Hoạt động đầu tư và M&A của MSN (Masan): đầu tư dự án khu du lịch sinh thái ở Ninh Thuận

MĂNG GIANG

15/01/2024 06:47

Tập đoàn Masan đang đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Krông Pha quy mô hơn 10 ha tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Thông tin này được lãnh đạo Tập đoàn Masan cho biết tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam mới đây về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

 

Hiện tại, Masan đã có 11 cửa hàng bán lẻ Vinmart tại Ninh Thuận và đang đầu tư vào dự án Khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng và nhà máy nước khoáng Krông Pha, huyện Ninh Sơn. Tập đoàn này đang hoàn thiện các thủ tục, cải thiện khu du lịch sinh thái và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm nay.

Chủ tịch Ninh Thuận đánh giá cao Masan đã đến tỉnh này để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mong muốn doanh nghiệp xúc tiến đầu tư các lĩnh vực có thể mạnh, nhất là về chế biến hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu các sản phẩm của địa phương, phát triển trang trại nông nghiệp.

Ông Nam đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, hiện thực hóa các dự án đầu tư. Với khu du lịch sinh thái và nhà máy nước khoáng Krông Pha, Chủ tịch Ninh Thuận yêu cầu giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc tại dự án theo đúng quy định, tạo điều kiện để Masan đầu tư thuận lợi, hiệu quả.

Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Krông Pha có quy mô 10,9 ha trước đây do Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất Krông Pha làm chủ đầu tư. Dự án gồm khu sinh sinh thái nghỉ dưỡng với 18 bungalow, dịch vụ tắm nước khoáng nóng và nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai.

Tuy nhiên, giữa năm ngoái, công ty Krông Pha đã thông báo ngừng hoạt động dự án. Trước đó, do chưa có phương án kinh doanh khả thi, doanh nghiệp này cũng báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất chuyển nhượng 100% cổ phần cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án.

Cập nhật ngày 28/4/2022: chi 65 triệu USD mua cổ phần Trusting Social

Tập đoàn Masan đầu tư 65 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần Công ty Trusting Social, một doanh nghiệp fintech, trí tuệ nhân tạo và sẽ phát hành thẻ tín dụng tương tự của ngân hàng.

Thông tin này được ông Nguyên Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MSN), chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 28/4. Sự xuất hiện của Trusting Social cũng đồng thời thể hiện trên báo cáo tài chính quý đầu năm.

Trusting Social là công ty con của Trust IQ Pte. Ltd. có trụ sở tại Singapore và được hậu thuẫn bởi nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp. Trusting Social được biết đến nhiều nhất nhờ công cụ chấm điểm tín dụng và đánh giá năng lực tài chính của người đi vay.

Ông Quang cho biết hợp tác này sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Masan từ một công ty bán lẻ và hàng tiêu dùng thành một hệ sinh thái tiêu dùng và công nghệ tích hợp từ offline đến online.

Trong ngắn hạn, ông kỳ vọng việc ứng dụng trí tuệ nhận tạo và máy học giúp công ty tối ưu chi phí và cải thiện hiệu quả một số hoạt động như chọn vị trí cửa hàng bán lẻ, xây dựng kế hoạch cung cầu, danh mục sản phẩm, bán hàng, tiếp thị... Nền tảng bán lẻ ứng dụng công nghệ về dài hạn có thể giúp công ty cung cấp các giải pháp tài chính đến người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng.

Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Trusting Social Nguyễn An Nguyên cho hay thành quả đầu tiên của hợp tác này là một loại thẻ tín dụng tương tự thẻ của ngân hàng.

Ông Nguyên đặt mục tiêu trong năm nay sẽ phát hành 1 triệu thẻ và khẳng định công ty tự tin hoàn thành kế hoạch này. Sau hơn một năm làm việc với Masan, ông nhận thấy 80% khách hàng của doanh nghiệp này đang thanh toán bằng tiền mặt và họ có các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng.

Việc cấp tín dụng này giúp người tiêu dùng điều hoà chi tiêu và tăng sức mua, đặc biệt với những người sống ở khu vực nông thôn và có thu nhập phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, thẻ tín dụng còn là một kênh thanh toán mới và có thể tích hợp chương trình khách hàng thân thiết.

Người đứng đầu Tập đoàn Masan cũng đánh giá mục tiêu phát hành 1 triệu thẻ cho những người tiêu dùng phổ thông như tiểu thương, nông dân là khả thi. Phần đông người tiêu dùng phổ thông chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thu nhập cố định để được ngân hàng cấp tín dụng, dẫn đến họ chỉ có thể thoả mãn nhu cầu tài chính từ túi tiền của chính mình.

"Chúng tôi hợp tác để cố gắng thay đổi, làm sao cho cơ hội tiếp cận của người tiêu dùng với hàng hoá và dịch vụ có chi phí tín dụng thấp nhất", ông Quang nói.

Ứng dụng công nghệ vào bán lẻ, theo ban lãnh đạo Masan, là một trong những yếu tố giúp công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh. Năm nay công ty trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 22-36%, lên 90.000-100.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 6.900-8.500 tỷ đồng, tăng 82-124% so với cùng kỳ.

Cập nhật ngày 7/12/2021: Masan Group đề xuất xây dựng dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm 3.500 tỷ tại Hậu Giang

Mới đây nhất, Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) để xem xét đề xuất đầu tư dự án trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 tại khu công nghiệp sông Hậu.

