CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 865 tỷ đồng, giảm 378% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, Đạm Cà Mau thu về gần 106 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 26,8% so với quý 4/2022 nhờ lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 194% lên 209 tỷ đồng.
Kết quả, Đạm Cà Mau báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 493 tỷ đồng, giảm 53% so với quý 4/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của doanh nghiệp này trong năm 2023.
Lũy kế năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 12.602 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.107 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,8% và 74,3% so với năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp này vẫn hoàn thành mục tiêu có hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra vào hồi tháng 12/2023.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 15.278 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, gần 70% tài sản của công ty là lượng tiền mặt và tiền gửi, đạt 10.526 tỷ đồng - tăng 1.000 tỷ so với đầu năm.
Số tiền này đã mang về gần 520 tỷ đồng tiền lãi cho doanh nghiệp trong năm qua. Hàng tồn kho giảm hơn 6% còn 2.137 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2023: giá phân bón giảm mạnh khiến doanh thu giảm
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu 3.010 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý vừa qua tăng 36% nhưng giá phân bón giảm mạnh khiến doanh thu của công ty giảm.
Đạm Cà Mau (DCM) báo lợi nhuận quý 3/2023 giảm gần 90%, cầm gần 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi - Ảnh 1.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 23,2% lên 2.833 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 83% còn 177,3 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 29,1% xuống còn 5,9%.
Doanh thu tài chính gấp 2,5 lần cùng kỳ đạt 200 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi tăng. Chi phí bán hàng tăng 63% lên 192,3 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm.
Kết quả, Đạm Cà Mau mang về 73,4 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. EPS giảm từ 1.272 đồng về còn 101 đồng. Đây là khoản lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý 3/2019.
Đạm Cà Mau (DCM) báo lợi nhuận quý 3/2023 giảm gần 90%, cầm gần 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi - Ảnh 2.
Lũy kế 9 tháng, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần 9.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 614 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,2% và 81% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 3 quý công ty mới hoàn thành được 44,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 14.715 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp đạt hơn 9.800 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho ở mức 2.418 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 9.568 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 5.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.795 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty chỉ có hơn 250 tỷ đồng nợ vay tài chính.
Cập nhật quý 2/2023: lợi nhuận trước thuế đạt 324 tỷ đồng, giảm 70%
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) công bố kết quả kinh doanh quý II sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy, doanh thu PVCFC đạt 3.456 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 324 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 6.286 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả đạt được với nhiều nỗ lực trong bối cảnh môi trường kinh doanh của PVCFC có nhiều khó khăn và thách thức. Đầu tiên, giá phân bón vẫn trong xu hướng giảm, bình quân giảm 30-40% so với 2022 và hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, trong khi đó, chi phí nguyên liệu khí thì tăng cao hơn so với kế hoạch do giá dầu FO duy trì ở mức cao, làm cho giá thành sản xuất không cạnh tranh với đa số các nguồn hàng từ các khu vực có sản xuất ure đi từ khí thiên nhiên.
Lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào từ nguồn hóa thạch tăng lên cao, tác động rất lớn đến chi phí giá thành và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị sản xuất phân bón trong nước nói chung và PVCFC nói riêng.
Bên cạnh đó là vấn đề về cạnh tranh với phân bón nhập ngoại ngày càng gay gắt, tình trạng dư cung phân bón nói chung và phân bón NPK nói riêng, nông sản đầu ra của nông nghiệp không mấy triển vọng cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Phân bón Cà Mau trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cập nhật quý 1/2023: lãi sau thuế 230 tỷ đồng, giảm 85%
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) có hơn 2.800 tỷ đồng doanh thu quý đầu năm, giảm hơn 30% so với quý I/2022.
Nguyên nhân là giá phân bón giảm mạnh, riêng phân urê bình quân ba tháng đầu năm giảm hơn 32%. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này, phân urê chiếm hơn 80% nên doanh thu dòng phân bón này giảm gần 40% trong quý I.
Giá vốn và nhóm chi phí thường xuyên tăng, trong đó mạnh nhất là chi phí bán hàng (tăng hơn 55%).
Tổng lại, DCM có gần 230 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 85% và thấp nhất hai năm qua. Con số này đưa lợi nhuận của công ty về ngang mức trước giai đoạn kinh doanh đạt đỉnh, nhờ giá phân bón cao kỷ lục. Quý đầu năm ngoái, doanh nghiệp này từng lãi gần 17 tỷ đồng mỗi ngày.
Cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lãi gần 4.300 tỷ đồng, gấp 2,3 lần
CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC – mã chứng khoán DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022. Cụ thể, trong quý, doanh thu thuần của DCM đạt 4.458 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao, DCM lãi gộp 1.276 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý tăng 47% lên gần 82 tỷ đồng. Các chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp của DCM lại giảm mạnh chỉ còn 23 tỷ đồng, giảm khoảng 90%.
