Giao dịch cổ đông lớn MWG (Thế Giới Di Động): Sếp chỉ cần cổ phần, không quan tâm lương

MĂNG GIANG

04/03/2024 11:03

mwg2-1615783029.jpg

Tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty phụ thuộc vào chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).

Trong cuộc gặp nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), nói hiện tại ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách Hóa Xanh, đã có thể nhận lương nhưng "không chịu nhận".

"Với những lãnh đạo cấp cao, lương không phải mục tiêu của họ, mà là chiến đấu cho sự thành công của công ty. MWG đảm bảo khi công ty thành công sẽ có chính sách để chia sẻ cho những người tạo ra nó", ông Tài chia sẻ.

Ông Phạm Văn Trọng nhận chức CEO chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này từ tháng 4/2023. Khi đó, ông nói sẽ không nhận lương cho đến khi chuỗi này có lãi vào năm 2023. Ông Nguyễn Đức Tài từng nhận xét: "Được bổ nhiệm không phải quyền lợi, đó là trách nhiệm rất lớn. Không ở đâu như Bách hóa xanh khi người được bổ nhiệm đang nhận lương hàng tháng thì giờ không có lương mà vẫn phải làm việc cật lực".

Đến cuối năm 2023, Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn sau các chi phí tương ứng với thực tế vận hành, trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi. Kết quả hòa vốn này không bao gồm các chi phí phát sinh một lần đã hạch toán hết trong quý IV và một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng do tái cấu trúc. Ban lãnh đạo MWG nói chi phí này sẽ giảm dần theo thời gian và Bách Hóa Xanh tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024.

Bình luận thêm về vấn đề thu nhập, ông Nguyễn Đức Tài nói triết lý trước nay của công ty là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhiều năm qua, các lãnh đạo cấp cao MWG "chưa từng đòi hỏi tăng lương" vì họ tin nếu tạo ra kết quả, sẽ nhận về những phần chia sẻ xứng đáng.

Không chỉ sếp Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Trần Huy Thanh Tùng và ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, đều không nhận lương trong quý III/2023. Sang quý cuối năm ngoái, cả ba nhận cùng mức lương chưa tới 4 triệu đồng cho ba tháng.

Một trong những thành quả mà các lãnh đạo sẽ nhận được là quyền mua cổ phiếu ESOP. Năm nay, nếu MWG hoàn thành mục tiêu có 125.000 tỷ đồng doanh thu và 2.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hoặc cao hơn, các lãnh đạo và đội ngũ quản lý sẽ được mua cổ phiếu với giá ưu đãi.

"Ai đi làm cũng vì hai thứ: tiền và niềm vui. Nếu kết hợp được hai thứ trên, chúng ta sẽ tạo ra động lực rất lớn cho đội ngũ của mình", ông Tài nêu quan điểm.

ESOP là chính sách Thế Giới Di Động duy trì khá đều đặn trong nhiều năm qua. Đây được xem như chiến lược quan trọng để giữ nhân tài. Công ty nhiều lần bỏ qua ý kiến của cổ đông rằng tỷ lệ phát hành quá lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Năm trước, do kết quả kinh doanh không khả quan, MWG không đưa ra phương án pháp ESOP.

Còn trước đó vào năm 2022, công ty phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu thưởng cho 567 nhân viên với giá 10.000 đồng, thấp hơn 13 lần so với giá thị trường. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Sau mỗi năm, 25% lượng cổ phiếu ESOP sẽ được chuyển nhượng tự do.

Sở hữu cổ phiếu MWG giúp các lãnh đạo công ty nắm giữ khối tài sản lớn. Ước tính theo giá trị trường hiện tại, ông Tài đang nắm trong tay hơn 1.600 tỷ đồng. Các lãnh đạo khác cũng có tài sản tính bằng cổ phiếu từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.

Gần đây, ông Robert Willett - thành viên Hội đồng quản trị độc lập, đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu. Với giá chốt phiên ngày 1/3 là 46.600 đồng một đơn vị, số tiền ông Robert thu về khoảng 56 tỷ đồng. Ông nói số tiền trên sẽ dùng để mua nhà cho vợ vì sức khỏe bà không tốt.

