Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco): quý IV/2023 lợi nhuận thấp nhất hai năm qua

MĂNG GIANG

03/02/2024 09:56

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính với các thông tin về doanh thu và lợi nhuận. 

sab-jul21-1624241106.jpeg

Sản phẩm của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) vẫn phổ biến và mang về lợi nhuận lớn. 

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã công bố BCTC quý 4/2023, với doanh thu thuần đạt 8,520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện từ 28% lên 29%, nhờ giá vốn hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận như chi phí quản lý tăng 7% lên 214 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 50% xuống còn 33 tỷ đồng; mặc dù bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn 347 tỷ đồng.

Kết quả, Sabeco báo lãi ròng 947 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành bia Việt Nam trong hai năm qua.

Thực tế cho thấy, SAB đã kéo dài chuỗi 5 quý liên tiếp “lãi trên ngàn tỷ” kể từ quý 4/2021, nhưng chính thức đứt chuỗi vào quý đầu năm 2023 và lặp lại tình trạng này trong quý 4/2023.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần đạt 30,461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Bia vẫn là sản phẩm chủ lực của SAB, chiếm 88% doanh thu và đến 98% lãi gộp; biên lãi gộp của mảng bia được cải thiện qua các năm, từ mức 27% năm 2018 lên 34% năm 2023.

Mảng bao bì vật tư tuy chiếm 11% doanh thu, nhưng biên lãi gộp mảng này là số âm. Nước giải khát dù có biên lãi gộp ở mức 23%, nhưng doanh thu mảng này chỉ đóng góp tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 0.5% tổng doanh thu.

Sau cùng, lãi ròng 2023 của Sabeco đạt 4,118 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Công ty cho biết do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

So với kế hoạch đề ra, SAB thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại cuối năm 2023, tổng tài sản của SAB hơn 34 ngàn tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền, tiền gửi ngân hàng giảm 700 tỷ đồng xuống còn gần 23 ngàn tỷ đồng và chiếm tới 67% tổng tài sản. Năm 2023, lãi tiền gửi mang về gần 1.4 ngàn tỷ đồng.

Giá trị hàng tồn kho tăng nhẹ lên 2.4 ngàn tỷ đồng, chiếm phần nhiều là nguyên vật liệu hơn 1 ngàn tỷ đồng và thành phẩm, hàng hóa 734 tỷ đồng.

Nợ phải trả của SAB giảm 1.3 ngàn tỷ đồng so với đầu năm, đạt gần 8.6 ngàn tỷ đồng. Vay ngắn hạn hạ xuống mức 530 tỷ đồng, nợ vay tài chính dài hạn giảm hơn nửa còn 171 tỷ đồng.

Cập nhật quý 3/2023 doanh thu và lợi nhuận vẫn giảm

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 7.415 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ.

Trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp công ty đạt gần 2.233 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 30,1%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng 31,3% lên hơn 373 tỷ đồng chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính tăng gần 47% lên 19,4 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với quý 3/2023.

Phía Sabeco cho biết, nguyên nhân kết quả kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không giảm nhiều.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.941 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.288,5 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.426 tỷ đồng, giảm 1.039 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Sabeco hơn 22.389 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả ghi nhận 6.908 tỷ đồng, giảm 30% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 26.519 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco): quý 2/2023 cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2023 với cả doanh thu, lợi nhuận suy giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 8.312 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Sau trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 2 trong kỳ là 1.210 tỉ đồng, giảm gần 33%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Sabeco có doanh thu thuần 14.621 tỉ đồng, giảm 11% và lãi sau thuế 2.214 tỉ đồng, giảm 27%. Bán bia đang đóng góp hơn 88% trong tổng doanh thu; còn lại là nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn...

Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu mang về 40.272 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỉ đồng. Với kết quả nêu trên, Sabeco mới chỉ hoàn thành 36% doanh thu và 38% lợi nhuận.

Ông Gim Siong Bennett - tổng giám đốc Sabeco - lý giải kết quả kinh doanh công ty quý 2-2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế. Ngoài ra, chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn.Ngoài ra còn do việc tiếp tục tập trung nghị định 100.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí bán hàng của Sabeco trong 6 tháng đạt 2.028 tỉ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Sabeco đã "bạo tay" chi 1.221 tỉ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ. Tức là bình quân mỗi ngày, hãng bia này "ngốn" tới 3,35 tỉ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi nhằm gia tăng doanh số.

