Vocarimex (VOC) sẽ chia cổ tức đặc biệt cho cổ đông tỷ lệ 100%, tức 10.000 đồng/cp

VNDirect

05/01/2023 15:06

Hiện, giá cổ phiếu VOC liên tục tăng trong những ngày qua. Tại phiên giao dịch ngày 5/1, giá cổ phiếu VOC tăng trên 4% lên mức 24.800 đồng một cổ phiếu.

 

Đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC) sáng 5/1, thông qua việc thoái vốn tại Công ty TNHH Calofic.

Theo đó, VOC sẽ thoái 24% cổ phần Calofic cho đối tác là Siteki Investment với giá trị chuyển nhượng được thỏa thuận gần 2.158 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng thành công, VOC sẽ chia cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ 100%, tức 10.000 đồng một cổ phiếu. Khoản này sẽ được trả trong năm nay.

VOC là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Kido (Kido sở hữu gần 87,3% tại công ty này). Ông Trần Lệ Nguyên, thành viên hội đồng quản trị Vocarimex cho biết, ngoài kế hoạch tái cơ cấu lại công ty thành viên, tới nay doanh nghiệp vẫn chưa thể tiến hành sáp nhập VOC vào Kido. Sắp tới, tại đại hội cổ đông thường niên Kido sẽ trình kế hoạch này để xin ý kiến cổ đông.

Về phía KDC, trước đó công ty cũng đã đại hội cổ đông bất thường để chia cổ tức đặc biệt tỷ lệ 50% bằng tiền từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Với hơn 257 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 1.285 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

10 tháng đầu năm 2022, Vocarimex ghi nhận doanh thu 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận 23 tỷ đồng, lần lượt đạt 106% và 127% kế hoạch.

Cập nhật ngày 23/3/2022: KDC (Kido) lên kế hoạch sở hữu 100% vốn Dầu thực vật TAC và VOC

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Tập đoàn Kido (KDC) sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 là 1.790 tỷ đồng tại thời điểm 31/12 và phương án tăng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con như sau:

Chia cổ tức 6% bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10% lên 251 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn thêm hơn 100 tỷ đồng. Sau khi thực vốn điêu lệ sẽ tăng từ 2.797 tỷ đồng lên 3.149 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối của công ty là 1.790 tỷ đồng.

Để phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, KIDO cũng trình cổ đông thông qua giao dịch mua cổ phiếu Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con này lên 100% mà không phải chào mua công khai.

Trong năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 10.497 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 688 tỷ đồng, tăng 65,3%. Mặc dù tăng mạnh nhưng doanh thu và lợi nhuận KIDO năm 2021 chỉ hoàn thành 91% và 85% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2022, công ty xác định mảng sản phẩm thế mạnh vẫn là dầu ăn. Bên cạnh đó, mảng bơ thực vật cũng sẽ được đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường các dòng sản phẩm bơ thực vật và bơ hạt các loại.

Cập nhật ngày 4/11/2021: KDC (Kido) đăng ký mua trọn 44 triệu cổ phần Vocarimex (VOC) của SCIC

Tập đoàn Kido (KDC) vừa đăng ký chào mua cạnh tranh trọn lô hơn 44 triệu cổ phần Vocarimex (VOC) của SCIC qua đấu giá.

Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 8/11 tới. Trong cơ cấu cổ đông của Vocarimex, KDC nắm 51% sau khi nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 24%, thông qua hình thức chào mua công khai năm 2017.

Đầu tháng 9, SCIC đã có quyết định bán toàn bộ hơn 44,2 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Vocarimex, theo phương thức bán đấu giá công khai cả lô, với giá khởi điểm là 28.400 đồng một cổ phiếu. Với mức giá này, ước tính nhà đầu tư tham gia mua trọn lô cần chi tối thiểu 1.255 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Vocarimex ghi nhận doanh thu thuần 1.070 tỷ đồng, bằng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt xấp xỉ 115,7 tỷ đồng, giảm gần 44% so với cùng kỳ 2020.

