Định giá cổ phiếu HPG (Hoà Phát): tín hiệu tốt từ Dung Quất 2

Chứng khoán Dầu khí PSI & KBSV & BVSC & Rồng Việt

29/03/2024 08:50

Các hạng mục của Dự án HPDQ 2 hiện đã hoàn thành thi công 48%, trong đó một số hạng mục quan trọng như Nhà máy cán HRC (42.78 ha) đạt tiến độ 46.6%, Nhà máy Luyện thép (15.12 ha) đạt tiến độ 61.3%.

hpg-dunguat-1616691826.jpeg
Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư.  

HPG kỳ vọng có thể vận hành lò cao đầu tiên của Dự án này trong quý 1/2025. Dự án này có tổng công suất HRC là 5.6 triệu tấn/năm, khi đi vào hoạt động thì sẽ nâng tổng sản lượng thép của HPG lên mức 14.5 triệu tấn/năm, trong đó có 8.6 triệu tấn HRC được ra lò từ KLH HPDQ.

HPG vẫn đứng vững nhờ các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi thị trường thép mới chỉ vừa đi qua vùng đáy và đang nỗ lực phục hồi, HPG vẫn đang huy động tối đa công suất của 4 lò cao ở KLH HPDQ 1 để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của HPG trong quý 1/2024 là Mỹ, Canada, Anh, Mexico…

Thị trường tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ chỉ phục hồi nhẹ trong năm nay. Ngành BĐS còn khá trầm lắng sẽ khiến khả năng tiêu thụ thép tiếp tục bị hạn chế, HPG kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép nội địa đạt mức tăng trưởng 10 – 20% trong năm 2024.

Khả năng kiểm soát biên lợi nhuận tốt. HPG có biên EBITDA khá tốt và được kỳ vọng tiếp tục duy trì điều này nhờ vị thế dẫn đầu ngành giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá bán thép tùy theo biến động thị trường. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của HPG nhìn chung sẽ bị suy giảm trong thời gian đầu vận hành HPDQ 2 do phải chịu các chi phí bán hàng như marketing, chiết khấu…

Không có kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Theo thông tin từ HPG, doanh nghiệp đã đủ vốn cho việc xây dựng KLH HPDQ 2 nên sẽ không có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông hiện hữu cho dự án này.

Cập nhật ngày 26/6/2023: Lưu ý còn rủi ro, giá mục tiêu 27.400 đồng/cp

HPG đang tích cực chuẩn bị cho sự hồi phục của thị trường tiêu thụ thép trong thời gian tới.

HPG quay trở lại ghi nhận lợi nhuận dương nhờ (1) hoàn nhập 928 tỉ dự phòng hàng tồn kho, giúp biên lãi gộp tăng từ 3% lên 6%, và (2) chi phí SG&A giảm 28% QoQ do cắt giảm hoạt động 3-4 lò cao tại Hải Dương và Dung Quất trong 1Q2023.

Thêm vào đó, giá thép tăng nhẹ trong 1Q2023 nhờ kỳ vọng kinh tế hồi phục tại Trung Quốc Trong khi giá chi phí đầu vào giảm mạnh (quặng sát, than cốc, thép phế giảm lần lượt 10% QoQ, 44% QoQ, 18% QoQ), thép xây dựng và HRC tại Việt Nam có sự suy giảm nhẹ hơn (lần lượt -6% và -15% QoQ), tạo điều kiện cho HPG tiếp tục cải thiện biên lãi gộp trong quý.

Số liệu T5/2023 cho thấy sản lượng sản xuất trong tháng đạt 75% công suất thiết kế và 95% công suất tổng của doanh nghiệp, chủ yếu là nhờ đơn hàng xuất khẩu HRC tăng mạnh trong T4 và T5/2023. Đồng thời, tỉ trọng hàng tồn kho thành phẩm của HPG cũng có xu hướng gia tăng từ đầu năm tới nay.

Llợi nhuận 2Q2023 của HPG sẽ được cải thiện nhờ các yếu tố sau đây: (1) Sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ so với 1Q2023 tới từ nhu cầu gia tăng của HRC; (2) Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới trong 2Q2023 có xu hướng giảm, tuy nhiên giá thép xây dựng và giá HRC tại Việt Nam có sức giảm nhẹ hơn, từ đó cải thiện biên lợi nhuận trong quý.

Tuy nhiên, tỉ trọng trả trước người bán tiếp tục tăng trong 1Q2023 (55% so với 45% trong 1Q2022).  Chúng tôi cho rằng tinh trạng này sẽ còn kéo dài trong 2023 và HPG cần cân đối mục tiêu doanh thu, lợi nhuận với dòng tiền trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn gặp khó khăn.

