Cập nhật cổ phiếu BSR: mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều giảm trong năm 2023

CTCK Bản Việt

14/03/2023 15:04

Cập nhật thông tin mới về hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

bsr2-1616811092.jpeg

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

 

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - chủ sở hữu và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - mới công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 tạm thời với chỉ tiêu doanh thu 95.545 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ đồng. So với năm liền trước, các chỉ tiêu kinh doanh này của nhà máy đã giảm lần lượt 43% và 89%.

Kế hoạch kinh doanh kể trên được công ty đưa ra dựa trên giả định giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng và tỷ giá quy đổi USD là 23.500 đồng/USD. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 kỳ vọng đạt trên 5,6 triệu tấn, bao gồm các sản phẩm chủ lực như xăng RON 95, RON 92, Diesel, Jet A1, LPG...

Với riêng công ty mẹ, Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 95.371 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 1.721,5 tỷ đồng. Công ty cũng có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền, tương ứng số tiền phải chi ra vào khoảng 930 tỷ đồng.

Nhà máy lọc hóa dầu này còn dự kiến chi gần 1.623 tỷ đồng cho các dự án đầu tư, trong đó gần 955 tỷ đồng để sử dụng cho việc nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và gần 579 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và tài sản cố định.

Thực tế, do có yếu tố vốn Nhà nước chiếm chi phối hơn 92%, Lọc hóa dầu Bình Sơn thường đưa ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, nhất là trong 2 năm gần đây khi điều kiện thị trường không thuận lợi.

Như năm 2022, chủ sở hữu Nhà máy lọc dầu Dung Quất đề ra mục tiêu lợi nhuận ban đầu chỉ hơn 1.295 tỷ đồng và đến cuối năm điều chỉnh kế hoạch lên 11.729 tỷ đồng. Kết quả, công ty vẫn có lãi đến 14.669 tỷ đồng.

Đối với các kế hoạch khác, lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết sẽ tập trung vận hành nhà máy ổn định với cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường, tối ưu công tác bảo dưỡng lớn tổng thể nhà máy lọc dầu lần thứ 5.

Công ty cũng sẽ thử nghiệm các loại nguyên liệu (dầu thô hoặc các cấu tử trung gian) để mở rộng giỏ dầu, nâng cao khả năng dự báo giá dầu và cung cầu thị trường để có kịch bản phù hợp.

Xem xét cơ hội hợp tác với các đối tác có năng lực để tìm giải pháp phù hợp phát triển thị trường sản phẩm hóa dầu, tăng khối lượng nhập các sản phẩm trung gian để tăng công suất các phân xưởng công nghệ.

Triển khai các bước tiếp theo của dự án nâng cấp mở rộng nhà máy, hoàn thành quyết toán cổ phần hóa và hoàn thiện chiến lược phát triển Bình Sơn đến năm 2030, trong đó có rà soát danh mục đầu tư để có phương án cân đối vốn chủ sở hữu và quản trị dòng tiền.

Cập nhật ngày 5/11/2022: Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất kỷ lục 112%

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR) cho biết, từ rạng sáng ngày 5/11, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức nâng công suất lên 112%. Đây là công suất lớn nhất của nhà máy kể từ khi vận hành tới nay.

Trong 10 tháng của năm nay, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết. Tồn kho của nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.

Vừa qua, thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng không nhỏ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo để bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Cập nhật ngày 26/9/2022: từng bước thực hiện thành công tối ưu vận hành, tăng nguồn nguyên liệu

Tại buổi làm việc với tư vấn Wood Group UK Limited (WOOD) mới đây, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và WOOD đã thống nhất có những bước tiếp theo của quá trình hợp tác để thực hiện thành công việc tối ưu vận hành, tăng nguồn nguyên liệu Propylene cho sản xuất hạt nhựa. 

Dự kiến, BSR sẽ triển khai cải hoán tích hợp với Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao khả năng sản xuất và thu hồi Propylene. 

Đầu năm 2021, BSR đã thử nghiệm thành công và nâng công suất phân xưởng  Polypropylene (PP) lên 115% công suất thiết kế, góp phần mang lại hiệu quả cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất hơn 70 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng về các sản phẩm PP trong nước. 

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình các cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh sẽ có tổng mức đầu tư mới là khoảng 1,2 tỷ USD. Công suất Nhà máy được nâng lên 171 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm).  

Sau khi hoàn thành Dự án, Nhà máy có thể vận hành dầu thô hỗn hợp có hàm lượng lưu huỳnh đến 0,34% khối lượng. Các sản phẩm xăng RON 92, RON 95 và dầu Diesel đạt tiêu chuẩn Euro V. Kế hoạch vốn dự kiến cho Dự án là 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án). 

Cập nhật ngày 22/4/2022: năm 2022 đặt kế hoạch lợi nhuận 1.295 tỷ, chuyển sàn HoSE đầu năm 2023

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 sáng ngày 22/4, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, năm 2022, công ty lên kế hoạch tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn sản phẩm. Dựa trên giá dầu 60 USD một thùng tại thời điểm cuối năm 2021, tổng doanh thu dự kiến 91.678 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.295 tỷ đồng.