Cập nhật ngày 3/2/2024: Dragon Capital đã bán ròng gần 18 triệu cp 3 tháng qua

Trong thông báo mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital cho biết đã bán ra 346.000 cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động. Cụ thể, hai quỹ thành viên là Hanoi Investments Holdings Limited và quỹ Norges Bank đã bán lần lượt 46.000 cổ phiếu và 300.000 cổ phiếu MWG trong phiên 29/1.

Sau khi hoàn tất giao dịch, lượng sở hữu của nhóm Dragon Capital tại Thế Giới Di Động thu hẹp từ 87,75 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 6%) xuống còn 87,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,97%).

Trong phiên 29/1, cổ phiếu MWG ghi nhận giao dịch thỏa thuận gần 459.000 đơn vị với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng, tức mức giá bình quân 43.572 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, đóng cửa cùng phiên, thị giá MWG đạt 44.600 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nhóm quỹ ngoại ước tính đã thu về khoảng 15 tỷ đồng với giao dịch trên.

Tính theo số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngày 1/11/2023 là 105,17 triệu đơn vị, Dragon Capital đã bán ròng tổng cộng khoảng 17,8 triệu cổ phiếu MWG trong 3 tháng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu từ 7,19% xuống còn 5,97% ở hiện tại.

Động thái của nhóm quỹ Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh thị giá MWG đang phục hồi tích cực kể từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Chốt phiên 2/2, cổ phiếu MWG tạm dừng ở mốc 47.400 đồng/đơn vị, tăng hơn 31% so với phiên 1/11/2023.

Cập nhật ngày 1/11/2023: Chủ tịch Nguyễn Đức Tài không nhận lương khi Thế Giới Di Động (MWG) thụt lùi

Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu gần 30.300 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 38,7 tỷ đồng. Cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng mức này đang đi lùi 96% so với cùng kỳ.

Theo báo tài chính hợp nhất quý III, trong 9 tháng đầu năm nay, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng. Con số này từng được thể hiện trong báo cáo tài chính bán niên soát xét. Điều này đồng nghĩa, ông Tài không nhận lương trong quý III.

Tương tự, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cũng làm việc không lương. Ông Trần Huy Thanh Tùng - CEO của MWG, cũng không được trả đồng lương nào.

Trong khi đó, ông Rober Willett - thành viên Hội đồng quản trị, lại nhận gần một tỷ đồng thù lao trong quý III. Lũy kế 9 tháng, người này có lương hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Đặng Minh Lượm - thành viên Hội đồng quản trị, nhận gần 100 triệu đồng trong quý III và 532 triệu đồng trong 9 tháng.

MWG cũng bắt đầu tuyển dụng thêm người lao động. Số lượng nhân viên đến cuối tháng 9 là gần 68.400 người, tăng gần 350 nhân viên so với quý II. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn hồi cuối năm ngoái với hơn 74.000 người lao động. Trước đó, MWG sa thải gần 6.000 lao động trong quý đầu năm và gần như nguyên số lượng nhân viên hơn 68.000 người đến cuối quý II.

Cập nhật ngày 31/1/2023: Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhận lương trăm triệu từ Thế Giới Di Động (MWG)

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) công bố chi tiết thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Tổng số tiền cho các lãnh đạo cấp cao là 8,5 tỷ đồng và được chi trả từ ngân sách công ty con của Thế Giới Di Động.

Ông Robert Willet (quốc tịch Anh) hiện là người có thu nhập cao nhất trong số các thành viên Hội đồng quản trị với 2,2 tỷ đồng.

Tiếp đến là ông Nguyễn Đức Tài được trả thu nhập cả năm xấp xỉ 1,93 tỷ đồng, tương đương khoảng 160 triệu mỗi tháng. Ngoài thu nhập thì trước đây ông Tài còn nhận thêm 350.000-400.000 cổ phiếu ưu đãi (ESOP) mỗi năm. Tuy nhiên, từ sau năm 2018, ông không nhận khoản này.

"Từ lâu tôi đã không nhận ESOP", ông Tài khẳng định với cổ đông tại phiên họp thường niên giữa năm ngoái, đồng thời cho biết ông cũng không nhớ chính xác số lượng cổ phiếu đang nắm giữ mà chỉ ước chừng tỷ lệ sở hữu.

