Hoạt động kinh doanh MWG (Thế Giới Di Động): đóng thêm 200 cửa hàng trong những tháng cuối năm

CHIỀU THU

27/11/2023 08:00

Thế Giới Di Động cho biết sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí, trong đó có thể đóng thêm 200 cửa hàng không hiệu quả.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hé lộ việc đơn vị này sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong những tháng cuối năm. "Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm", bản công bố thông tin của Thế Giới Di Động viết.

Công ty này hiện có hơn 5.600 cửa hàng, gồm 1.158 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.281 cửa hàng Điện Máy Xanh, hơn 1.700 siêu thị Bách Hóa Xanh và 540 nhà thuốc An Khang.

Ý định đóng bớt cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh kém hiệu quả cũng từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đề cập trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây. Với tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài, công ty cho rằng không thể duy trì những bộ phận kém hiệu quả.

"Thực tế trong thời gian qua, nhiều cửa hàng của MWG đã không đem tiền về cho công ty, khác hẳn so với hiệu suất hoạt động trước đó", ông Tài cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu, mà chỉ "chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khác". Thêm vào đó, chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước được cắt giảm, giúp công ty cải thiện lợi nhuận.

Điều này, theo ông Tài, có cơ sở bởi mạng lưới điểm bán của MWG rất dày, hai cửa hàng đôi khi chỉ cách nhau vài trăm mét. MWG chỉ muốn giữ lại những bộ phận đem lại hiệu quả để dồn lực nhiều hơn.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu tháng 10 của hệ thống Thế Giới Di Động là 11.190 tỷ đồng, tháng đầu tiên trong năm nay tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Riêng hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu tháng 10 đạt hơn 7.800 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ nhưng tăng 8% so với tháng 9 nhờ đóng góp của sản phẩm iPhone do hiệu ứng ra mắt sản phẩm mới. Lũy kế 10 tháng, tổng doanh thu hai chuỗi này đạt 70.200 tỷ đồng, giảm 21%.

Doanh thu lũy kế của Bách Hóa Xanh trong 10 tháng đầu năm đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 13%. Riêng tháng 10, doanh thu chuỗi bán thực phẩm này là hơn 3.000 tỷ, tăng 29%, với thu bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Cập nhật ngày 27/11/2022: chính thức thâm nhập Indonesia

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia vào ngày 24/11, dưới thương hiệu Era Blue Elektronic.

Đây là một liên doanh giữa MWG với đối tác địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone - công ty con của Tập đoàn Erajaya). Trên báo cáo tài chính, MWG đã đầu tư 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần tại liên doanh này.

Erafone hiện là nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia khi đang vận hành mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái.

Báo cáo từ MWG cho biết thị trường sản phẩm công nghệ và điện máy ở Indonesia có giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD. Riêng mảng điện thoại chiếm 9 tỷ USD (gần gấp đôi Việt Nam), trong khi ngành hàng điện máy mới chỉ bằng 70% quy mô tại Việt Nam.

Thị trường điện máy tại Indonesia cũng đang thiếu một nhà bán lẻ dẫn dắt để khuyến khích nhu cầu, trải nghiệm mua sắm. Phần lớn các cửa hàng truyền thống có danh mục sản phẩm và dịch vụ hậu mãi rất hạn chế như giao máy lạnh mất 7-10 ngày...

Trước đó vào cuối năm 2021, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động - nói rằng muốn "xuất ngoại" tiếp theo vào thị trường Indonesia bởi đây là quốc gia có văn hóa mua sắm tương đồng với Việt Nam, nhất là thị trường điện máy còn sơ khai...

Lãnh đạo tập đoàn này kỳ vọng Era Blue sẽ đạt thị phần 20-40% trong 5 năm tới và sau đó sẽ tiến hành IPO. Doanh thu kỳ vọng theo đó tiến đến 2-4 tỷ USD/năm, qua đó giúp tập đoàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.

Với cửa hàng đầu tiên đang có lượng khách lớn, đại gia bán lẻ của Việt Nam đặt mục tiêu có 5 cửa hàng ở đất nước vạn đảo vào cuối năm 2022.