Riêng quý I năm nay, BSR đã sản xuất hơn 1,6 triệu tấn, tiêu thụ 1,5 triệu tấn sản lượng. Tổng doanh thu ước đạt 35.471 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.029 tỷ đồng. Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2021 đã đạt lợi nhuận 6.026 tỷ, cao nhất kể từ sau cổ phần hóa.

Theo ông Dương, BSR sẽ giữ nguyên kế hoạch sản xuất kinh doanh và xem xét điều chỉnh ở giai đoạn sau, trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine kết thúc.

Tổng giám đốc BSR cho biết, việc nâng cấp mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ hoàn thành trong năm 2026.

 

"Sau khi nâng cấp mở rộng, BSR sẽ cung cấp sản phẩm đa dạng hơn, bao gồm cả hóa dầu và sau hóa dầu. BSR kỳ vọng các sản phẩm hóa dầu là dư địa lớn để công ty phát triển", ông Dương cho biết.

Theo Tổng giám đốc BSR, dự án hiện nay đã hoàn thành một số hạng mục chính như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao 108,2 ha, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập và phê duyệt thiết kế tổng thể...

BSR đang báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn Euro 5 và tăng cường sản phẩm hóa dầu, lãnh đạo công ty chia sẻ.

Hiện nay, dự án nâng cấp mở rộng đang điều chỉnh quy mô đầu tư từ 1,8 tỷ USD xuống còn 1,2 tỷ USD. BSR đã điều chỉnh một số sản phẩm được đánh giá không có lợi nhuận cao trong tương lai, thay thế bằng các sản phẩm có lợi nhuận và nhu cầu cao của thị trường.

Về sự phát triển của sản phẩm hóa dầu, Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội cho rằng ngành lọc dầu đang cạnh tranh khốc liệt trong khi lợi nhuận biên của lọc dầu còn thấp. Ông Hội nhận định, thị trường Việt Nam vẫn còn sử dụng xăng dầu tầm nhìn 2035-2040 nên BSR định hướng giữ thị phần lọc dầu ở một mức độ nhất định và từng bước chuyển hướng sang sản phẩm hóa dầu.

"Trong thời gian tới, BSR sẽ tập trung đầu tư nâng cấp một số dự án, tiếp tục dùng tiền trích quỹ đầu tư phát triển cho công ty", ông Hội cho hay.

Về hoạt động mua dầu thô và bán sản phẩm, Tổng giám đốc BSR cho biết nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo thiết kế ban đầu là chế biến dầu thô Bạch Hổ và đến nay vẫn ưu tiên sử dụng nguồn dầu thô trong nước. Khi nguồn dầu thô trong nước suy giảm, BSR đã nghiên cứu và chế biến được 16 loại dầu thô khác nhau gồm cả dầu thô nhập khẩu và nội địa.

Trong bối cảnh nguồn dầu thô thế giới biến động do ảnh hưởng căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, 80% lượng dầu thô đầu vào được BSR ký hợp đồng cung cấp dài hạn 6 tháng để đảm bảo nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định. Còn lại 20% lượng dầu thô được ký hợp đồng theo chuyến. Khi nguồn cung dầu thô lớn trên thế giới như châu Phi ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, BSR đề nghị được mua nguồn dầu thô tại các mỏ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chi phối hoặc có góp vốn để tối đa nguồn cung dầu thô trong nước.

Tại đại hội, BSR thông qua mục tiêu niêm yết cổ phiếu công ty trên sàn HoSE khi đủ điều kiện đến đầu năm 2023. Đại hội cũng thông qua các tờ trình và báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông năm 2022 trong đó bầu ông Hoàng Đình Nhật và bà Vũ Lan Phương làm thành viên Ban kiểm soát BSR nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Cập nhật ngày 16/8/2021: cắt sản lượng do tiêu thụ xăng dầu giảm đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực

Trước những diễn biến phức tạp của Covid 19, UBND tỉnh Quảng Ngãi (nơi nhà máy lọc dầu Bình Sơn của BSR đặt trụ sở) đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên các sản phẩm xăng dầu trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.

Nguyên nhân là do việc tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh khiến nhà máy phải giảm công suất xuống 90% (trong trường hợp xấu nhất) so với mức bình thường là 105-110%.

CTCK Bản Việt cho rằng đã nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo sản lượng của chúng tôi, xấp xỉ khoảng 10% từ 6,9 triệu tấn còn 6,3 triệu tấn, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Ngoài ra, hàng tồn kho tăng nhanh khi các nhà phân phối xăng dầu giảm đơn đặt hàng, trong khi kho dự trữ của BSR đã đầy và do đó, chi phí lưu kho bên ngoài sẽ tăng thêm.

Tuy nhiên, công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ phục hồi trong quý 4 và biên xăng dầu hiện tại nhìn chung khá ổn định ở mức giá dầu Brent hiện tại là 70 USD/thùng.

Trước đó, BSR đã công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2021 đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 106% dự báo cả năm của chúng tôi.

CTCK Bản Việt hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho BSR với giá mục tiêu là 17.600 đồng/CP.

CTCK Bản Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.