Kết quả kinh doanh FRT: quý 2/2023 bất ngờ báo lỗ 200 tỷ đồng

MĂNG GIANG

28/07/2023 21:54

Công ty FPT Retail (FRT) vừa công bố báo cáo kinh doanh quý gần nhất với nhiều điểm đáng chú ý về doanh thu và lợi nhuận.

frt-2-1627359471.jpg

Doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc FRT tăng gấp 3.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) vừa công bố BCTC quý 2/2023, ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 7.170 tỷ đồng - tăng 15% nhưng bất ngờ báo lỗ trước thuế 200 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 198 tỷ đồng do ảnh hưởng từ mảng bán lẻ ICT.

Gần 220 tỷ đồng trong quý 2/2023 là con số lỗ ròng (lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ) lớn nhất lịch sử của công ty này. Cùng với đó, FPT Retail giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người hồi đầu năm xuống còn 10.459 người.

Theo Công ty, giữa bối cảnh thị trường kinh tế nhiều biến động, 6 tháng qua thị trường bán lẻ ICT đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua khi thị trường chung giảm khoảng 24%, kèm theo đó là cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt để giành thị phần. FPT Retail cũng đã liên tục đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mại đổi mới nhằm đem đến mức giá cùng dịch vụ tốt cho khách hàng.

Theo đó, doanh thu lũy kế chuỗi FPT Shop trong kỳ đạt 8.118 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ. Mức giảm này theo FRT là thấp hơn mức giảm chung của thị trường.

Ở mảng dược phẩm, FPT Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý 2/2023. Doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Kết quả, tổng doanh thu lũy kế 6 tháng của hệ thống FPT Long Châu đạt mức 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, trong đó quý 2/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 6 năm nay, chuỗi FPT Shop có 800 cửa hàng. Trong đó có 585 cửa hàng bán gia dụng, tăng 285 cửa hàng so với đầu năm. Đồng thời, hệ thống FPT Long Châu nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.243 nhà thuốc, mở mới 306 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023.

Công ty cũng vừa hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 hệ thống phân phối hàng hóa tại khu vực miền Nam với giá trị đầu tư khoảng 10 triệu USD, diện tích sử dụng khoảng 30.000 m2. Trước đó, năm 2022, FPT Retail đã xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa giai đoạn 1 tại Hà Nội với diện tích sử dụng khoảng 10.000m2.

Cập nhật quý 1/2023: lỗ ròng 5 tỷ đồng

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, với khoản lỗ ròng 5 tỷ đồng. Đây cũng là quý ảm đạm nhất của ông lớn bán lẻ này kể từ quý 2/2020.

Trong 3 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 7,753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, chuỗi FPT Shop đóng góp 58% doanh thu, còn Long Châu chiếm phần còn lại.

Theo lý giải từ FPT Retail, chuỗi FPTShop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ dẫn đến FRT đã đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Điều này khiến doanh thu của chuỗi giảm 20%.

Trong khi đó, chuỗi Long Châu thể hiện tầm quan trọng của mình với FPT Retail trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm ICT yếu ớt, với doanh thu tăng trưởng 52% so với cùng kỳ. Đây là yếu tố giúp FPT Retail không giảm mạnh về doanh thu.

Bên cạnh bối cảnh sức cầu kém, FPT Retail còn chịu gánh nặng chi phí lớn hơn.

Trong quý 1/2023, chi phí lãi vay tăng 84.3% so với cùng kỳ, lên 85 tỷ đồng, còn chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 25% lên 913 tỷ đồng. Riêng chi phí quản lý giảm 30%.

Với những khó khăn kể trên, FRT Retail ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 165 tỷ đồng.

Cập nhật quý 4/2022: LNST 97 tỷ đồng, giảm 71%

FPT Retail (FRT) vừa công bố BCTC quý 4/2022. Ghi nhận, doanh thu giảm nhẹ và đạt 8.491 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về hơn 1.330,6 tỷ lợi nhuận gộp - tăng so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính giảm sút khi doanh thu giảm, chi phí tăng. Kết quả, LNST quý 4/2022 chỉ còn 97 tỷ đồng, giảm 71%.