Tính đến hết 30-6-2023, Sabeco có khoảng tổng 22.385 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm chủ yếu là khoản tiền gửi có thời hạn trên 3 tháng, dưới 1 năm. Số tiền này có giảm đi so với đầu năm nhưng vẫn mang về cho Sabeco 684 tỉ đồng tiền lãi sau 6 tháng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 1/2023: mỗi ngày lãi hơn 11 tỷ đồng

Lãi sau thuế quý I của Sabeco thấp nhất 6 quý gần đây do sức mua giảm, nhưng mỗi ngày vẫn lãi hơn 10 tỷ đồng - cao hơn cùng kỳ 2020-2021 khi Nghị định 100 mới áp dụng.

Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) cho biết trong 3 tháng đầu năm, thị trường tiếp tục suy yếu sau Tết nguyên đán, người tiêu dùng hạn chế sử dụng rượu bia hơn trước do tác động của Nghị định 100.

Lý do trên khiến Sabeco ghi nhận kết quả kinh doanh thấp nhất trong 6 quý qua. Doanh thu kỳ này đạt hơn 6.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với quý I/2021. Sức mua giảm khiến hàng tồn kho thành phẩm của SAB tăng 18%, lên hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhóm các chi phí thường xuyên cùng tăng, mạnh nhất là chi phí tài chính tăng gấp đôi. Ngoài ra, doanh nghiệp này vẫn mạnh tay chi gần 480 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, tăng hơn 22%. SAB lấy lại được phần lớn thị phần đã mất trong đại dịch, đánh đổi bằng chi phí tiếp thị và quảng cáo ngày một tăng cao.

Trừ hết chi phí, chủ thương hiệu bia 333 lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong quý. Tuy giảm gần 19%, doanh nghiệp này vẫn lãi hơn 11 tỷ đồng mỗi ngày. So với kế hoạch cả năm, SAB mới hoàn thành khoảng 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ban lãnh đạo Sabeco nhận định năm nay ngành bia Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Công ty dự báo xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Nhờ đó, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 15% doanh thu và 5% lợi nhuận, lần lượt đạt hơn 40.270 tỷ đồng và 5.775 tỷ đồng, tiếp tục xác lập đỉnh cao mới.

Nhưng thách thức cũng không nhỏ. Thời gian qua, Sabeco và các doanh nghiệp phải đối mặt với gánh nặng tăng giá nguyên, nhiên liệu và sự sụt giảm nhu cầu thị trường do lạm phát lên cao. Sự chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2023. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 4/2022: năm 2022 đạt lợi nhuận kỷ lục, gần 5.500 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt gần 5.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. 

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, trong quý cuối cùng của năm 2022, Sabeco đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ chi phí giá vốn, SAB ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 28% cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 27,7%.

Quý IV, doanh thu tài chính tăng 24% lên 324 tỷ đồng. Chi phí tài chính cao gấp 3 lần cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 70%, chủ yếu do chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết, đạt 1.612 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Con số này tương đương bình quân hơn 96,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của hãng bia Sài Gòn từ trước đến nay. Cả năm 2022, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019.

Lý giải cho mức lợi nhuận đột phá của năm 2022, SAB cho biết, Công ty có nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng, tiếp thị giúp thúc đẩy doanh số cho các nhãn hàng. Đồng thời, Công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.

Năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu đạt 34.791 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và với kết quả trên, Công ty đã hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SAB là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 19.411 tỷ đồng (tăng 14%); hàng tồn kho hơn 2.193 tỷ đồng (tăng 31%); các khoản phải thu ngắn hạn 897 tỷ đồng (tăng 92%); trong đó trích lập 295 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi. Vốn chủ sở hữu hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm hơn phân nửa, đạt gần 15.565 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 3/2022: lợi nhuận tăng 195,5% lên 1.394,6 tỷ đồng

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu tăng 101,6% và lợi nhuận tăng 195,5% trong quý III/2022.

