Kết quả kinh doanh FCN (Fecon): quý 1/2023 chi phí lãi vay tăng 44%, lên hơn 66 tỷ đồng

CHIỀU THU

09/05/2023 06:19

Công ty CP FECON (mã FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý gần nhất với các con số đáng chú ý về doanh thu và lợi nhuận.

fcn-2-1652169585.jpeg

FCN (Fecon) sẽ tiếp tục đầu tư, khai thác những dự án lớn liên quan tới năng lượng tái tạo – khu công nghiệp – khu đô thị.

Trong 3 tháng đầu năm, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Fecon (mã ck: FCN) ghi nhận doanh thu thuần bán sản phẩm là 609,1 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. 

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 46% còn 5,7 tỷ đồng, do quý I năm ngoái Fecon ghi nhận lãi hoạt động đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính của công ty tăng 47% lên 69 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay đã tăng 44%, lên hơn 66 tỷ đồng. 

Các chi phí khác không có nhiều sự thay đổi so với cùng kỳ nên quý I, công ty lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 6,6 tỷ đồng. 

Năm 2023, FCN đặt kế hoạch kinh doanh với 3.800 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 110 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, sau quý đầu năm, công ty thực hiện được 16% mục tiêu doanh thu và còn ở rất xa so với mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/3/2023, Fecon ghi nhận tổng tài sản là 7.872 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm 45% trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn 3.393 tỷ đồng và 123 tỷ đồng tiền thu dài hạn. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn của doanh nghiệp ở mức 187 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của FCN ghi nhận với 1.639 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của công ty ở mức 4.377 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính ở mức 3.050 tỷ đồng, gồm 1.891 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.159 tỷ đồng vay dài hạn.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 3.495 tỷ đồng ở cuối quý I/2023, trong đó có 517,5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 336,8 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 175 tỷ đồng.

Cập nhật quý 4/2022: cả năm lợi nhuận sau thuế 51,3 tỷ đồng, giảm 27%

CTCP Fecon (HOSE: FCN) công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với khoản lợi nhuận cao nhất trong 2 năm qua.

Cụ thể, quý 4/2022, FCN ghi nhận doanh thu thuần đạt 838 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp giảm 55% về 62 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ tăng đột biến lên 123 tỷ đồng nhờ thoái vốn dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Đồng thời, FCN mang về 25 tỷ đồng lợi nhuận khác, nhờ vào việc chia sẻ đường dây điện ở dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Kết quả, FCN báo lãi trước thuế 63,7 tỷ đồng, tăng 3,5 lần và lợi nhuận sau thuế 49,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 272 triệu đồng.

Lũy kế cả năm 2022, FCN đạt 3.043 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với năm 2021, song doanh thu tài chính gấp 8,5 lần cùng kỳ đạt 161 tỷ đồng. Theo đó, FCN ghi nhận lợi nhuận trước thuế 77,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 51,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 27% so với năm 2021. Đáng chú ý đây là mức lãi thấp nhất của FCN kể từ khi niêm yết (tháng 7/2012).

Cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận sụt giảm 97%, còn 2 tỷ

Quý III/2022, lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) tăng 9%, đạt 102 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 10,7% lên 15,3%.

Quý III/2022, doanh thu thuần của Fecon đạt 664 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp tăng 9%, đạt 102 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 10,7% lên 15,3%.

Trong quý, hoạt động tài chính khởi sắc khi ghi nhận doanh thu tăng 54,5% lên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, các loại chi phí đồng loạt tăng cao đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 4,8 tỷ đồng, giảm 78%. Khấu trừ thuế, Fecon chỉ còn 749 triệu đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ con số này là 20 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Fecon đạt 2.205 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 11%, đạt 296 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% xuống 13,4%.

Trong 9 tháng, doanh thu tài chính tăng gấp đôi, đạt 38 tỷ đồng song chi phí tài chính cũng tăng cao 50% lên 156 tỷ đồng.

Khép lại 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Fecon sụt giảm 97%, còn 2 tỷ đồng.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận sau thuế đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 76%

Công ty CP FECON (HoSE: FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo tài chính của FECON cho thấy, quý II/2022, doanh thu bán hàng đạt 1.039 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp bán hàng của FECON chỉ đạt 106 tỷ, giảm 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù, trong quý II/2022 ghi nhận doanh thu bán hàng tăng nhưng không thể giúp FECON có lợi nhuận tăng trưởng hơn năm trước. Theo đó, FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021 là 33,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, doanh thu bán hàng của FECON đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 1.340 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của FECON chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 49,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Giải trình về sự sụt giảm lợi nhuận nói trên, FECON cho biết, trong kỳ lợi nhuận gộp của Công ty mẹ và Hợp nhất giảm lần lượt là 101,7 tỷ đồng và 45,2 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 60,0% và 18,9%. Nguyên nhân chủ yếu do trong 6 tháng đầu năm chi phí đầu vào tăng đột biến. Với cơn bão giá chi phí nguyên liệu (Thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu) trong khi các dự án Công ty đã ký kết từ năm 2020 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định dẫn đến giá vốn bị tăng cao so với kế hoạch triển khai ban đầu.

Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đã bị suy giảm trầm trọng so với cùng kỳ. Mặc dù Công ty đạt tăng trưởng 14,9% doanh thu hợp nhất nhưng lợi nhuận gộp vẫn bị giảm khá mạnh so với kỳ trước.