Tại Hậu Giang, Masan Group hiện có 2 cụm nhà máy, gồm: nhà máy bia Masan và trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 1 với số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giai đoạn 2022 – 2026, Masan Group đề xuất đầu tư dự án trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2, với số vốn khoảng 3.500 tỷ đồng, quy mô tối thiểu 40ha, công suất 1.100 triệu gói mì/năm, trên 251 triệu lít nước giải khát/năm tại khu công nghiệp sông Hậu, tiến độ triển khai từ năm 2022 – 2023.

Bên cạnh đó, Masan Group cũng đề xuất tỉnh Hậu Giang đưa dự án này vào quy hoạch các dự án trọng điểm của tỉnh và xin được đối ứng một phần giá trị đền bù giải phóng mặt bằng để được giao quỹ đất sạch sớm nhất vào năm 2023.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh thống nhất đề xuất đầu tư dự án trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 tại khu công nghiệp sông Hậu và yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện để dự án triển khai thuận lợi.

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với mức 55.618 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước.

Như vậy, kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh như trên sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn trong dài hạn. 

Cập nhật ngày 20/9/2021: The Sherpa - thuộc Tập đoàn Masan mua lại 70% cổ phần Mobicast

Công ty TNHH The Sherpa - thuộc Tập đoàn Masan vừa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, mở đầu sang lĩnh vực viễn thông. Đây là một start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO), sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.

Masan đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các đơn vị thành viên như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cho biết cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.

Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông được xem là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, thông qua kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết Masan Group có tầm nhìn phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (vốn chiếm 50% chỉ tiêu của người tiêu dùng) cho 50 triệu người khách hàng Việt Nam vào năm 2025. Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa “Point of Life”, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.

Trong khi đó, Mobicast được thành lập vào năm 2016 và chính thức nhận được giấy phép vận hành mạng MVNO với thương hiệu tiêu dùng Reddi vào năm 2019, nhắm đến phân khúc mục tiêu là người tiêu dùng trẻ.

Hiện Reddi cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Các mảng di động ảo hợp tác với các Nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.

Các MNO được hưởng lợi nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi đó các MVNO có mô hình kinh doanh tinh gọn nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn. Trên thế giới, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến. Ví dụ như tại Anh, gần 20% thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng MVNO.

Reddi là MVNO đầu tiên tại Việt Nam đầu tư xây dựng nền tảng E-MVNO hoàn chỉnh, Reddi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến và hướng đến chuyển đổi thành siêu ứng dụng dựa trên dịch vụ cốt lõi là dịch vụ di động.

Start-up này sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Điều này giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số và nền tảng trải nghiệm khách hàng cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Cập nhật ngày 24/5/2021: The Sherpa của MSN mua 20% vốn chuỗi trà sữa Phúc Long

Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan (MSN), trưa nay thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá 15 triệu USD. Điều này đồng nghĩa Masan định giá công ty này 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng.

Phúc Long Heritage mới thành lập cách đây 3 ngày, hoạt động trong lĩnh vực buôn bán trà và cà phê. Công ty có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Bội Minh – người sáng lập Phúc Long – sở hữu 94,5% vốn ban đầu và giữ chức tổng giám đốc.

Sau khi mua cổ phần, một công ty thành viên khác của Masan là VinCommerce hợp tác với Phúc Long triển khai mô hình ki-ốt tại các cửa hàng VinMart+.

Ki-ốt Phúc Long bên trong cửa hàng Vinmart+ tại TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ki-ốt Phúc Long bên trong cửa hàng Vinmart+ tại TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Danny Le – Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết đã thử nghiệm mở 4 ki-ốt Phúc Long trong các cửa hàng VinMart+ tại TP Thủ Đức. Hợp tác này giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà Masan đang hướng tới, biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

"Masan và Phúc Long hướng tới mục tiêu mở 1.000 ki-ốt tương tự trong 12 tháng tiếp theo", ông Danny Le nói, đồng thời cho biết kỳ vọng đến năm 2025, chuỗi thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp 500 triệu USD doanh thu vào The CrownX – công ty con của Masan.

Theo thoả thuận hợp tác, các ki-ốt sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh thí điểm, ban lãnh đạo Masan dự đoán hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart+ thêm 4% so với hiện tại.

Phúc Long được thành lập năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Doanh nghiệp này mở 3 cửa hàng đầu tiên để giới thiệu trà và cà phê pha máy tại TP HCM vào những 80 của thế kỷ trước, nhưng đến 2012 mới chính thức mở rộng hoạt động trong ngành đồ uống thông qua việc khai trương cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea tại quận 7. Phúc Long hiện có khoảng 60 cửa hàng tại TP HCM và 7 tỉnh, thành phố khác.Doanh thu chuỗi này liên tiếp tăng trưởng hai chữ số trong những năm trở lại đây, gần nhất năm 2019 đạt 780 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (HOSE: MSN)

MSN được thành lập vào tháng 11 năm 2004 dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (tên tiếng Anh là Ma San Group Corporation) vào tháng 8 năm 2009 và đã niêm yết thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM vào ngày 05 tháng 11 năm 2009. Công ty cũng đã chính thức thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vào tháng 07 năm 2015. Dù Công ty chính thức thành lập vào năm 2004 nhưng tính đến việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm của chúng tôi thì Masan Group đã hoạt động từ năm 1996.

Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, người tiêu dùng và nhu cầu của họ luôn không ngừng phát triển. Bên cạnh nhu yếu phẩm cơ bản hằng ngày, người tiêu dùng còn cần được phục vụ các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, những trải nghiệm vượt trội, phù hợp với sở thích của từng cá nhân và phong cách sống hiện đại. Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu, được nhiều người ưa chuộng. Đón đầu xu hướng này, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm có thương hiệu, Masan Group đã xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.