Theo tài liệu trình phiên họp thường niên sắp tới, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh "bán buôn nông lâm sản (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống" bởi một số thị trường đầu tư của doanh nghiệp này đang thiếu hụt nguồn cung USD.
Điều này dẫn đến việc các công ty con, công ty liên kết không có USD để trả nợ hợp đồng mua thiết bị với Viettel Global. Vì vậy, Viettel Global dự kiến ký hợp đồng thu mua nông sản với các công ty này. Nói cách khác Viettel Global áp dụng giải pháp thu hồi vốn bằng hàng hóa.
Ngoài ra, Viettel Global cũng muốn bổ sung thêm các ngành, nghề như đại lý môi giới, đấu giá hàng hóa. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư nước ngoài của Viettel cho biết đang ký hợp đồng với các thị trường để cung cấp dịch vụ, hàng hóa thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thời gian tới muốn thực hiện thêm một hoạt động thương mại liên quan đến các nội dung này.
Đồng thời, theo định hướng chiến lược và sự chuyển đổi hoạt động, Viettel Global cũng cần bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh các dịch vụ số, giải pháp thu hồi vốn bằng hàng hóa.
Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga. Năm 2021, đơn vị này cho biết hầu hết các thị trường đầu tư có mức tăng trưởng doanh thu cao.
Viettel Global đạt doanh thu hợp nhất hơn 22.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 320 tỷ đồng, xuống còn 880 tỷ dồng. Đơn vị này không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng thêm 3 triệu thuê bao, chỉ đạt 1,89 triệu. Nguyên nhân chủ yếu do bất ổn chính trị tại Myanmar đã tác động đến tăng trưởng thuê bao của Mytel.
Dự báo hoạt động đầu tư nước ngoài năm nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như biến động chính trị tại các thị trường, giá cả nguyên liệu, hàng hóa tăng vọt..., Viettel Global thận trọng khi chỉ đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay tương đương 2021.
Doanh nghiệp này xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, trong đó có nghiên cứu thúc đẩy hoạt động M&A (bán trạm, bán cổ phần tại các công ty cung cấp ví điện tử) để tối ưu thu hồi vốn, đảm bảo nguồn vốn cho các thị trường và kế hoạch chuyển tiền về Việt Nam.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI)
Năm 2006, Viettel quyết định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng. Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (nay là Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel) được thành lập tháng 10 năm 2006 với tầm nhìn và sứ mệnh đưa Viettel trở thành tập đoàn viễn thông lớn mạnh tầm quốc tế.
Sau 9 năm phát triển, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel- Viettel Global là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Viettel Global đã đưa vào kinh doanh 9 công ty viễn thông tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ với tổng dân số hơn 175 triệu và 13 triệu khách hàng. Tổng doanh thu năm 2014 là 1,2 tỷ USD.
Viettel Global lựa chọn chiến lược đầu tư bền vững, cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của chính phủ, người dân và khách hàng. Tại từng thị trường, Viettel Global tập trung đầu tư vào mạng lưới hạ tầng trên cả nước, mở rộng kênh phân phối đến từng người dân giúp họ dễ dàng tiếp cận với dịch vụ bất kể vị trí địa lý và điều kiện kinh tế. Ngoài ra, với kinh nghiệm dày dặn từ hoạt động kinh doanh viễn thông tại Việt Nam và nền tảng tài chính vững chắc của tập đoàn Viettel, Viettel Global có thể quản lý và áp dụng các công nghệ mới nhất, đồng thời đa dạng hóa dịch vụ.
Viettel Global đã chứng minh năng lực của mình thông qua thành công của các công ty con khi hầu hết các công ty này đều giữ vị trí hàng đầu trong thị trường viễn thông về lượng thuê bao / doanh thu / cơ sở hạ tầng. Ví dụ như Metfone tại Campuchia, Telemor tại Đông Timor hoặc Movitel tại Mozambique.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-vgi-tong-cong-ty-co-phan-dau-tu-quoc-te-viettel-viettel-global-ma-vgi-a103.html