Luỹ kế cả năm, doanh thu FRT vẫn ghi nhận tăng mạnh và đạt đỉnh mới với 30.277 tỷ đồng. Tương ứng, LNTT thu về 486 tỷ, LNST đạt 398 tỷ đồng, giảm so với năm 2021. So với kế hoạch 27.000 tỷ doanh thu và 720 tỷ LNTT, Công ty vượt chỉ tiêu doanh thu song chỉ thực hiện 67,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo giải trình từ FRT, trong quý 4/2022, Công ty đối mặt với nhiều bất lợi đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng, bất chấp 9 tháng đầu năm có kết quả kinh doanh rất tốt.

Với chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dược phẩm ít bị ảnh hưởng hơn, cùng với việc nhanh chóng mở rộng vùng phủ, FPT Long Châu đã có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Cập nhật quý 3/2022: lãi 84,5 tỷ, tăng 80%

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu quý III đạt 7.709 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, FRT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chuỗi FPT đem về 15.233 tỷ doanh thu, đóng góp 70% vào tổng doanh thu và tăng 32% so với 9 tháng năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng ba quý là 296 tỷ. Tính riêng quý III, lãi ròng của FPT Retail đạt 84,5 tỷ, tăng 80% so với quý III/2021.

Cập nhật quý 2/2022: lãi ròng đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 55%

Theo BCTC Hợp nhất quý 2/2022, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE : FRT) báo lãi ròng đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Quý 2, FRT đạt doanh thu thuần 6.2 ngàn tỷ đồng, giá vốn hàng bán 5.27 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng 43% và 40% so cùng kỳ. Sau khi khấu trừ, doanh nghiệp có lợi nhuận gộp hơn 943 tỷ đồng, tăng 56%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm nhẹ 10%, còn hơn 44 tỷ đồng. Các chi phí bật tăng mạnh, như chi phí tài chính (tăng 76%), chi phí bán hàng (tăng 69%). Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%, còn 95.86 tỷ đồng. Kết quả, Công ty báo lãi ròng gần 47 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FRT báo doanh thu gần 14 ngàn tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ. Lãi trước thuế và lãi ròng đạt lần lượt 263 tỷ đồng và 211 tỷ đồng, gấp 3.5 lần cùng kỳ. Sau 6 tháng, Công ty thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và 36.5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.

Giải trình về mức tăng trưởng trong kỳ, FRT cho biết quý 2/2021 là giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hàng loạt cửa hàng của FRT trên cả nước phải đóng cửa, dẫn đến doanh thu thấp. Quý 2 năm nay, “lá bài” chuỗi nhà thuốc Long Châu - công ty con của FRT - ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, gấp 2.5 lần cùng kỳ, sau khi mở thêm 410 cửa hàng.

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận chỉ còn 2 tỷ đồng, giảm 99%

Công ty CP FPT Retail (FRT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm với diễn biến trái ngược của 2 mảng kinh doanh cốt lõi là chuỗi dược phẩm và chuỗi bán hàng ICT.

Trong đó, hệ thống nhà thuốc Long Châu là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh quý I của FPT Retail khi ghi nhận doanh thu nhảy vọt lên 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ quý I/2022, tương đương mức thu hơn 36 tỷ đồng/ngày.

Chuỗi dược phẩm này vẫn duy trì tốt tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng cũng như hiệu quả hoạt động trên từng cửa hàng trong giai đoạn đầu năm nay. Đến cuối tháng 3, toàn chuỗi đã đạt 1.056 nhà thuốc với 119 địa điểm được mở mới so với đầu năm.