Tới T5/2023, HPG hiện đang hoạt đoạng 3 lò BOF tại Hải Dương và 3 lò BOF tại Dung Quất, bên cạnh đó là 1 lò EAF tại Hưng Yên, với tổng công suất thiết kế là 85%. Sản lượng sản xuất trong T5/2023 của HPG đạt 669,998 tấn, tương đương với 95% công suất sản xuất của Hòa Phát. Đây cũng là mức công suất lớn nhất được ghi nhận từ T10/2022 tới nay.

Bên cạnh đó, HPG cũng có sự chuẩn bị cho sự hồi phục của thị trường khi liên tục gia tăng hàng tồn kho thành phẩm từ đầu năm tới nay (sau giai đoạn xử lý hàng tồn kho giá cao vào 4Q2022).

Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ hồi phục mạnh vào cuối 3Q2023 và đầu 4Q2023, trước khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 2024. Trong kịch bản Tích cực, giá thép sẽ tăng mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm với giả định rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở lại tăng trưởng trong 4Q2023.

Có thể thấy, HPG đang tích cực chuẩn bị cho sự hồi phục của thị trường tiêu thụ thép trong thời gian tới.

Rủi ro đáng lưu  ý:

Ngành thép trong giai đoạn sắp tới vẫn sẽ chịu nhiều khó khăn từ nhu cầu tiêu thị tại thị trường nội địa do những khó khăn liên quan tới thị trường Bất động sản.

Cụ thể: (1) Các chủ đầu tư có xu hướng hạn chế mở bán trong năm 2023 khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mà thay vào đó là tập trung vào việc bàn giao các dự án đã mở bán cho khách hàng. Do đó, nhu cầu xây dựng cho các dự án mới cũng sẽ duy trì ở mức thấp trong năm (2) Theo thống kê từ HNX, giá trị TPDN vỡ nợ kỹ thuật từ đầu 2023 tới nay đã đạt xấp xỉ 42,000 tỉ, trong khi đó giá trị đáo hạn trong 2H2023 và 2024 đạt lần lượt 80,354 tỉ và 138,488 tỉ. (3) Tín dụng cả nền kinh tế từ đầu năm tới nay tăng 3.17%, các Ngân hàng cũng hạn chế giải ngân cho vay với các doanh nghiệp Bất động sản trong bối cảnh rủi ro từ TPDN của nhóm này vẫn còn hiện hữu, cùng với đó là giá trị đáo hạn lớn trong thời gian sắp tới.

Công ty Chứng khoán KBSV khuyến nghị giá mục tiêu 27,400 VND/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 5/12/2021: BVSC khuyến nghị OUTPERFORM, giá mục tiêu 74.183 đồng/cp

Giá thép giảm nhưng KQKD Q4/2021 và cả năm 2022 của HPG dự kiến vẫn duy trì ở mức cao. Việc Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ ảnh hưởng tốt tới giá cổ phiếu HPG.

DT và LNST của HPG dự báo trong Q4/2021 đạt lần lượt 46.023 tỷ (+78% YoY; +19% QoQ) và 10.893 tỷ (+133,7% YoY; +5,2% QoQ). Sản lượng tăng mạnh nhưng giá bán HRC và thép xây dựng dự kiến giảm làm biên lợi nhuận của HPG giảm so với Q3.

Ước tính giá bán HRC trong Q4 đạt 890 USD/tấn, giá thép xây dựng đạt 16,5 triệu đồng/tấn. Quý 4 dự kiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG tăng mạnh lên 1,18 triệu tấn (+30% YoY; +24% QoQ) nhờ (1) Nhu cầu xây dựng dồn tích sau khi bị dừng lại trong nhiều tháng để thực hiện giãn cách (2) Quý 4 đồng thời cũng là quý cao điểm về tiêu thụ thép của HPG khi nhu cầu xây dựng cuối năm rất lớn (3) HPG thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu thép xây dựng (4) Nhu cầu đầu tư công lớn trong thời gian tới giúp tiêu thụ thép xây dựng của HPG được đẩy mạnh.

Dự báo KQKD của HPG trong năm 2022: DT và LNST ước đạt 147.932 tỷ đồng (-2% YoY) và 33.181 tỷ đồng (-12% YoY). Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng ước đạt 4,6 triệu tấn (+15% YoY); phôi thép đạt 0,4 triệu tấn (-71% YoY) và tiêu thụ HRC nội bộ và bán ra ngoài đạt 3,5 triệu tấn (+23% YoY).

 

Giá thép xây dựng dự báo giảm xuống 14,5 triệu đồng/tấn (-9,4% YoY) trong năm 2022. Giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn (-11,5% YoY) trong năm 2022. Tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển NVL và thành phẩm thép sẽ thấp hơn năm 2021.

