Phân tích cổ phiếu VCB (Vietcombank): Nơi trú ẩn trong những ngày giông bão

VNDirect & SSI & Yuanta

07/04/2023 12:25

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện được xem là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam với quan điểm cho vay thận trọng và quản lý rủi ro chặt chẽ.

vcb3-1617631120.jpeg

 

Chất lượng tài sản tiếp tục duy trì ở mức tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống. 

LN ròng 2022 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mức chi phí tín dụng thấp hơn

Tổng thu nhập HĐKD (TOI) 2022 tăng 20% svck lên 68.083 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng đồng đều từ thu nhập lãi và ngoài lãi. Tín dụng của ngân hàng tăng 19% svck, đóng vai trò quan trọng để tín dụng toàn hệ thống đạt mức tăng trưởng cả năm 15,4% khi tăng trưởng tín dụng các NH quốc doanh khác chỉ đạt xấp xỉ 14%. Thêm vào đó, VCB là một trong số ít ngân hàng có thể tăng NIM thêm 24 điểm cơ bản nhờ chi phí vốn giảm 42 điểm cơ bản.

NH đã dịch chuyển cơ cấu vốn từ tiền gửi KH sang tiền gửi liên NH để đạt được mức chi phí vốn thấp hơn. Tại cuối 2022, tiền gửi KH chiếm 79% tổng tài sản chịu lãi của NH, giảm mạnh từ mức 89% cuối 2021. Đây có thể là một chiến lược trong ngắn hạn của NH để làm giảm áp lực lãi suất tăng cao trong nửa cuối 2022. Về mặt chi phí, chi phí tín dụng 2022 giảm 0,41% svck về 0,9%, thúc đẩy tăng trưởng LN ròng cả năm đạt 36%.

Chất lượng tài sản duy trì mức đầu

Tại cuối 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của NH đạt 317% – giảm mạnh từ mức 424% tại cuối 2021 – nhưng vẫn ở mức cao nhất hệ thống. Chúng tôi lưu ý rằng NH thường xuyên duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 170-180% giai đoạn trước Covid nhưng đã tăng mạnh lên hơn 300% giai đoạn sau Covid. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu của VCB đứng ở mức 0,7% tại cuối 2022 – thấp nhất so với các NH cùng quy mô. Về cơ cấu tài sản, TPDN tiếp tục chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng TS sinh lời của NH (<1%). Một điểm đáng lưu ý nữa là tỷ trọng giá trị TS thế chấp/tổng giá trị cho vay của NH đạt 1,8x tại cuối 2022, phù hợp với chiến lược thận trọng của NH.

Kế hoạch kinh doanh 2023 phù hợp với dự báo 

Cho năm 2023, NH đặt kế hoạch LNTT tăng ít nhất 12% svck – một phần ba mức tăng trưởng 2022, và cũng phù hợp với dự đoán hiện tại của chúng tôi ở mức 12,6%. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này là hoàn toàn có thể đạt được nhờ chất lượng TS hàng đầu của NH và cơ cấu cho vay lành mạnh. Về tăng trưởng tín dụng 2023, hiện NH được nhận hạn mức ban đầu là 9,6% nhưng chúng tôi cho rằng NH hoàn toàn có thể đạt được 12% vào thời điểm cuối năm nhờ chất lượng tài sản ưu việt và NHNN thường nâng hạn mức tín dụng cho các NH vào nửa cuối năm.

VNDirect hạ khuyến nghị xuống Trung lập với mức định giá cao hơn 91.000đ/cp

VNDirect tăng định giá 7,5% do chúng tôi nâng dự báo EPS 18%/14%/8% trong 2023-25 do chi phí vốn và tín dụng thấp hơn. Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập khi mức giá thị trường đã tăng 13,4% từ đầu năm và tiếp cận mức định giá hợp lý. Rủi ro tăng giá là mức định giá cao hơn từ thương vụ phát hành riêng lẻ. Rủi ro giảm giá là chi phí tín dụng cao hơn do thị trường BĐS trầm lắng

Cập nhật ngày 2/12/2022: Cổ phiếu phòng thủ trong ngành ngân hàng, giá mục tiêu 89.600 đồng/cp

Với tất cả những biến động gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, SSI cho rằng các nhà đầu tư nên tập trung vào những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ đối với những lĩnh vực này ở mức thấp, đồng thời có cấu trúc huy động tốt và bộ đệm tín dụng vững chắc.