Đây là thị trường tiếp theo mà MWG nhắm tới trong khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2017, Thế Giới Di Động cũng từng xâm nhập vào thị trường Campuchia với cửa hàng điện thoại BigPhone đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh.

Sau nhiều năm phát triển thì BigPhone được chuyển đổi sang mô hình mới Bluetronics (chuyên điện máy) để phù hợp với văn hóa tiêu dùng. Đây đang là chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất xứ chùa tháp với 50 cửa hàng.

Chiến lược xuất ngoại đang được đẩy mạnh sau sự thành công tại thị trường Campuchia và nhất là khi thị trường điện máy trong nước tiến đến trạng thái bão hòa. Hiện MWG có sở hữu 2.269 cửa hàng Điện Máy Xanh trong nước.

Cập nhật ngày 6/6/2022: chạy đua chiếm thị trường mẹ và bé với chuỗi AVAKids

Thế Giới Di Động (MWG) ra mắt 50 cửa hàng thuộc chuỗi mới với danh mục hơn 5.000 sản phẩm, đầu tư kênh online, hút khách bằng giá tốt... nhắm tới mục tiêu đầu ngành. Trước đó Thế Giới Di Động (MWG) thông báo chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở mới.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc công ty Thế Giới Di Động cho biết đến tháng 6, chuỗi AVAKids chính thức cán mốc 50 cửa hàng sau 5 tháng hoạt động. Với kết quả này, chuỗi mẹ và bé của MWG đứng thứ 4 trên thị trường xét về số lượng cửa hàng.

Để hiện thực hóa tham vọng số một thị trường mẹ và bé, hãng nhắm đến tăng cường độ phủ toàn quốc. Với tốc độ mở mới trung bình 10 cửa hàng mỗi tháng, tập đoàn đặt mục tiêu mở 200 shop AVAKids đến cuối năm nay. Các cửa hàng sẽ phủ rộng toàn TP HCM, sau đó tiến ra các tỉnh miền Đông và miền Tây, tương lai sẽ đi vào thị trường nông thôn.

"Trong ngành mẹ và bé, chúng tôi tự xem mình như một công ty khởi nghiệp nên buộc phải chạy đua nước rút để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với đối thủ", ông Đoàn Văn Hiểu Em lý giải.

Tính phong phú của sản phẩm, phục vụ tối đa nhu cầu người dùng cũng là yếu tố quyết định sự thành công. Trong mỗi cửa hàng có khoảng 5.000 sản phẩm gồm tã sữa, quần áo, đồ chơi, xe đạp, sản phẩm tiêu dùng cho mẹ và bé, thực phẩm bổ sung. Với quy mô này, khách hàng có thể tìm thấy hầu hết sản phẩm cần thiết cho bà mẹ mang thai, em bé từ sơ sinh đến mẫu giáo.

Theo chia sẻ từ ông Hiểu Em, doanh thu tại mỗi cửa hàng AVAKids vào khoảng 1,8-2 tỷ đồng mỗi tháng. Điều này cho thấy tiềm năng của mảng mẹ và bé trong doanh thu tổng của MWG trong tương lai gần. Đặc biệt, doanh thu trực tuyến của AVAKids chiếm khoảng 25-30%, cao hơn mức doanh thu online trung bình của MWG khoảng 16%. Điều này cho thấy thói quen mua sắm tã sữa qua mạng Internet của các ông bố bà mẹ đã vượt hơn nhóm khách đại chúng. Đây là cơ sở để đơn vị đầu tư mạnh vào kênh online song song với việc mở mới cửa hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, chuỗi hút khách bằng chính sách giá cạnh tranh và các chương trình ưu đãi. Việc mua sắm thêm tiện lợi thông qua hệ thống cửa hàng phủ rộng khắp TP HCM và giao hàng online toàn quốc.

AVAKids cũng thừa hưởng nhiều thuận lợi từ thương hiệu Thế Giới Di Động, tạo thêm sự tin cậy khi người dùng chọn mua. Cửa hàng nằm bên trong hệ sinh thái rộng lớn với các thương hiệu như Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, An Khang... Do đó có thể chia sẻ tệp khách hàng, thực hiện các ưu đãi chéo trong hệ thống, tăng cường nhận diện giữa các chuỗi với nhau.