Với số lượng hiện tại, Long Châu đang là hệ thống nhà thuốc lớn nhất cả nước, xếp trên Pharmacity và chuỗi An Khang (của Thế Giới Di Động). Ông lớn bán lẻ này thậm chí vẫn đặt mục tiêu mở mới ít nhất 400 nhà thuốc trong năm nay để nâng tổng số lượng cửa hàng lên 1.400-1.500 điểm.

Trái ngược với mảng kinh doanh dược phẩm đang đi lên, mảng kinh doanh hàng ICT dưới thương hiệu FPT Shop của FPT Retail lại liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ cầu thị trường giảm cầu. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ buộc công ty phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple.

Áp lực nói trên đã làm doanh thu thị trường chung sụt giảm rất mạnh, chuỗi FPT Shop theo đó chỉ ghi nhận doanh thu đạt 4.513 tỷ đồng quý I, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Mới nhất, các sản phẩm của Apple đang được giảm giá mạnh và lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng tuyên bố sẽ hạ giá để không còn chênh lệch với các chuỗi bán lẻ đồ điện tử khác, chấp nhận cuộc chiến mới về giá.

Lãnh đạo FPT Shop cho rằng cuộc chiến về giá chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến ngành ICT nói chung. Do sức mua giảm nên các bên sẽ đua nhau giảm giá thu hút khách hàng và "chỉ kéo nhau đi xuống chứ không ăn được của nhau".

Tính đến hết quý I, hệ thống bán lẻ FPT Shop có 807 cửa hàng, trong đó bao gồm 424 cửa hàng có bán đồ gia dụng, tăng 144 cửa hàng so với đầu năm.

Do biến động ngược chiều và bù trừ trên, về mặt hợp nhất, FPT Retail vẫn ghi nhận doanh thu đi ngang trong quý đầu năm ở mức 7.753 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả toàn chuỗi lại xuống thấp khi lợi nhuận chỉ còn 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ bán hàng online cũng duy trì được mức tích cực khi chỉ giảm nhẹ về 1.410 tỷ đồng, tương đương chiếm 18% tổng nguồn thu của doanh nghiệp.

Cập nhật quý 4/2021: năm 2021 lợi nhuận 554 tỷ, gấp 19,5 lần năm 2020

FPT Retail (FRT) vừa công bố tình hình kinh doanh năm 2021, ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 22.495 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2020 và gấp 1,4 lần kế hoạch. Trong đó, doanh thu online cả năm 2021 đạt 6.285 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2020 và chiếm 28% tổng doanh thu hợp nhất FRT trong năm 2021.

Đáng chú ý, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020, giúp Long Châu chính thức có lãi nhẹ trong năm 2021. Như vậy, chuỗi Long Châu đã cán mốc có lãi trước 2 năm (Công ty đặt kế hoạch 2023 chuỗi sẽ có lãi).

Tại mảng ICT, doanh thu tăng mạnh mẽ so với mức tăng chung của thị trường Laptop, FRT vững vàng với vị thế là nhà bán lẻ Laptop số 1 thị trường, với doanh thu Laptop cả năm 2021 đạt 5.700 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Riêng quý 4, FPT Shop, F – Studio gặt hái nhiều thành tích trong mảng Apple khi mở bán thành công iPhone 13 series và Macbook Pro 2021, đưa doanh thu toàn ngành hàng Apple trong năm 2021 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2020.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Công ty đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần năm 2020 và gấp 4,6 lần kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Kết thúc năm 2021, chuỗi FPT Shop đạt 647 cửa hàng, tăng thêm 52 cửa hàng so với đầu năm 2021. Chuỗi Long Châu sở hữu 400 nhà thuốc trên khắp 53 tỉnh thành, mở mới 200 nhà thuốc so với đầu năm.

Chỉ riêng trong quý 4, gần 100 cửa hàng Long Châu được mở mới, nhờ đó Long Châu đã vượt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng đặt ra đầu năm 2021.

Cập nhật quý 3/2021: doanh thu tăng gấp rưỡi, lợi nhuận 47 tỷ

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết doanh thu thuần quý III tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này hơn 47 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng.