Kết quả, DCM lãi sau thuế 1.004 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, DCM đạt doanh thu thuần là 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 4.281 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Con số này còn lớn hơn tổng lợi nhuận của cả 5 năm liền kề trước đó.
EPS tăng lên 7.731 đồng/cp.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DCM là 14.193 tỷ đồng, tăng 28%. Trong đó, có 8.938 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm đạt 10.621 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2022: Lãi 9 tháng gấp 4 lần cùng kỳ lên 3.272 tỷ
CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC – mã chứng khoán DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3. Cụ thể, trong quý, doanh thu thuần của DCM đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, DCM lãi gộp 1.007 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên gần 81 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, DCM lãi trước thuế 786 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và lãi sau thuế 731 tỷ đồng, tăng 95%. Tuy lợi nhuận DCM vẫn tăng cao so với cùng kỳ nhưng đã giảm hơn 1 nửa so với quý 1.
Lũy kế 9 tháng, DCM đạt doanh thu thuần là 11.466 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 3.272 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.
DCM giải thích nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận quý 3 tăng cao là vì sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý 3/2022 tăng hơn 30% so với cùng kỳ, kết hợp giá bản phân bón tiếp tục neo cao. Cụ thể đơn giá bản bình quân sản phẩm Ure quý 3/2022 đạt 13.781 đồng/kg, tăng hơn 32,7%, đơn giá sản phẩm NPK đạt 14.045 đồng/ kg tăng hơn 20,4% so với cùng kỳ năm 2021 làm cho doanh thu bán hàng của công ty mẹ tăng hơn 82%.
Doanh thu hoạt động tài chính quý 3/2022 đạt 82,46 tỷ, tăng hơn 96,9% so với cùng kỳ năm 2021 do lãi tiền gửi và các khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tăng.
Các yếu tố chi phí sản xuất, chi phí bản hàng, quản lý đều tăng do biến động giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, giá phân bón thuận lợi làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ và hợp nhất tăng tương ứng 6,53% và 95,48% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của DCM đạt 13.436 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi tăng 60% đạt 7.684 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của DCM đạt 9.741 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Năm 2022, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 9.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, DCM đã vượt 27% kế hoạch doanh thu năm và 538% kế hoạch lợi nhuận.
Cập nhật quý 2/2022: mỗi ngày lợi nhuận hơn 40 tỷ
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau ( DCM) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2022, ghi nhận doanh thu tăng mạnh 66% so với cùng kỳ, từ mức 2.505 tỷ đồng lên tới 4.145 tỷ đồng trong kỳ này.
Giá vốn tăng nhẹ hơn với 49%, theo đó lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 1.353 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với quý 2/2021. Tính ra, mỗi ngày DCM lợi nhuận hơn 40 tỷ
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng tới 90% lên 8.428 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí DCM đạt lãi ròng 2.554 tỷ đồng, tăng 473% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, DCM đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Bước sang năm 2022, DCM đặt kế hoạch có phần khá thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 2 quý đầu tiên của năm 2022, DCM đã hoàn thành được 93% mục tiêu về doanh thu và vượt xa hàng lần mục tiêu về lợi nhuận.
Cập nhật quý 1/2022: Giá phân bón đạt đỉnh, DCM lãi kỷ lục
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã CK: DCM) đã công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể doanh thu thuần đạt 4.074 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng doanh thu bán ure là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng - cao gấp 5,5 lần quý 1/2021.
Sau khi trừ giá vốn Đạm Cà Mau lãi gộp 1.977 tỷ đồng – tăng mạnh so với con số 267 tỷ đồng của quý 1/2021.
Trong kỳ công ty thu về hơn 69 tỷ đồng doanh thu tài chính cao gần gấp 2 lần cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi và lãi tỷ giá. Đáng chú ý các chi phí trong kỳ đồng loạt tăng cao, chi phí tài chính tăng thêm gần 10 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí QLDN cũng lần lượt tăng mạnh 120% và 358% so với cùng kỳ.
Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, DCM lãi sau thuế 1.518 tỷ đồng cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, EPS quý 1 đạt 2.820 đồng – Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục theo quý của Đạm Cà Mau.
Theo giải trình từ phía công ty, do tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý 1/2022 tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó quý 1, trong bối cảnh giá phân bón tiếp tục tăng cao do chiến tranh Nga - Ukraine, song song đó là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên giá phân bón đạt đỉnh rất cao. Còn thị trường trong nước đang ở thấp điểm. Do đó, công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt.
Cập nhật quý 4/2021: lãi ròng trên ngàn tỷ đồng
Giá bán phân bón tăng mạnh trong quý 4/2021 giúp CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) đem về 3,907 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,095 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 72% và gấp 5.2 lần cùng kỳ.