Ông Hiểu Em nói thêm, thị trường mẹ và bé tại Việt Nam có quy mô ước tính 7 tỷ USD. Xác định sẽ trở thành nhà bán lẻ đa ngành, Thế Giới Di Động không thể đặt mục tiêu dè dặt ở miếng bánh này. Ông nhìn ra tiềm năng phát triển cho tập đoàn khi thị trường có dư địa lớn, các cửa hàng hiện nay còn phân mảnh, chỉ mới tập trung ở các thành phố lớn.

Vị tổng giám đốc cũng kỳ vọng đơn vị sẽ mang lại những giá trị thiết thực cho các ông bố, bà mẹ và trẻ em thông qua việc mở rộng cửa hàng, tạo sự tiện lợi cho cả gia đình dù họ ở khu vực nào của TP HCM hay miền Nam.

Cập nhật ngày 20/2/2022: Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở mới trong năm 2022

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm ngoái.

Điều đáng chú ý là tập đoàn thông báo chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở mới để củng cố nền tảng vận hành, chuẩn bị cho mở rộng từ năm 2023.

Năm nay chuỗi này sẽ tập trung vào thu hút khách hàng và tích cực cải thiện doanh thu, nâng cao chất lượng cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với giá bán rất cạnh tranh. Bách Hóa Xanh kỳ vọng đóng góp 20%-25% doanh số cho tập đoàn.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài - người phụ trách Bách Hóa Xanh thay ông Trần Kinh Doanh - cho biết thời gian sắp tới sẽ có những điều chỉnh rất lớn liên quan đến shop, các sản phẩm, cách trưng bày và cuối cùng là hướng đến tăng trải nghiệm khách hàng.

"Năm nay Bách Hóa Xanh sẽ tập trung rất lớn vào tăng trải nghiệm và chất lượng sản phẩm để tăng số lượng khách hàng, tăng doanh thu trên mỗi shop. Chuỗi không tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên khi doanh thu đủ lớn thì điểm hòa vốn có thể xuất hiện", ông Tài nói thêm.

Lãnh đạo tập đoàn tiết lộ thay đổi đầu tiên là tăng chất lượng cho các mặt hàng tươi như không bán lại rau quả để qua đêm; đồng thời sẽ cùng các đối tác đem lại nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng như mua 2 tặng 1.

"Bởi vì kéo một khách hàng vào shop tốn rất nhiều công sức nhưng chỉ cần bán cho họ một trái sầu riêng ăn không được thôi là họ sẽ quay lưng lại với mình trong vài tháng. Do vậy công ty ý thức rất rõ chất lượng sản phẩm là điều sống còn, đặc biệt là mặt hàng tươi sống”, chủ tịch MWG bổ sung.

Thị trường hàng bán lẻ thực phẩm được đánh giá có quy mô lớn và năm nay có thể tăng trưởng chỉ hơn 5%. Tuy nhiên ông Tài khẳng định điều quan trọng là thị phần của Bách Hóa Xanh chưa cao nên cơ hội để tăng doanh số và lấy thêm thị phần rất lớn.

Theo đó Bách Hóa Xanh cần khoảng nửa năm để củng cố lại mức doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/shop/tháng và sau đó tiếp tục nhích lên. Mục tiêu của chuỗi này là tăng trưởng doanh thu khoảng 30-50% so với năm ngoái.

Lãnh đạo MWG nhắc lại chủ đích trong năm nay là xây dựng nền tảng quản trị và tăng trải nghiệm khách hàng tốt hơn để tăng doanh thu. Khi chuỗi đạt đến điểm hòa vốn, tập đoàn sẽ tăng tốc mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, dự kiến trong năm 2023.

Đối với kế hoạch thu hút vốn, người phụ trách Bách Hóa Xanh khẳng định sẽ bắt đầu chào đón các đối tác chiến lược vào cuối năm nay khi mọi thứ đã được xây dựng hoàn chỉnh, doanh thu tăng trưởng và điểm hòa vốn hiện ra.