Luỹ kế chín tháng đầu năm FPT Retail thu gần 14.020 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 137 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt 14% kế hoạch cả năm.

Chuỗi bán lẻ đồ công nghệ FPT Shop đóng góp 82% tổng doanh thu, tương ứng 11.514 tỷ đồng. Phần còn lại 18% tương ứng 2.529 tỷ đồng doanh thu đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, kết quả kinh doanh giai đoạn này có hai thành công lớn. Thứ nhất là doanh thu mảng laptop đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng và tiếp tục đứng đầu thị phần bán lẻ ngành hàng này. Tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu mua sắm laptop để phục vụ công việc và mùa tựu trường, cộng thêm việc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi.

Thành công thứ hai là doanh thu chuỗi nhà thuốc tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải điều này, ban lãnh đạo FPT Retail nhận định quy mô hệ thống gần 300 cửa hàng hoạt động xuyên suốt bất chấp nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội để chống đợt dịch lần thứ tư là yếu tố quan trọng nhất. Việc kinh doanh theo chuỗi cũng giúp công ty có lợi thế về nguồn hàng, đàm phán với đối tác để bình ổn giá thuốc và trợ giá đơn hàng. Kênh bán hàng trực tuyến cũng được nâng cấp nên phục vụ số lượng đơn đặt hàng trong đợt dịch gấp 10 lần bình thường.

Tính đến cuối tháng 9, FPT Retail có 630 cửa hàng FPT Shop và 308 nhà thuốc Long Châu. Cao điểm đợt dịch vừa qua rơi vào quý III nhưng công ty vẫn có 40 nhà thuốc mới hoạt động và dự kiến trong quý cuối năm có thêm khoảng 42 nhà thuốc mới.

Tổng tài sản của công ty đến cuối quý III đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính cao với giá trị nợ hơn 7.154 tỷ đồng, trong đó hơn 5.100 tỷ đồng là các khoản vay tài chính ngắn hạn.

Cập nhật quý 2/2021: 6 tháng 2021 lợi nhuận 76 tỷ, tăng 189%

Kết thúc 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 9.024 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2020, thực hiện 55% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, với lợi thế là nhà bán lẻ laptop số 1 thị trường, trong điều kiện nhu cầu mua laptop tăng cao trong mua dịch, doanh thu laptop của FRT 6 tháng đạt 1.329 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện, Công ty có 68 trung tâm laptop.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất FRT thu về 76 tỷ đồng, tăng trưởng 189% so với cùng kỳ, thực hiện 63% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2021.


Về mảng online, doanh thu trong kỳ tăng 10% và đạt 2.829 tỷ đồng, chiếm 31% tổng doanh thu hợp nhất FRT.

Về mạng lưới cửa hàng, kết thúc nửa đầu năm 2021, chuỗi FPT Shop đạt 625 cửa hàng, mở thêm 30 cửa hàng so với đầu năm 2021. Cùng với đó, chuỗi Long Châu đã ký đủ 150 hợp đồng thuê nhà, mở bán được 68 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng đang hoạt động lên 268 cửa hàng.

Cập nhật quý 1/2021: lãi sau thuế 31 tỷ, giảm 13%

FPT Retail (FRT) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021 với doanh thu 4.692 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp thu về 585,5 tỷ đồng, tăng so với mức 563,5 tỷ đồng hồi quý 1/2020.

Trong kỳ, chi phí lãi vay được cắt giảm đáng kể, chỉ còn 20 tỷ so với mức hơn 44 tỷ trong quý đầu năm ngoái. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm...