Thực tế ông Tài đang nắm 35,13 triệu cổ phiếu, tương đương 2,4% vốn của Thế Giới Di Động. Khối lượng cổ phiếu của ông tăng trong những năm qua do mua thêm hoặc nhận từ các đợt phát hành cổ phiếu thưởng. Giá trị thị trường khối cổ phiếu này khoảng 1.600 tỷ đồng (tính theo mức 45.500 đồng trong phiên giao dịch 31/1).

Tiếp đến là ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đứng đầu các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Nhà thuốc An Khang - nhận gần 1,8 tỷ đồng trong năm qua. Ông Trần Huy Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, có thu nhập 1,23 tỷ đồng.

Ông Tài từng chia sẻ công ty có nhiều chính sách đãi ngộ cho nhân viên lẫn lãnh đạo. Nếu công ty làm ăn tốt thì tài xế, bảo vệ có thể nhận thưởng 2-3 tháng lương; nhân viên văn phòng 3-7 tháng lương; quản lý siêu thị, trưởng bộ phận nhận 10-20 tháng và nhân sự chủ chốt còn cao hơn. Ngược lại, nếu kinh doanh không tốt thì "lương tháng 13 cũng không có".

Cập nhật ngày 14/11/2022: Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và CEO Trần Huy Thanh Tùng mua 1,5 triệu cổ phiếu MWG

Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài và CEO Trần Huy Thanh Tùng vừa đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu MWG.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài muốn mua một triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động từ 14/11 đến 13/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký, ông Tài sẽ sở hữu hơn 35,1 triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động, tương ứng tỷ lệ 2,4%.

Còn CEO Trần Huy Thanh Tùng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu MWG từ 11/11 đến 9/12. Sau giao dịch, ông Tùng sẽ sở hữu 11,1 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ 0,76%.

Cổ phiếu MWG ngay lập tức phản ứng với thông tin lãnh đạo công ty muốn "bắt đáy". Mã này đảo chiều từ mức giảm hơn 3% trong phiên sáng thành tăng 4,6% trước giờ đóng cửa, hiện giao dịch ở vùng 44.800 đồng và cắt chuỗi giảm hết biên độ hai phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, so với đầu năm, MWG hiện vẫn giảm đến 33,6% (theo giá điều chỉnh sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức). Cổ phiếu này đang ở vùng giá thấp nhất 15 tháng qua. Nếu căn cứ theo mức giá hiện tại, Chủ tịch Thế Giới Di Động sẽ phải chi gần 45 tỷ đồng để mua cổ phiếu MWG.

Lần gần nhất ông Tài giao dịch cổ phiếu này là cách đây một năm. Người đứng đầu Thế Giới Di Động khi đó bán một triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân. MWG giai đoạn đó dao động quanh 130.000-135.000 đồng, mức cao nhất trong năm 2021 và liên tục được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào.

9 tháng đầu năm nay, Thế Giới Di Động đạt doanh thu hơn 102.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.480 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này mới đạt phân nửa chỉ tiêu cả năm của doanh nghiệp. Tính riêng quý III, đại gia bán lẻ này lãi hơn 900 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Thế Giới Di Động ghi nhận lợi nhuận đi xuống.

Trong quý cuối năm, doanh nghiệp này sẽ dừng mở mới cửa hàng, ngoại trừ những cửa hàng có tính thử nghiệm hoặc có thể mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Doanh nghiệp này muốn ưu tiên bảo vệ dòng tiền hoạt động nhằm trụ vững qua giai đoạn thách thức và tăng tốc trở lại khi thị trường thuận lợi hơn.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)

MWG là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh. Ngoài ra, MWG đã mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy tại Campuchia và đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang.

Tiền thân là Công ty TNHH Thế Giới Di Động (Mobile World Co. Ltd) thành lập năm 2004, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (“Công ty” hay “MWG”) được thành lập theo Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp số 0306731335 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 16/01/2009. Công ty là nhà bán lẻ số 1 tại Việt Nam tính theo quy mô, doanh thu và lợi nhuận; đồng thời là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á-Thái Bình Dương theo bảng xếp hạng Top 500 Asia-Pacific Retailers do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia) bình chọn năm 2018.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới gần 4.000 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Năm 2020, thành viên mới của MWG là 4KFarm ra đời với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn theo chuẩn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.