Trong quý III/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 8.635,08 tỷ đồng, tăng 101,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.394,6 tỷ đồng, tăng 195,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận cải thiện từ 26,7% lên 31,2%.

Được biết, từ năm 2016 tới năm 2021, biên lợi nhuận gộp dao động từ 22,49% tới 30,4%. Như vậy, biên lợi nhuận gộp trong quý III/2022 đang là mức biên lợi nhuận gộp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 136% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.552,6 tỷ đồng lên 2.694,2 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 27,5%, tương ứng tăng thêm 61,34 tỷ đồng lên 284,27 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 128,91 tỷ đồng, tăng 125,3 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lãi 3,61 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 77,5%, tương ứng tăng thêm 595,2 tỷ đồng lên 1.362,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Sabeco cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi cả nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Ngoài ra, trong thời gian này cùng kỳ năm ngoái thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế Covid-19, đặc biệt là ở TP. HCM bị phong tỏa toàn bộ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 24.949,9 tỷ đồng, tăng 43,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 4.423,9 tỷ đồng, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm nữa, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình tiếp thị cũng giúp thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Sabeco đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn. Trong khi năm ngoái bị ảnh hưởng bất lợi bởi làn sóng thứ 3 và thứ 4 của Đại dịch Covid.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 3/2022: lãi quý II/2022 tăng 67,4% lên 1.793 tỷ đồng

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu tăng 24,7% và lợi nhuận tăng 67,4% trong quý II/2022.

Trong quý II/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 9.008,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.793,09 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,7% và 67,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 31,3% lên 34,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 36,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 822,72 tỷ đồng lên 3.085,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 16,8%, tương ứng tăng thêm 36,54 tỷ đồng lên 253,44 tỷ đồng; lãi trong Công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát tăng 484,4%, tương ứng tăng thêm 61,32 tỷ đồng lên 73,98 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 1,7%, tương ứng giảm 19,83 tỷ đồng về 1.177,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Sabeco cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi đất nước thoát khỏi tình trạng phong toả với việc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 4 của Đại dịch Covid-19.

Nhu cầu tiêu dùng phục hồi, Sabeco (SAB) báo lãi quý II/2022 tăng 67,4% lên 1.793 tỷ đồng ảnh 1
Biên lợi nhuận gộp của SAB trong 6 tháng đầu năm vượt trước đại dịch Covid-19.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 16.314,8 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.029,32 tỷ đồng, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm đạt 32,3%, kỷ lục từ năm 2016 tới nay.

Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận đã được cải thiện và cao hơn so với năm ngoái do cả nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa cùng với việc thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi người tiêu dùng. Công ty đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của việc tăng chi phí đầu vào. Trong khi năm ngoái bị ảnh hưởng bất lợi bởi đợt thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 1/2022: bắt đầu lấy lại phong độ

Lãi sau thuế Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) tăng 25% trong quý đầu năm nhờ Tết nguyên đán.

Lãnh đạo Sabeco đánh giá doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện và cao hơn cùng kỳ năm ngoái do tác động mạnh mẽ từ việc mở cửa trở lại của thị trường. Giai đoạn này, công ty cũng triển khai nhiều khuyến mãi cho dịp năm mới. Nhờ thế, doanh thu tăng 25%, đạt hơn 7.300 tỷ đồng. Trong đó, mảng bia chiếm đến 87% cơ cấu tổng doanh thu.

Ngoài ra, Sabeco cũng kiểm soát tốt nhóm chi phí thường xuyên, nhất là chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Ba khoản mục này giảm hơn 10% so với quý I/2021. Trong đó, chi phí quảng cáo và khuyến mãi giảm đến hơn 20%. Tổng lại, công ty lãi sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh cải thiện rõ so với cùng kỳ nhưng lại thấp hơn so với quý liền trước. Cùng nguyên nhân như trên nhưng doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2021 lại cao hơn 23% và 13% so với quý I/2022. So với các chỉ tiêu đề ra cho cả năm, Sabeco đã hoàn thành khoảng một phần tư kế hoạch.