Khấu trừ, FRT đạt lãi sau thuế 31 tỷ đồng, giảm 13%. So với kế hoạch 2021, 3 tháng Công ty thực hiện được khoảng 1/3 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tiếp tục chủ trương mở rộng những ngành hàng mới hỗ trợ tăng trưởng, song song với đầu tư phát triển mảng chủ lực tương lai là dược, quý đầu năm nay Công ty đã khai trương cửa hàng đồng hồ Garmin đầu tiên tại Hà Nội. Đây là dòng sản phẩm đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe và luyện tập thể thao tiện lợi cho người dùng vào ngày 11/4, doanh thu cán mốc 400 triệu đồng sau 3 giờ mở bán.

Song song, FRT cũng khai trương 68 trung tâm laptop nhằm tạo điều kiện nâng cao dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu laptop ngày càng tăng của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu laptop trong quý 1 theo đó tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT Retail (mã FRT)

Được thành lập từ năm 2012 tại Việt Nam, là một thành viên của Tập đoàn FPT, sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop và F.Studio By FPT với tổng số cửa hàng là 500 trên khắp 63 tỉnh thành (tính đến tháng 4/2018).

Hệ thống bán lẻ FPT Shop là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ… FPT Shop là hệ thống bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam đuợc cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 về quản lý chất luợng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, FPT Shop là chuỗi bán lẻ lớn thứ 2 trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ.
Chuỗi cửa hàng F.Studio By FPT: Là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam ở cấp độ cao cấp nhất, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple. FPT Retail là công ty đầu tiên có chuỗi bán lẻ với đầy đủ mô hình cửa hàng của Apple bao gồm: Cấp 1 là APR (Apple Premium Reseller), cấp 2 AAR (Apple Authorised Reseller) và iCorner, mang đến cho khách hàng không gian tuyệt vời để trải nghiệm những sản phẩm công nghệ độc đáo, tinh tế của Apple cùng dịch vụ bán hàng và chất lượng chăm sóc khách hàng cao cấp và thân thiện nhất.
Trong suốt nhiều năm qua, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, trung thành với chính sách “tận tâm phục vụ khách hàng”, FPT Retail quyết tâm hoạt động, xây dựng phong cách phục vụ khách hàng cho tất cả các mảng kinh doanh dù mới hay cũ, lấy đó làm nền tảng tăng trưởng bền vững, hoàn thiện hình ảnh một thương hiệu gần gũi, thân thiện và hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu .

Luôn đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động, FPT Shop đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên với phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình và tận tâm với khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng trung tâm kinh doanh trực tuyến hiện đại nhất để khách hàng có thể tìm thấy FPT Shop dễ dàng và nhanh nhất.

Sự đầu tư nghiêm túc và nỗ lực không ngừng của FPT Retail đã được cộng đồng ghi nhận qua số lượt khách hàng đến tham quan mua sắm tăng mạnh và ổn định trong suốt nhiều năm qua. Sau 6 năm hoạt động, FPT Retail đã tạo dựng được niềm tin nơi Quý khách hàng khi là nhà bán lẻ đứng thứ 1 về thị phần máy tính xách tay tại Việt Nam (từ năm 2015 đến nay), đứng thứ 2 về thị phần điện thoại và là nhà bán lẻ Apple chính hãng hàng đầu tại Việt Nam với đầy đủ các chuẩn cửa hàng từ cấp độ cao nhất APR và là top 4 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13.147 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 363 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2,034 tỉ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15.47% tổng doanh thu của công ty.

FPT Retail cũng vinh dự được nhận nhiều giải thưởng: Top 100 giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng” do người tiêu dùng bình chọn (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức), được vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam liên tiếp trong 3 năm 2013, 2014, 2015  và năm 2017 (Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức), Nhà bán lẻ được yêu thích nhất 2016 do Thời báo Kinh tế VN bình chọn. Tính đến tháng 7/2017, FPT Retail lọt vào Top 4 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam, Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương (Retail Asia). Tháng 11/2017, FPT Retail đã lọt Top 10 nhà bán lẻ uy tín do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá VN (Vietnam Report) và báo điện tử Vietnamnet tiến hành khảo sát. Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, với doanh thu 15.717 USD / m2, FPT Retail là nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.