"Còn kế hoạch IPO thì tất nhiên phải cần thêm thời gian. Khi doanh thu tăng trưởng đủ để Bách Hóa Xanh trở thành người dẫn dắt của thị trường thì kế hoạch IPO mới triển khai", ông Tài thông tin.

Cập nhật ngày 4/11/2021: Bách Hóa Xanh muốn thâu tóm toàn bộ nhà thuốc An Khang

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tái cấu trúc và góp thêm vốn tại các công ty con và công ty liên kết.

Theo đó, tập đoàn này dự kiến chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại công ty bán lẻ An Khang (chủ nhà thuốc An Khang) sang cho công ty con Bách Hóa Xanh với giá bằng giá đã đầu tư ban đầu.

Với giao dịch này, Bách Hóa Xanh cũng được phép thực hiện các công việc đàm phán mua phần vốn góp còn lại của các cổ đông khác để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 99,999% vốn điều lệ An Khang.

Chuỗi nhà thuốc An Khang được MWG rót vốn vào đầu năm 2018 khi nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần để sở hữu 49% vốn điều lệ. Giá trị chuyển nhượng trên báo cáo được ghi nhận thời điểm đó là 62 tỷ đồng.

Hiện chuỗi nhà thuốc An Khang có tổng cộng 119 nhà thuốc đang hoạt động. Doanh thu tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm khi gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cũng bắt đầu ghi nhận hiệu quả tích cực ở cấp độ công ty. Trên báo cáo tài chính, An Khang ghi nhận mức lỗ hơn 1,2 tỷ đồng trong quý III và lũy kế lỗ 7,6 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Ở chiều ngược lại, Bách Hóa Xanh sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn trong công ty 4K FARM lại cho tập đoàn mẹ và các cá nhân liên quan. Theo đó, MWG sẽ nắm giữ 99,999% vốn đơn vị nay, phần thiểu số còn lại thuộc về ông Nguyễn Đức Tài với 10 cổ phần và CEO Cao Nhật Anh Tú là 100 cổ phần.

Mục đích chuyển nhượng là để 4K FARM có thể cung cấp đa đạng sản phẩm nông nghiệp sạch cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng khác cũng như tạo cơ hội để huy động vốn trong tương lai.

Về công tác tái cấu trúc khác, MWG có kế hoạch rót thêm 3.200 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Bách Hóa Xanh để phục vụ kế hoạch mở rộng phát triển kinh doanh. Đồng thời cũng góp thêm 800 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động với mục đích tương tự.

Nguồn lực thực hiện là từ vốn tự có hoặc lợi nhuận giữ lại chưa phân phối. Thời gian tăng vốn dự kiến trong năm 2021 và 2022.

Bên cạnh đó, MWG cũng thông báo sẽ thành lập mới một công ty cổ phần để kinh doanh dịch vụ kho bãi và vận chuyển hàng hóa. Vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm giữ đến 99,999% cổ phần. Cổ đông còn lại là ông Nguyễn Đức Tài với 10 cổ phần và ông Đỗ Tuấn Anh (CEO công ty mới) nắm giữ 100 cổ phần.

Công ty giao hàng mới này được lập ra để tối ưu quản lý và vận hành hệ thống kho bãi, vận tải, giao hàng giữa các kho tổng và cửa hàng; song song đó còn mở rộng để cung cấp dịch vụ logistics cho đối tác bên ngoài và huy động thêm vốn.

Cập nhật ngày 23/7/2021: Thêm 3 cửa hàng Bách Hóa Xanh của MWG bị lập biên bản

Sáng 23/7, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Tân An, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh, số 19 Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP Tân An về hành vi nhân viên cửa hàng tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng.

Theo đó, vào ngày 17/7, người dân phường 3 phản ánh lên đường dây nóng UBND TP Tân An về việc họ mua 3 sản phẩm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh và được nhân viên thu ngân cửa hàng tính khối lượng chênh lệch cao.

