng doanh thu TGDĐ/ĐMX riêng tháng 7. ĐMS vẫn duy trì mức doanh số trước dịch và đóng góp 13% doanh thu ĐMX trong tháng 7. Cuối tháng 7, ĐMS có 589 cửa hàng, 23 cửa hàng mở mới trong tháng.

Bách Hoá Xanh (BHX) ghi nhận doanh thu 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 44% tổng doanh thu, mức kỷ lục ghi nhận trong 1 tháng của chuỗi. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. BHX đã cung ứng 31.000 tấn hàng tươi sống trong tháng 7, gấp 2,5 lần mức trung bình trước dịch; phục vụ 27 triệu lượt khách, gấp 1,4 lần.

Kênh BHX online giao thành công 315.000 đơn hàng, gấp 1,5 lần so với trung bình trước dịch. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp BHX giảm so với tháng 6 do nguồn cung và cách thức cung ứng hàng hóa thay đổi đột ngột, dẫn tới nhiều chi phí phát sinh.

Lũy kế 7 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 71.986 tỷ đồng, tăng 12%; lãi sau thuế 2.784 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Doanh thu online đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết với việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh trong tháng 8 dự kiến thấp điểm. Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh khó đạt được.

Thành viên cập nhật ngày 18/07/2021: Cổ phiếu MWG về đâu sau cú phốt Bách Hóa Xanh lợi dụng dịch bệnh kiếm lời?

Ông Trương Văn Ba, cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đã nêu ra như vậy tại cuộc họp trực tuyến bàn về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào sáng 18-7.

Thông tin về tình hình thị trường, ông Ba cho hay từ ngày 9-7, khi nghe thông tin thực hiện chỉ thị 16 trên toàn thành phố, có tình trạng một số chợ truyền thống, siêu thị nâng giá hàng hóa, chủ yếu do sức mua tăng cao.

Đặc biệt, ông Ba cũng kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.

Đơn cử như trường hợp hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh vừa qua, ngay sau khi có thông tin tăng giá bất hợp lý, quản lý thị trường đã làm việc với siêu thị này. Đến nay đã kiểm tra 232/561 cửa hàng, song ông Ba nêu thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này "cũng không phải tăng quá cao", lượng hàng đảm bảo.

Cơ quan quản lý thị trường đã yêu cầu Bách Hóa Xanh và các chợ truyền thống cam kết đảm bảo phòng chống dịch, không tăng giá bất hợp lý. Đồng thời thiết lập các kênh liên lạc, nếu doanh nghiệp có chi phí đột biến tăng cao thì phải cập nhật cho lực lượng quản lý thị trường nắm thông tin.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn trong thu mua hàng hóa bởi nhiều tỉnh cấm nông dân ra khỏi nhà, khó trong khâu thu hoạch. Do đó cần phải có chính sách để vừa đảm bảo phòng chống dịch, nhưng cũng phải bảo vệ vùng sản xuất.

Đặc biệt, ông đề nghị quản lý thị trường vào cuộc mạnh mẽ hơn, vì có hiện tượng người mua hàng trong siêu thị ra ngoài bán mà chưa xử phạt được trường hợp nào. 

Người dân lo lắng nên đi mua hàng tích trữ do sợ thiếu hàng hóa, hiện thành phố cũng đã tổ chức các hệ thống siêu thị, tiện ích nhưng nguồn cung thiếu, nên cần phải phối hợp để đảm bảo cung ứng.

Sóc Trăng xử phạt cửa hàng Bách Hóa Xanh bán không đúng giá niêm yết

Ngày 18-7, ông Nguyễn Hùng Em - cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng - cho biết đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết đối với một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Trước đó, sáng 17-7, Đội quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) đã kiểm tra, phát hiện hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết của cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3 (TP Sóc Trăng).

Một cán bộ Phòng Kinh tế TP Sóc Trăng cho biết tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Bách Hóa Xanh này có bán một số mặt hàng không đúng với giá niêm yết, như: cháo tươi lươn đậu xanh, giá niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; cháo yến vị thịt bằm, giá niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; cháo tươi rau củ thập cẩm, giá niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói...

Vị cán bộ này cho biết người đại diện của Bách Hóa Xanh xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo (TP Sóc Trăng), chứ không phải do cửa hàng cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.

Giới thiệu về BÁCH HÓA XANH

Cuối năm 2015, Bách hóa XANH được đưa vào thử nghiệm với hình thức chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống (thịt cá, rau củ, trái cây,…) và nhu yếu phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Bách hóa XANH đã có gần 2.000 siêu thị trên khắp các tỉnh thành ở Miền Nam, Miền Đông và Nam Trung Bộ và hơn 20 kho hàng phục vụ cho website BachhoaXANH.com chuyên cung cấp các sản phẩm đa dạng về chủng loại; giá cả hợp lý, nhân viên thân thiện, địa điểm dễ tiếp cận đối với người nội trợ.

MỤC TIÊU CỦA BÁCH HÓA XANH

Mang đến sự nhanh chóng và tiện lợi tối đa khi mua sắm đến cho khách hàng bằng việc đưa hệ thống siêu thị Bách hóa XANH phủ rộng khắp mọi khu vực kể cả vùng nông thôn. Tập trung phát triển kênh mua sắm online trên website BachhoaXANH.com để phục vụ cho mọi đối tượng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.

Bách hóa XANH cũng không ngừng tìm kiếm và mang đến sự đa dạng trong việc lựa chọn sản phẩm với hơn 12.000 sản phẩm đủ chủng loại, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, minh bạch.

CÁC CỘT MỐC CỦA BÁCH HÓA XANH

2015
Những cửa hàng Bách hóa XANH đầu tiên với quy mô dưới 100m2 được mở tại quận Bình Tân – nơi có mật độ dân cư cao nhất TP.HCM. Đến đầu năm 2017, Bách hóa XANH có tổng cộng 50 cửa hàng ở khu vực quận Bình Tân.
2017
Bách hóa XANH có tổng cộng 238 cửa hàng ở quận Bình Tân và Tân Phú với doanh thu 700 triệu đồng/tháng.
2018
Bách hóa XANH thay đổi mô hình cửa hàng, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng nhanh chóng tăng lên 1.2 tỷ/tháng, tổng số cửa hàng lúc này là 405 cửa hàng (90% là ở TP.HCM).
10/2018
Website BachhoaXANH.com ra mắt để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng ở khu vực TP.HCM.
2019
Bách hóa XANH có hơn 900 cửa hàng tập trung ở các tỉnh Miền Nam, Miền Đông và Nam Trung Bộ. Đồng thời mở bán online lần đầu tiên ở khu vực Biên Hòa (Đồng Nai).
8/2020
Mở bán online thêm 10 khu vực thuộc các tỉnh Miền Nam, Miền Đông và Nam Trung Bộ.
12/2020
Website BachhoaXANH.com chạm mốc 10.000 đơn hàng/ngày.
8/2021
Bách hóa XANH có gần 2.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành ở Miền Nam, Miền Đông và Nam Trung Bộ.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-cong-ty-dau-tu-bach-hoa-xanh-a1032.html