Năm nay SAB đặt kế hoạch lấy lại phong độ kinh doanh của chính công ty và là kế hoạch tích cực nhất ngành bia. Ban lãnh đạo kỳ vọng ngành sản xuất kinh doanh bia phục hồi khi hoạt động du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống được kích cầu. Bia Sài Gòn cũng đặt kỳ vọng vào sự bình ổn trong mảng sản xuất và kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua của hàng chục triệu dân nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Song hãng bia này vẫn cho rằng, toàn ngành đang chịu ảnh hưởng hai vấn đề chưa từng có tiền lệ là đại dịch và những quy định khắt khe của Chính phủ. Trong khi Covid-19 gây thiệt hại ngắn hạn, luật phòng chống tác hại rượu bia lại có phạm vi ảnh hưởng lâu dài. Riêng Sabeco đối mặt thêm rủi ro khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn do thu nhập bị ảnh hưởng và công ty sẽ bị cạnh tranh gay gắt bởi các đơn vị sản xuất khác trong cuộc chiến giành thị phần.

Báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, đồ uống nằm trong nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao, trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa. Trong cuộc họp thường niên gần đây, lãnh đạo Sabeco cho biết công ty đã có những hợp đồng mua trước nguyên vật liệu theo kế hoạch sẵn. Trước mắt trong năm nay, SAB tự đánh giá mức tồn kho nằm ở ngưỡng an toàn. Tuy vậy, rủi ro giá nguyên liệu tăng được xem là khó tránh và Sabeco sẽ tìm cách tăng doanh thu để bù đắp các khoản chi phí gia tăng.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 4/2021: doanh thu 9.003,85 tỷ đồng, tăng 14,5%

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB – sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021.

Theo đó, trong quý IV/2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 9.003,85 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.400,1 tỷ đồng, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 23,7 tỷ đồng lên 2.492 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 9,4%, tương ứng tăng thêm 22,45 tỷ đồng lên 262,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25%, tương ứng tăng thêm 223,7 tỷ đồng lên 1.117,7 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Công ty cho biết thêm, SAB đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 sau khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì Covid-19, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận của công ty cao hơn so với quý III/2021 lần lượt là 110% và 197%.

Lũy kế trong năm 2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 26.373,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.929,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 94,3% và 79,6% so với thực hiện trong năm 2020.

Được biết, trong năm 2021, SAB dự kiến doanh thu là 33.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, kết thúc năm tài chính, công ty hoàn thành 74,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một điểm tích cực, trong năm 2021, công ty tiếp tục duy trì dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 3.543,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.245,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 1.417,6 tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục đủ để phục vụ hoạt động đầu tư, cũng như trả cổ tức cho cổ đông và giảm nợ vay.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của SAB tăng 11,4% so với đầu năm lên 30.487 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 20.597,7 tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 4.401,8 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong năm, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng 19,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.324,2 tỷ đồng lên 20.597,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2021, công ty đã giảm được nợ vay ngắn hạn và dài hạn 312,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 32% so với đầu năm về 662,9 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 2,2% tổng nguồn vốn.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 3/2021: doanh thu giảm 47%, lợi nhuận giảm 68%

Báo cáo tài chính quý III của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 4.282 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng giai đoạn này tăng 21% nhưng chi phí quản lý giảm 24%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 68%, chỉ còn 471 tỷ đồng.

Theo giải trình của ban lãnh đạo Sabeco, trong chín tháng đầu năm 2021, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh bán hàng để giảm ảnh hưởng từ các đợt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong quý vừa qua, sự bùng phát của làn sóng thứ 4 cùng với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được áp dụng ở Việt Nam, lệnh giới nghiêm tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Điều này dẫn đến lợi nhuận quý III thấp hơn so với cùng kỳ 2020.

Kết quả kinh doanh quý III thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty. Theo đó, lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 17.369 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.363 tỷ đồng. Cả hai chỉ số đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tại đại hội cổ đông thường niên, Sabeco đặt mục tiêu năm nay doanh thu đạt 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với năm trước. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 9 của Sabeco đạt 28.427 tỷ đồng, tăng khoảng 1.055 tỷ đồng so với đầu năm.