Cụ thể, người dân mua 0,75 kg sản phẩm thịt đùi, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,3 kg; đối với cá nục, người dân mua 0,6 kg, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,2 kg; người dân mua 1 kg sản phẩm cá saba, nhân viên tính 1,6 kg. Sau khi người dân phản ánh, nhân viên thanh toán tiền Bách Hóa Xanh đã trả lại tiền tính chênh lệch cho khách là 166.000 đồng.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản đối với cửa hàng này. Đồng thời đề nghị cửa hàng gửi công văn giải trình về Phòng kinh tế TP Tân An trước ngày 26/7.

Bach Hoa Xanh bi lap bien ban anh 1

Cục QLTT tỉnh Long An kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn. Ảnh: DMS.

Đoàn yêu cầu cửa hàng chấp hành nghiêm về niêm yết giá, bán đúng giá đã niêm yết và đặc biệt là tính tiền đúng khối lượng mà người dân đã mua. Nếu cửa hàng tiếp tục vi phạm, đoàn sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đại diện Bách Hóa Xanh cũng xác nhận có sai sót trong việc thanh toán cho khách hàng ở cửa hàng trên. "Hệ thống Bách Hóa Xanh cam kết với những sai sót như vậy sẽ đền bù cho khách hàng đúng số tiền chênh lệch và đền thêm 100.000 đồng/lần mua hàng", đại diện này cho biết.

Trước đó, chiều 22/7, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang cũng đã kiểm tra và lập biên bản cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành vì không niêm yết giá hàng hóa (thức uống dinh dưỡng hiệu Milo, loại 330 gram/bịch; chuối già Nam Mỹ, loại 1 kg/hộp và gà dai) tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định.

Chiều 21/7, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Tài chính và Cục QLTT tỉnh Bình Phước cũng phát hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh có địa chỉ tại ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú kinh doanh một số sản phẩm đã quá hạn sử dụng. Ngay khi phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu sản phẩm sai phạm và lập biên bản để xử lý đối với trường hợp này theo quy định.

Cập nhật ngày 16/7/2021: 'bị trói tay' khi 70% cửa hàng tạm đóng cửa

Đó là những khó khăn mà ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc 2 chuỗi Thế Giới Di Động - Điện Máy Xanh (TGDĐ - ĐMX), nêu ra trong cuộc họp với nhà đầu tư mới đây.

Ông Hiểu Em kỳ vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát từ giữa tháng 9-10 trở đi, chuỗi bán hàng công nghệ này sẽ nỗ lực chạy đua với kế hoạch năm nay để có thể giữ được tăng trưởng dương như chỉ tiêu đặt ra từ ban đầu.

Theo báo cáo 7 tháng đầu năm, doanh thu TGDĐ - ĐMX vẫn đạt tăng trưởng dương 3% lên mức hơn 54.350 tỷ đồng, tương đương với 58% kế hoạch năm. Với quỹ thời gian còn lại đến cuối năm, doanh nghiệp kỳ vọng có thể đạt được kế hoạch năm nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Chuỗi bán hàng công nghệ bắt đầu chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Trong khoảng đầu tháng 5 đến giữa tháng 7, khoảng 600-800 cửa hàng của công ty tạm đóng cửa và hạn chế bán hàng. Dù vậy, giai đoạn này vẫn chưa thật sự quá nghiêm trọng khi hoạt động giao hàng online vẫn được thực hiện giúp duy trì doanh số.

The Gioi Di Dong,  Ban hang cong nghe,  The Gioi Di Dong tam dong cua hang anh 1

70% cửa hàng quan trọng của TGDĐ/ĐMX tạm đóng cửa. Ảnh: T.L

Ông Hiểu Em đánh giá giai đoạn từ giữa tháng 7 đến hiện tại, tác động của dịch bệnh nghiêm trọng hơn, buộc toàn chuỗi này phải đóng cửa và hạn chế hoạt động 2.000 cửa hàng. Ngoài ra, việc siết chặt Chỉ thị 16 dẫn đến việc bán hàng online cũng khó thực hiện nên doanh nghiệp gần như bị “trói tay trói chân”, điều này dự kiến ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh tháng 7-8.

2.000 cửa hàng này chiếm khoảng 70% số lượng cửa hàng toàn quốc (2.700 shop) của TGDĐ - ĐMX. Điều đáng chú ý khi đây là những cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM hay trung tâm tài chính lớn nên đóng góp tỷ trọng rất lớn vào doanh thu.

