Cập nhật cổ phiếu SAB (Sabeco): trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%

ĐĂNG NGUYÊN

07/04/2023 13:56

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%, tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm một cổ phiếu phát hành mới.

 

sab-sabeco-beer-pg-1617185800.jpg
 Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco

Thông tin trên được Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco công bố trong tài liệu họp thường niên tổ chức vào cuối tháng.

Theo đó, công ty sẽ dùng hơn 6.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phát hành cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1. Điều này đồng nghĩa cổ đông của Sabeco đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu thì nhận thêm chừng đó cổ phiếu mới. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.

Đợt phát hành dự kiến thực hiện năm nay. Thaibev, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 53,59% vốn, sẽ nhận hơn 343 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành mới. Bộ Công Thương đang nắm giữ 36% vốn sẽ nhận gần 231 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ của Sabeco sẽ tăng từ 6.412 tỷ đồng lên 12.825 tỷ đồng sau đợt phát hành.

Đây là lần đầu tiên Sabeco phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016. Trước đây, công ty chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ dao động 15-50% một năm, tức cổ đông cứ sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận 1.500-5.000 đồng.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu được Sabeco công bố sau một năm kinh doanh thuận lợi. Doanh thu và lợi nhuận năm ngoái lần lượt đạt 34.980 tỷ đồng và 5.500 tỷ đồng, tăng 32% và 40% so với cùng kỳ, vượt xa kế hoạch đề ra. Kết quả này cũng là kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Sabeco, hoạt động kinh doanh năm ngoái có nhiều thuận lợi nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần trở lại và các chuỗi sự kiện lớn được tổ chức đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ uống nói chung và bia nói riêng.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 15% doanh thu và 5% lợi nhuận, lần lượt đạt 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đồng, để tiếp tục xác lập đỉnh cao mới. Ban lãnh đạo công ty này nhận định ngành bia Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng khi thu nhập của người dân tăng nhanh, cộng thêm tiềm năng lớn từ phân khúc "bia không cồn" và xuất khẩu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn là sự cạnh tranh thị phần tiếp tục diễn ra gay gắt.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO

Người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với thương hiệu Bia Sài Gòn của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO. 

Hương vị độc đáo của Bia Sài Gòn là kết tinh sản vật của vùng đất phương Nam trù phú và tinh thần hào sảng phóng khoáng của người Sài Gòn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống vui buồn  hàng ngày.

Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. 

Đến nay, dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan v..v.  

Năm 2017, ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của SAB với giá 4,8 tỷ USD, trở thành công ty mẹ của công ty sản xuất bia này. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO ThaiBev trong chia sẻ mới đây còn nhấn mạnh: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.

Theo số liệu năm 2021, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.