VCB đáp ứng các điều kiện này nhờ quan điểm cho vay thận trọng và quản lý rủi ro chặt chẽ. VCB cũng có thể được hưởng lợi phần nào khi các khách hàng cá nhân gửi tiền đang tìm đến những ngân hàng an toàn hàng đầu hệ thống. Điều này có thể giúp phần nào hạn chế sự suy giảm về NIM trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về tỷ lệ an toàn vốn hiện tại của ngân hàng, vì CAR (Basel II) hiện chỉ ở mức 9,35% - điều này có nghĩa là VCB cần thiết phải tăng vốn. Trong mô hình định giá của chúng tôi, chúng tôi giả định việc phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5% sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023, qua đó giúp tăng hệ số CAR khoảng 200~250bps.

SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng đối với cổ phiếu VCB xuống 89.600 đồng/cổ phiếu từ 90.700 đồng/cổ phiếu và lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN.

Cập nhật ngày 26/5/2022: xứng đáng với mức định giá cao hơn

VCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% YoY. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 0,8% (+9bps QoQ / -8bps YoY) trong Q1/2022, và ngân hàng kỳ vọng kiểm soát nợ xấu dưới 1,0% trong năm 2022E.

Cập nhật quý 1/2022, VCB (Vietcombank) có lợi nhuận 9.950 tỷ, tăng 15%, tương ứng hoàn thành 32% kế hoạch cả năm. Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT 2022E sẽ tăng trưởng ít nhất là 12% YoY.

VCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 55,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2022E (+18% YoY) thông qua phát hành 857 triệu cổ phiếu để chia cổ tức.

VCB sẽ nhận chuyển giao và tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém. Việc nhận chuyển giao sẽ tạo cơ hội cho VCB mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và mạng lưới hoạt động. Tương tự như MBB (MUA), VCB sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém vào báo cáo tài chính hợp nhất của VCB.

 

Ngân hàng nhà nước sẽ không hạn chế hạn mức room tăng trưởng tín dụng đối với VCB nếu tỷ lệ CAR của VCB có thể đáp ứng theo quy định.

Ngân hàng nhà nước cũng sẽ cho phép VCB chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Ban lãnh đạo kỳ vọng giai đoạn này sẽ không quá 8-10 năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng lợi nhuận của VCB sẽ vượt kế hoạch năm 2022E nhờ vào KQKD khả quan trong Q1/2022, tiềm năng từ tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tương lai, và khoản thu nhập phí từ bancassurance.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao nhất ngành, đạt 424%, cho thấy chính sách thận trọng của VCB trong quản lý tài sản. Tỷ lệ LLR cao giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng và thúc đẩy lợi nhuận, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng tài sản.

Công ty Chứng khoán Yuanta có góc nhìn tích cực đối với việc nhận chuyển giao. Tương tự như MBB, VCB sẽ được hưởng lợi từ việc nhận chuyển giao, nhưng lại không cần phải hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất. Vì thế, việc nhận chuyển giao sẽ không làm ảnh hưởng đến các tỷ lệ của VCB như NPL, CAR, và LDR. Vì vậy, việc nhận chuyển giao bắt buộc mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực, với giả định giai đoạn tái cơ cấu diễn ra hiệu quả dưới sự quản lý của VCB.

Công ty Chứng khoán Yuanta duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu VCB. Vietcombank vẫn được xem là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam trong bảng xếp hạng CAMEL, và Yuanta tin rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành. Cổ phiếu đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E đạt 2,7x với ROE kỳ vọng năm 2022E là 23%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB)

VCB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Vietcombank chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/06/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu Vietcombank (mã chứng khoán VCB) chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng, hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án…cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…

Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào đầu năm 2020, Vietcombank có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao. Không gian giao dịch công nghệ số cùng các dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích cung cấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như: VCB Digibank, VCB Pay, VCB - iB@nking, VCB CashUp... đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho đông đảo khách hàng.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường, Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Vietcombank hiện có gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên trong và ngoài nước gồm: Trụ sở chính tại Hà Nội; 116 Chi nhánh; 474 phòng giao dịch; 04 Công ty con ở trong nước (Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Kiều hối, Công ty Cao ốc Vietcombank 198); 03 Công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 01 Văn phòng đại diện tại TP. HCM; 01 Văn phòng đại diện tại Singapore, 01 Văn phòng đại diện tại Mỹ ; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Tp. Hồ Chí Minh; 03 Công ty liên doanh, liên kết. Về nhân sự, Vietcombank hiện có trên 20.000 cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.500 máy ATM và trên 60.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.249 ngân hàng đại lý tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Với bề dày hoạt động và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhạy bén với môi trường kinh doanh hiện đại, mang tính hội nhập cao, Vietcombank luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của đông đảo khách hàng cá nhân.

VNDirect & SSI & Yuanta
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.