“Mặc dù chỉ chiếm 70% số lượng nhưng nhóm này có thể đóng góp 85-90% doanh thu, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì doanh số của mình tầm khoảng 40% so với thời điểm trước đây”, ông Hiểu Em chia sẻ.

Về bán hàng online, TGDĐ - ĐMX đặt mục tiêu doanh thu tăng khoảng 50% lên 13.500 tỷ đồng trong năm nay. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu online đạt khoảng 6.000 tỷ đồng và thực hiện 45% kế hoạch năm.

Đặc biệt doanh số tháng 7 đạt khoảng 1.000 tỷ, tăng 75% so với cùng kỳ khi nhu cầu mua sắm online được đẩy lên do dịch bệnh. Ông Hiểu Em cho biết đã có những điều chỉnh chiến lược cho hoạt động online để tạo ra sức cạnh tranh vượt trội, đồng thời dịch bệnh cũng là lợi thế cho mảng này tiếp tục phát triển thời gian tới.

Theo lãnh đạo TGDĐ - ĐMX, khi 2.000 cửa hàng tạm đóng cửa và online cũng cũng gặp khó khăn, không có cơ hội phát triển doanh thu nên doanh nghiệp tập trung tiết giảm chi phí tốt nhất.

Một số phương án được đưa ra như điều động 40% nhân sự đang làm việc tại các cửa hàng tạm đóng cửa để chuyển sang hỗ trợ bán hàng tại mô hình Bách Hóa Xanh cùng tập đoàn, điều này cũng góp phần giúp Bách Hóa Xanh không bị quá tải. Do nhân sự điều điều chuyển nên TGDĐ - ĐMX đã giảm được các chi phí này.

Mặt khác, công ty cũng đang thương lượng với các chủ nhà để có những hỗ trợ giảm giá mặt bằng và đang nỗ lực thực hiện. Tiếp theo là phương án tiết giảm các chi phí vận hành tại cửa hàng như điện nước…

Song song đó TGDĐ - ĐMX cũng đang có những điều chỉnh về mặt thu nhập đối với cấp quản lý, theo tiêu chí cấp càng cao thì tác động thì điều chỉnh thu nhập càng lớn, giúp tiết giảm chi phí càng cao.

“Không có chuyện nhân viên đến giờ trực tại các shop đang tạm đóng cửa mà mở máy lạnh từ sáng đến chiều, mở đèn suốt ngày… không thể có như vậy, chúng tôi phải tiết giảm tốt nhất”

“Thời điểm bình thường chúng tôi đưa mục tiêu để đạt được doanh số, còn thời điểm này làm sao để tiết giảm chi phí thì chúng tôi đưa ra các đầu mục tiết giảm để thực hiện một cách tốt nhất, mang về kết quả tốt nhất”, ông Hiểu Em khẳng định.

Đối với việc cung ứng hàng hóa, CEO Thế Giới Di Động nhận thấy không thấy bất kỳ rủi ro nào, việc vận hành và mua hàng đều được tính trên hệ thống ERP, các đơn hàng được lên kế hoạch cho từng nhà cung cấp và giao đến từng cửa hàng.

Ông Hiểu Em nói thêm doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp theo tuần, theo tháng và thậm chí theo quý, nên các biến động ở hiện tại không có tác động lớn đến tình hình tồn kho hiện tại. Do quản lý bán hàng đến từng cửa hàng nên việc đặt hàng cũng lập tức điều chỉnh nếu có biến động.

Ngoài ra sản phẩm của TGDĐ - ĐMX đang kinh doanh thường có vòng đời khá dài, do đó tác động của dịch bệnh không gây ra nhiều rủi ro về lỗi mốt, việc trích lập dự phòng vẫn có nhưng cũng không phải con số lớn.

Vị này cũng nhắc thêm đã bắt đầu công tác chuẩn bị hàng hóa, để trường hợp dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ triển khai ngay một số chương trình bán hàng sau dịch và bán hàng dịp Tết, việc chuẩn bị hàng tồn kho được xem là yếu tố quan trọng cho thời gian tới.