Chi phí lãi vay hợp nhất Quý II/2022 tăng 35,6 tỷ đồng tương ứng mức tăng 56,35% so với cùng kỳ, chủ yếu do phát sinh tăng chi phí lãi vay của Công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay này được vốn hóa vào chi phí đầu tư của dự án, nhưng 6 tháng năm đầu năm nay là chi phí trong kỳ khi dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.

Tính đến ngày 30/6/2022, nợ phải trả của FECON là 4361 tỷ đồng. 

Cập nhật quý 1/2022: lần đầu báo lỗ

Fecon (Mã cổ phiếu: FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 7,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 18 tỷ đồng. EPS âm 45 đồng, trong khi cùng kỳ 143 đồng. Đây là lần đầu tiên Fecon báo lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2012.

Doanh thu bán hàng, xây lắp, và cung cấp dịch vụ giảm 13,5% còn 501,7 tỷ đồng. Giá vốn giảm thấp hơn nên lợi nhuận gộp giảm 16% còn 87,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp 17,5%, trong khi cùng kỳ 18,1%.

3 tháng đầu năm, đơn vị thu về 7,4 tỷ đồng lãi bán khoản đầu tư, làm cho doanh thu tài chính tăng 94,7% lên 10,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gần 60% do phí lãi vay và thuê tài chính tăng từ 28,6 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, với mức lần lượt là 6% và 2,5%.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm từ 27,8 tỷ đồng còn 64,6 triệu đồng. Lợi nhuận từ hoạt động khác âm 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gấp đôi, ở mức gần âm 2,5 tỷ đồng.

Sự sụt giảm chưa từng có trước đây của FCN đến từ việc doanh thu và lợi nhuận gộp trong kỳ giảm bởi tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp.

Tuy nhiên đây vẫn là một doanh nghiệp có tầm nhìn rất tích cực trong tương lai và với uy tín nhiều năm qua, FCN sẽ tiếp tục đầu tư, khai thác những dự án lớn liên quan tới năng lượng tái tạo – khu công nghiệp – khu đô thị.

FECON - Tập đoàn Xây dựng và Phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam (mã FCN)

Công ty Cổ phần FECON là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm.

Thành lập ngày 18/6/2004 từ một nhóm các kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, có tâm huyết với nghề, với sự năng động sáng tạo và kết hợp với đội ngũ công nhân lành nghề, hệ thống thiết bị đồng bộ với những công nghệ hiện đại, đến nay FECON đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nền móng công trình tại Việt Nam. FECON đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025. 

Hệ thống FECON cũng không ngừng được mở rộng với 8 đơn vị thành viên, cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao lên tới gần 1800 người. Với hơn 700 công trình lớn nhỏ, FECON đã dần định vị được thương hiệu, uy tín với các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước và quốc tế. Tới năm 2020, FECON đặt mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Với phạm vi kinh doanh đặc thù chuyên sâu về kỹ thuật nền móng công trình, FECON cung cấp giải pháp tổng thể, tối ưu cho nền móng công trình, bắt đầu từ những công việc nghiên cứu nền đất: Từ khảo sát địa chất và thí nghiệm địa kỹ thuật công trình đến các nhiệm vụ kỹ thuật; Thiết kế và thi công xử lý nền đất yếu; đến thiết kế, sản xuất và thi công cọc, móng các loại. Từ đó đưa ra và giải quyết các bài toán về Nền và Móng cho hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia như các nhà máy nhiệt điện: Nghi Sơn 1, Thái Bình 1&2, Long Phú 1, Nhơn Trạch 2; cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cùng nhiều dự án FDI nổi bật như: Nhà máy Điện tử Samsung (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tp.HCM); LG Hải Phòng; Honda…

Bên cạnh việc khẳng định vị thế số 1 về nền móng, FECON còn đón đầu, chiếm lĩnh thị trường trong lĩnh vực công trình ngầm đô thị. Ở lĩnh vực này, FECON áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để cung cấp các hạng mục thi công như Quan trắc trong xây dựng công trình ngầm, xử lý nền, chống thấm công trình ngầm, sản xuất thi công vỏ hầm và thi công hầm bằng khiên đào (TBM), khoan kích ống ngầm (pipe jacking)...

Với mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam, FECON đã tận dụng lợi thế, là những nguồn lực có sẵn trong lĩnh vực nền móng, công trình ngầm và các nguồn lực mới thiết lập để phát triển mảng thi công hạ tầng như: hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị… Năm 2014, FECON cùng các đối tác thành lập liên danh đầu tư vào dự án BOT Phủ Lý – Hà Nam và chính thức đi vào vận hành, khai thác từ năm 2016.

2020 được coi là năm bản lề của FECON trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh mới, trong đó ở mảng thi công, FECON bắt đầu tập trung vào các nhóm dự án trong lĩnh vực: Hạ tầng công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng giao thông, công trình ngầm. Nhờ hướng đi này, FECON đã biến những khó khăn trở thành cơ hội. Rất nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia có sự tham gia của FECON như loạt dự án điện gió: Điện gió Thái Hòa (Bình Thuận), Điện gió Lạc Hòa – Hòa Đông (Sóc Trăng), Điện gió Trà Vinh V1-3, Cụm trang trại điện gió lớn nhất Việt Nam BT Quảng Bình…; dự án Metro Line 3 Hà Nội, Hầm chui Lê Văn Lương (Hà Nội)…

Đây chính là những lĩnh vực kinh doanh chiến lược của FECON trong giai đoạn 5 năm tới, tập trung cao độ để trở thành nhà thầu chính của nhiều dự án công nghiệp – năng lượng, duy trì vị thế Top đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công trình ngầm.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.