Nhu cầu tiêu thụ thép yếu tại Trung Quốc gây áp lực lên giá thép trong ngắn hạn và trung hạn. Chiến lược cắt giảm khí thải của Trung Quốc, khu vực EU và Mỹ sẽ khiến nguồn cung thép cũng sẽ bị suy giảm giúp hỗ trợ giá thép. Như vậy, giá thép sẽ chịu áp lực điều chỉnh giảm so với 2021 nhưng mức giảm sẽ không quá lớn.

Định giá cổ phiếu HPG

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) giả định mức giảm quanh -10% YoY. Với kết quả định giá và điểm nhấn trên, dựa trên dự báo kết quả kinh doanh 2022, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu là 74.183 VND/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 38,4%.

Cập nhật ngày 12/6/2021: Rồng Việt dự báo HPG tiếp tục sinh lời cao, PE chỉ 7,2x

Mảng thép cán nóng (HRC) giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh hiện tại của HPG khi công ty đang hưởng lợi từ xu hướng tăng giá HRC và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu tôn mạ. Trong Q3/2021, biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát có thể duy trì ổn định ở mức cao. Triển vọng giá thép cán nóng (HRC) tốt hơn kỳ vọng khi giá HRC giao tháng 7 đạt hơn 1.000 USD/tấn.

Tuy nhiên, biên gộp mảng thép xây dựng nhiều khả năng sụt giảm trong quý 3 so với quý 2 do nhu cầu tương đối yếu tại thị trường nội địa. Dự báo LNST của công ty trong quý 2 đạt khoảng 10.200 tỷ đồng, và giảm về mức 8.900 tỷ đồng vào quý 3. Chúng tôi điều chỉnh dự phóng LNST năm 2021 tăng 17% từ 29.000 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng. 

Với mức EPS dự phóng năm 2021 là 7.140 đồng, cổ phiếu HPG hiện đang được giao dịch ở mức PE forward là 7,2x. Với việc Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 đã được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư, ảnh hưởng của dự án này lên định giá của HPG.  

Mảng thép cuộn cán nóng duy trì khả năng sinh lời tốt  

Biên lợi nhuận gộp sẽ khả quan trong quý 2 và quý 3 do công ty vẫn đang giữ giá bán cao. Báo giá của HPG cho HRC giao trong tháng 7 là hơn 1.000 USD/tấn, cho phép công ty đạt mức biên lợi nhuận gộp khoảng 38% trong quý 3, tương tự mức biên gộp trong quý 2.

Công ty sẽ không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hết sản lượng sản xuất mặc dù giá bán có xu hướng cao hơn so với một số nhà máy Trung Quốc. Điều này là do nhu cầu mạnh mẽ về HRC từ các nhà xuất khẩu tôn mạ nội địa. Các công ty tôn đang nhận được lượng đơn đặt hàng lớn từ thị trường EU và Bắc Mỹ, vốn đã cấm HRC của Trung Quốc.

Để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của thép nền, các nhà sản xuất tôn mạ trong nước chủ yếu sử dụng HRC từ HPG, Formosa, hoặc Ấn Độ. Hiện tại, nguồn cung HRC của Ấn Độ suy yếu do đại dịch, khiến giá xuất khẩu tăng cao. Do đó, các nhà sản xuất tôn mạ nội địa thiếu nguồn nhập khẩu giá rẻ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường xuất khẩu, cho phép HPG duy trì mức sản lượng và giá bán cao.

HPG sẽ tiêu thụ được khoảng 690.000 tấn HRC (bao gồm cả tiêu thụ nội bộ và bán ra bên ngoài) trong quý 3, tăng khoảng 4,0% QoQ. 

Công ty có thể giảm giá bán thép xây dựng trong những tháng tới nhằm duy trì mức sản lượng bán hàng, dẫn đến biên gộp nhiều khả năng giảm trong nửa cuối năm. Do mùa mưa sắp đến, nhu cầu thép từ các hoạt động xây dựng Q3 nhiều khả năng yếu hơn so với Q2. Nhằm thúc đẩy sản lượng bán hàng, công ty đã bắt đầu giảm giá bán, với mức giảm từ 500-800 đồng/kg kể từ đầu tháng 6.

Hiện tại, giá thành của các nhà sản xuất dùng lò điện vẫn cao hơn so với  HPG, công ty có thể giành thêm thị phần nhờ giảm giá bán. Chính sách giá này sẽ có hiệu quả, cho phép HPG duy trì sản lượng bán ra ở mức 1,04 triệu tấn trong quý 3, tương tự quý 2.

Tuy nhiên, do giá quặng sắt đang trong xu hướng tăng, biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể giảm đáng kể trong quý 3.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.

Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 DN lợi nhuận tốt nhất, Top 5 DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.

Với triết lý kinh doanh “Hòa hợp cùng phát triển”, Hòa Phát dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.

Chứng khoán Dầu khí PSI & KBSV & BVSC & Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.