Thủ tướng ký Công điện số 993/CĐ-TTg: Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản 2023

CHIỀU THU

24/10/2023 16:06

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

.

NHNN yeu cau giam lai suat cho vay ngay trong thang 7 anh 1

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công điện nêu: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Đối với Bộ Xây dựng, Chính phủ yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm khả thi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững; Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; Kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo từng năm từ nay đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương, định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; Thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất làm nhà ở xã hội và bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội trên địa bàn.

Cập nhật ngày 7/7/2023: Thủ tướng yêu cầu ngân hàng nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tối 6/7.

Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch SME cho biết ảnh hưởng từ dịch và tình hình thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm doanh thu, việc làm do đơn hàng ít, đầu ra khó và chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao. Ông Thân đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm thêm lãi suất; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho họ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước. Thủ tướng dẫn một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, hơn 59% cho rằng khó khăn lớn nhất là đơn hàng, trên 51% gặp vướng mắc liên quan tiếp cận vốn, còn lại là thủ tục hành chính.

Vì thế, theo ông, ngoài những biện pháp Chính phủ, bộ ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.

"Doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại", Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương vào cuộc cùng ngân hàng, doanh nghiệp tháo gỡ từng lĩnh vực, dự án.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng gần 3,6%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay 14-15%. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm bình quân 0,7%, còn mặt bằng lãi suất vay đã hạ 1% so với cuối năm ngoái sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cập nhật ngày 16/6/2023: Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Thường trực Chính phủ nêu ra đó là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.

Trong đó, yêu cầu đặt ra còn bao gồm giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất huy động, cho vay đối với khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, ngành ngân hàng phải khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm. Trong đó, chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng nhanh chóng rà soát, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực.

Một số yêu cầu khác được Chính phủ đặt ra với ngành ngân hàng còn bao gồm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; rà soát gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, linh hoạt, hợp lý hơn.

Đồng thời, khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

Cập nhật ngày 25/4/2023: Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng tìm cách giảm chi phí để hạ lãi suất

Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang đối diện khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Thị trường trái phiếu, bất động sản được gỡ vướng pháp lý nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Theo Thủ tướng, trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Ngoài thực hiện các chính sách đã có, lãnh đạo Chính phủ nói cần "nghiên cứu các chính sách mới, đột phá để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển cả phía cung - cầu".

Theo đó, với thị trường tài chính, Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng tín dụng nền kinh tế nên phải tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường.

"Bằng nhiều biện pháp, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền", Thủ tướng nói. Việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào - đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, vốn đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế.

Chẳng hạn, ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn Covid-19 bùng phát nặng nhất, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Dự báo ngành này tiếp tục đối diện khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.

Xuất khẩu giảm khiến dòng tiền về chậm. Nhưng vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cạn tiền mua nguyên liệu.

Cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh 8-9% một năm. Với mức lãi đầu vào này, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng phổ biến 10-12% một năm, thậm chí có nhà băng kéo lên 13-14% một năm. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi vay như vậy là quá cao trong bối cảnh sụt giảm sản xuất, đơn hàng.

Còn lãi suất cho vay bằng đồng USD, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, hiện trên 4%, tức tăng 1,7-1,9% so với trước. Vì thế việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cho rằng sẽ giúp họ có nguồn lực trong lúc khó khăn này.

Với thị trường trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư gỡ vướng, cho phép các ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Chính sách gỡ vướng cho thị trường này cũng được Bộ Tài chính sửa đổi trước đó.

Tuy nhiên, Thủ tướng nói vẫn cần có thêm các công cụ, phương pháp để doanh nghiệp phát hành có điều kiện thanh toán trái phiếu đến hạn cho các trái chủ. Ông giao Bộ Tài chính sớm rà soát, điều chỉnh điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Bộ này cũng được yêu cầu hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất và đề xuất phương án áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Còn với bất động sản, ngoài tháo gỡ về pháp lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành công trình, dự án, đưa sản phẩm mới ra thị trường. Ngành ngân hàng và xây dựng cũng phải đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng phải tránh trục lợi, tiêu cực.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý và giám sát việc thực thi đảm bảo "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành".

"Chính phủ kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng", Thủ tướng nói.

Cập nhật ngày 31/3/2023: Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có một số quyết định về việc điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng

Đối với quyết định số 574, kể từ ngày 3/4, NHNN sẽ điều chỉnh giảm thêm 0,5% đối với lãi suất tái cấp vốn xuống mức 5,5%/năm. Riêng lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%. Lãi suất cho vay qua đêm và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn cũng giữ nguyên ở mức 6%.

Với quyết định số 575, mức lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng sẽ giảm từ 1% xuống 0,5%. Kỳ hạn từ từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5%.

Đối với quyết định số 576, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn ở một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Với quyết định số 577 và 578, cơ quan quản lý sẽ giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô).

NHNN đánh giá kinh tế toàn cầu bất trắc, lạm phát neo cao, rủi ro bất ổn tài chính ngân hàng khiến NHTW các nước thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền. Các nước phát triển bước đầu tránh được suy thoái và bắt đầu phát tín hiệu tăng lãi suất chậm lại.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế quý I thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 (trừ quý I/2020 bị tác động của đại dịch Covid-19). Lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều chậm lại trong bối cảnh sức cầu yếu.

Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

"Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay", NHNN thông tin về các quyết định mới.

Các quyết định này nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đối với các lĩnh vực ưu tiên để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn

Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, NHNN cũng không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý I; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cơ quan này nói sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Cập nhật ngày 22/09/2022: Lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9.

Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.

Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.

Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành phát ra thông điệp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ cũng như hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.

Trong khi tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không đáng kể, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó, có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.

Tuy nhiên, dưới chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận để giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam khó giữ được mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên theo dự báo của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, chính sách cũng dự báo tiền tệ của Việt Nam có thể ổn định hơn trong giai đoạn nửa đầu năm sau, khi Fed đã phát tín hiệu có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Đánh giá tác động của diễn biến này tới chứng khoán, Dragon Capital cho rằng mức lợi nhuận kỳ vọng của thị trường sẽ khó vượt trội. "Ngắn hạn, thị trường sẽ có nhiều biến động phụ thuộc vào diễn biến thế giới", nhóm phân tích nhận định.

Tuy nhiên, yếu tố ủng hộ thị trường là định giá. Ước tính mức định giá P/E của VN-Index sẽ về khoảng 12,1 lần sau khi phản ánh kết quả kinh doanh quý III. Mức định giá này thấp hơn hai lần độ lệch chuẩn của hệ số P/E trong 5 năm vừa qua.

"Lịch sử cho thấy nhà đầu tư thường mất mục tiêu dài hạn bởi những biến động ngắn hạn và quay lại khi thị trường đã hồi phục hoặc đã rất nóng. Do đó, mức lợi nhuận kỳ vọng không còn hấp dẫn. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn theo kiên trì theo đuổi kế hoạch tài chính đã đặt ra", báo cáo của Dragon Capital viết.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.