Quý 4/2021, DCM ghi nhận doanh thu bán hàng của Công ty mẹ tăng hơn 67% so cùng kỳ, do tình trạng khan hiếm nguồn phân bón trên toàn cầu, kết hợp với chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Nga, Trung Quốc dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý 4/2021 tăng hơn 111% cùng kỳ.
Các yếu tố chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và quản lý đều tăng do biến động giá nguyên liệu đầu vào, kết hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, nhờ diễn biến giá phân bón thuận lợi, lãi ròng của Công ty mẹ và lãi ròng hợp nhất tăng tương ứng 443% và 422% (gấp hơn 5 lần) cùng kỳ.
Cập nhật quý 3/2021: Lợi nhuận sau thuế tăng 3,7 lần so với cùng kỳ
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 1.812 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 374 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần DCM tăng 14% lên 6.048 tỷ đồng, khấu trừ chi phí DCM đạt lợi nhuận sau thuế 822,6 tỷ đồng, tăng 78% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, DCM đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Cập nhật quý 2/2021: Kinh doanh thuận lợi, 6 tháng đầu năm lãi 411 tỷ, tăng 8%
Kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu ước 4.339 tỷ đồng (108% kế hoạch), cùng với các hoạt động tiết kiệm chi phí hiệu quả giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng lượng sản xuất của Công ty đạt 456 nghìn tấn (hoàn thành 102% kế hoạch). Sản lượng tiêu thụ đạt 421 nghìn tấn (106% kế hoạch).
Trong nửa đầu năm, việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Công suất vận hành nhà máy trong quý 2 đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý 1 và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Cập nhật quý 1/2021: LNST đạt 152 tỷ, tăng 64%
DCM ghi nhận doanh thu thuần trong Q1/2021 đạt 1,873 tỷ đồng, tăng 39% YoY, LNST đạt 152 tỷ, tăng 64% YoY. Như vậy, DCM đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch LNST năm 2021.
Doanh thu DCM tăng trưởng mạnh nhờ giá Ure bình quân trên thế giới hiện tăng tới 44% YoY. Trong đó, doanh thu xuất khẩu Ure cao gấp 3 lần cùng kỳ, chủ yếu là xuất khẩu sang Bangladesh. Đối với thị trường trong nước, năm nay mùa mưa đến sớm nên người dân đã sớm triển khai mùa vụ/nối vụ và thúc đẩy nhu cầu Ure.
Lợi nhuận DCM tăng mạnh hơn doanh thu nhờ chi phí lãi vay giảm 77% YoY và khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá 1.2 tỷ đồng quý này trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 18.1 tỷ đồng
Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, DCM)
Sở hữu tiềm năng góp phần làm thay đổi diện mạo miền Cửu Long, Cà Mau là tỉnh cực Nam được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chọn đặt một cụm công nghiệp hiện đại tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng. Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau trở thành dự án trọng điểm quốc gia, nhận được sự đầu tư của các thế hệ người dầu khí và tiềm lực tầm cỡ.
Trên nền tảng đó, năm 2011, Công ty TNHH Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau được thành lập, năm 2012 cho ra đời sản sản phẩm Đạm Cà Mau.
Sự thành công của câu chuyện "Hạt ngọc mùa vàng" không chỉ xác lập những kỷ lục mới về sản lượng, những giải thưởng danh giá mà còn khẳng định bản sắc thương hiệu trên thị trường nông nghiệp. Những nền tảng vững chắc đó đã tiếp thêm sức cho sự chuyển mình, trở thành động lực cho hành trình bứt phá dẫn đầu của công ty sau hơn một thập kỷ.
Công ty đã trải qua hành trình hơn 10 năm với những dấu ấn đáng nhớ như đạt sản lượng sản xuất đạt 1 triệu tấn sau 15 tháng đi vào vận hành (năm 2013), trở thành công ty niêm yết đại chúng với thương vụ IPO lớn năm 2014. Đơn vị đồng thời được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, nhận bằng khen Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2016 và lọt Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm.
Thời gian tới, ban lãnh đạo lên kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh để mở rộng thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, mức độ nhận biết thương hiệu Đạm Cà Mau của khách hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia đạt ít nhất 65%.
Hơn nữa, Đạm Cà Mau sẽ đa dạng hóa các nhóm sản phẩm và đặt kế hoạch tiếp cận nhanh với xu hướng công nghệ, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khí đầu vào cho sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu kỳ vọng tăng lên 15.000 tỷ đồng, sản lượng urê đơn vị đạt 115% so với sản lượng thiết kế cũng như tìm kiếm được nguyên liệu đầu vào thay thế thay thế các nguồn khí hiện có.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo cũng chia sẻ, DCM đã tìm được phương án cho lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 75,56% xuống 51% vốn trong tương lai.
Link nội dung: https://vinabull.vn/ket-qua-kinh-doanh-dcm-dam-ca-mau-a1007.html