Kỳ vọng giành lại thị phần sau đợt dịch COVID nhờ cải thiện marketing

Bản Việt kỳ vọng Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB)  sẽ ghi nhận mức tăng trưởng EPS mạnh mẽ sau năm 2021 nhờ:

(1) nhu cầu phục hồi sau tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt,

(2) SAB giành lại một phần thị phần nhờ các sản phẩm mới và hiệu quả marketing được cải thiện, và

( 3) các sáng kiến nâng cao lợi nhuận. 

Tiêu thụ bia suy yếu do dịch COVID-19 tái bùng phát

Ghi nhận tại cuộc họp, lãnh đạo Sabeco cho hay tiêu thụ bia suy yếu kể từ tháng 5/2021 do dịch COVID-19 tái bùng phát. Tình trạng dịch COVID-19 tái bùng phát nghiêm trọng hơn dự kiến tại Việt Nam có thể dẫn đến khả năng điều chỉnh giảm các dự báo hiện tại.

Trong trường hợp khả quan nhất mà Việt Nam có thể kiểm soát dịch COVID-19 vào cuối tháng 8, ban lãnh đạo tin rằng SAB có thể đạt được mục tiêu LNST năm 2021 (+7% YoY) – dù đây sẽ là một thách thức lớn.

Theo SAB, thị phần của công ty đã mở rộng so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2021, được hỗ trợ bởi cả phân khúc chính phổ thông của công ty cũng như sự thâm nhập của thương hiệu mới Saigon Chill trong phân khúc phổ thông cao cấp - dù đóng góp của thương hiệu này vẫn còn nhỏ tại thời điểm hiện tại khi vừa được ra mắt vào tháng 10/2020.

Ban lãnh đạo cân nhắc việc tăng chi tiêu marketing là cần thiết khi SAB giữ quan điểm trong dài hạn về việc xây dựng thương hiệu bên cạnh việc ứng phó với tình hình cạnh tranh hiện tại.

Ban lãnh đạo dự kiến sẽ không có áp lực chi phí đáng kể trong ngắn hạn; tăng giá vẫn là một yếu tố hỗ trợ cho biên lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 2/2021: lợi nhuận giảm 11,9%

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Mã chứng khoán SAB – sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý II/2021.

Theo đó, trong quý II/2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 7.226,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.070,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,3% và giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 30,9% lên 31,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng thêm 56,1 tỷ đồng lên 2.263,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 38,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 306,1 tỷ đồng lên 1.100,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 54,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 115,3 tỷ đồng về 96,3 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Doanh nghiệp có thuyết minh sự bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với quý II/2020.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 13.087,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.057,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,7% và 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, chi phí bán hàng tăng 43,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 590,6 tỷ đồng lên 1.945,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là chi phí quảng cáo và khuyến mãi tăng 62,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 480,6 tỷ đồng lên 1.246,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh SAB (Bia Sài Gòn Sabeco) quý 1/2021: lợi nhuận kém

Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đạt doanh thu thuần 5,861 tỷ đồng và lãi ròng gần 921 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19.4% và 31.5% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, những mức tăng trưởng kể trên có được chủ yếu cũng nhờ mức so sánh cơ sở thấp của quý 1/2020, thời điểm mà sức tiêu thụ bia bị tác động nặng nề bởi Nghị định 100 và sự bùng phát đại dịch Covid-19.

Thực tế, kết quả kinh doanh quý đầu năm nay của Sabeco vẫn ở mức thấp so với những gì mà hãng bia này đạt được trong quá khứ. Chỉ tính trong giai đoạn 2018-2021, quý 1/2021 là quý có lợi nhuận kém thứ ba của chủ thương hiệu Bia Sài Gòn, chỉ cao hơn quý 1/2020 và quý 4/2018.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO

Người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với thương hiệu Bia Sài Gòn của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO. 

Hương vị độc đáo của Bia Sài Gòn là kết tinh sản vật của vùng đất phương Nam trù phú và tinh thần hào sảng phóng khoáng của người Sài Gòn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống vui buồn  hàng ngày.

Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. 

Đến nay, dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan v..v.  

Năm 2017, ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của SAB với giá 4,8 tỷ USD, trở thành công ty mẹ của công ty sản xuất bia này. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO ThaiBev trong chia sẻ mới đây còn nhấn mạnh: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.

Theo số liệu năm 2021, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.