Trên thị trường chứng khoán, mỗi cổ phiếu KDC đang ở mức 59.000 đồng, còn VOC đang giao dịch quanh giá 34.300 đồng một cổ phiếu.

Theo kế hoạch năm nay, VOC tiến hành tái cấu trúc về hoạt động kinh doanh, chuyển giao mảng bán dầu sỉ về cho Kido để tập trung vào mảng bán lẻ như phát triển các công thức dầu cho các ngành công nghiệp cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, thương mại.

Cập nhật ngày 23/6/2021: Nhiều kế hoạch kinh doanh của Kido (KDC) bị trì hoãn do dịch bệnh

Đây là phản hồi của Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido trước chất vấn của cổ đông về chiến lược phát triển của Công ty TNHH Liên doanh nước giải khát VINAMILK - KIDO (Vibev) sau một năm thành lập.

Theo đó, ông Nguyên cho biết, nếu không xuất hiện dịch bệnh, các sản phẩm cà phê, nước trái cây, sản phẩm từ sữa, bánh tươi, bánh khoai tây đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ tháng 5, 6. Tuy nhiên, dịch bệnh quá phức tạp khiến công ty phải trì hoãn mọi kế hoạch. Nếu dịch bệnh sắp tới được kiểm soát, có thể trong tháng 7 các sản phẩm này sẽ xuất hiện trên thị trường.

"Tới nay nhóm sản phẩm này chưa có mặt trên thị trường do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội", ông Nguyên nói và cho rằng, chậm nhất là trong quý III công ty sẽ ra mắt hàng loạt sản phẩm mới. Đồng thời, công ty sẽ mở rộng danh mục sản phẩm snacking thông qua hợp tác liên doanh với ngoài nước.

Ông Nguyên trả lời chất vấn cổ đông tại đại hội trực tuyến sáng 22/6. Ảnh: Ngọc Anh.

Ông Nguyên trả lời chất vấn cổ đông tại đại hội trực tuyến sáng 22/6. Ảnh: Ngọc Anh.

Bên cạnh việc ra mắt hàng loạt sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát thì với ngành dầu ăn, Kido sẽ tung ra thị trường các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng cho người dân, đẩy mạnh các sản phẩm cao cấp và phát triển các hoạt động mở rộng thị phần trên kênh. Hãng này hướng đến trở thành đơn vị dẫn đầu không chỉ trong ngành dầu ăn ở Việt Nam mà còn mở rộng sang các ngành hàng khác trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Với ngành kem, mặc dù biến động giá nguyên liệu nhưng tập đoàn này cho biết vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ, cân đối chi phí để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra hiệu quả. Đồng thời, công ty sẽ nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là giới trẻ. Hiện, thị phần ngành kem đã tăng từ 41,4% lên 43,5%, tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Riêng với ngành F&B, giữa tháng 6, Kido công bố mở chuỗi bán lẻ Chuk Chuk (kinh doanh các sản phẩm kem, café, thức uống từ trà, bánh...). Hãng này kỳ vọng sẽ mở được khoảng 1.000 chuỗi cửa hàng vào 2025 với mục tiêu đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á bằng việc triển khai chính sách nhượng quyền thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đối tác về mặt hình ảnh và chiến lược hoạt động.

Về kế hoạch M& A, ông Nguyên cho rằng, năm ngoái công ty đã thông qua sáp nhập KDF vào KDC. Còn với Tường An dự kiến trong năm nay, tuy nhiên, kế hoạch này còn phụ thuộc vào SCIC. Hiện, tổ chức này đang nắm giữ 36% cổ phần TAC.

Năm 2021, Kido đặt kế hoạch doanh thu 11.500 tỷ đồng, tăng 38,2% so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2020. Doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức năm 2021 là 16%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu là 10% trên mệnh giá cổ phần, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu thưởng. 6% còn lại là cổ tức tiền mặt, tương đương 600 đồng một cổ phần.

VNDirect
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.