Ông Hiểu Em cũng chia sẻ thêm về các thử nghiệm mới dù chưa đạt kỳ vọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh những cũng có những tín hiệu khả quan ban đầu. Trong đó ông khẳng định mô hình bán hàng cộng tác viên không có ảnh hưởng đến các cửa hàng của tập đoàn.

Kênh bán hàng cộng tác viên này chỉ phát triển ở những nơi chưa có cửa hàng TGDĐ - ĐMX hoạt động, thậm chí đơn hàng giao tới cũng không thuộc nơi có cửa hàng của tập đoàn nên không có việc "dậm chân" lên khách hàng hiện hữu.

Thử nghiệm bán hàng này được khởi động từ cuối tháng 5 và đến nay đã có 2.600 đại lý với doanh số khoảng 35 tỷ đồng/tháng, chưa đạt được mục tiêu ban đầu là 10.000 đại lý và 100 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng đang điều chỉnh lại hệ thống để tăng tốc ngay sau dịch được kiểm soát, nhằm đạt được con số đã đề ra.

Thử nghiệm mặt hàng xe đạp dự kiến mở 150 cửa hàng theo hình thứ shop-in-shop, tức là mở rạp ngay trước cửa hàng Điện Máy Xanh. Tuy nhiên cũng do dịch bệnh nên mô hình chưa thể tăng tốc khi dự kiến chỉ có 30 cửa hàng vào cuối tháng 8.

Dù vậy ông Hiểu Em khẳng định không thay đổi mục tiêu 150 shop và sẽ đẩy mạnh mở mới sau dịch bệnh, mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng. Ông ước tính nếu đạt 150 trên cửa hàng và sản lượng bán 12-15 xe mỗi ngày (giá trung bình 3,5 triệu đồng) thì mỗi tháng doanh số bán xe đạp có đóng góp rất lớn khoảng 1-1,5 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng.

Với thị trường nước ngoài, tập đoàn này đã chuyển đổi từ cửa hàng Bigphone sang Bluetronics tại Campuchia để đa dạng hóa sản phẩm và tăng doanh thu, số lượng hiện có là 50 shop để đứng đầu thị trường nước này.

Doanh thu trung bình Bluetronics trả ra khoảng 1,2 tỷ/tháng nhưng gần đây dịch bệnh tác động nặng nề khiến nhiều cửa hàng đóng cửa và chưa đạt được mục tiêu có lời. Ông Hiểu Em dự báo khi dịch bệnh được kiểm soát thì chuỗi này sẽ đạt được mục tiêu có lời, bởi biên lợi nhuận gộp hiện tại khoảng 22% nhưng chi phí đầu tư ban đầu đang lớn nên khó sinh lời.

“Ngoài việc đóng góp doanh thu thử nghiệm này còn có ý nghĩa lớn hơn, đây là mô hình chúng tôi mang sang một thị trường lạ lẫm nên có nhiều phát sinh về văn hóa tiêu dùng, mua hàng, xây dựng, nhà cung cấp, giao hàng, bảo hành…", ông Hiểu Em nói.

"Nhưng điều này giúp chúng tôi học rất nhiều, là bàn đạp để manh nha nhắm tới các thị trường khác như Indonesia hay Philippines. Dịch bệnh đang làm mọi kế hoạch đứng lại nhưng một khi được kiểm soát được thì khả năng Điện Máy Xanh sẽ chinh phục một vài thị trường trong khu vực”, vị doanh nhân gợi mở.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)

MWG là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh. Ngoài ra, MWG đã mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy tại Campuchia và đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang.

Tiền thân là Công ty TNHH Thế Giới Di Động (Mobile World Co. Ltd) thành lập năm 2004, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (“Công ty” hay “MWG”) được thành lập theo Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp số 0306731335 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 16/01/2009. Công ty là nhà bán lẻ số 1 tại Việt Nam tính theo quy mô, doanh thu và lợi nhuận; đồng thời là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á-Thái Bình Dương theo bảng xếp hạng Top 500 Asia-Pacific Retailers do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia) bình chọn năm 2018.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới gần 4.000 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Năm 2020, thành viên mới của MWG là 4KFarm ra đời với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn theo chuẩn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.