Cổ phiếu IBC (Apax Holdings) của 'Shark' Thủy bị hủy niêm yết

HỒNG MƠ

23/11/2023 09:12

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings. Nguyên nhân là IBC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

 

ibc-shark-nguyen-ngoc-thuy-2-1672101082.jpeg

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) - Công ty CP Apax Holdings (IBC) 

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào các diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup - hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia.... Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hồi tháng 7, ông Thủy giải thích rằng thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tổ chức.

Từ khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/9, IBC có thị giá 1.770 đồng một đơn vị. Mức này được thiết lập sau 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Mã chứng khoán Apax Holdings rớt giá mạnh so với mức 12.550 đồng hồi cuối tháng 11. Thời gian trước, cổ phiếu này cũng liên tục bị bán tháo, các công ty chứng khoán cũng thường xuyên bị bán giải chấp.

Trong buổi gặp cổ đông cuối tuần rồi, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết chiến lược sắp tới của Apax Leaders là khôi phục lại hoạt động kinh doanh ở thị trường TP HCM. Sau thời gian tái cấu trúc hậu khủng hoảng, chuỗi này đang có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc. Công ty ghi nhận hơn 11.000 học sinh, nhưng có đến 10.000 người thuộc dạng đã đóng tiền trước đó, nên doanh thu ghi nhận mới chưa cao.

Cập nhật ngày 26/6/2023: BVSC bán giải chấp 15 triệu cổ phiếu IBC (Apax Holdings) của 'Shark' Thủy

Công ty Chứng khoán Bảo Việc (BVSC) công bố bán 15 triệu cổ phiếu IBC (mã chứng khoán của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings) do Egroup cầm cố, từ ngày 22/6 đến ngày 12/7, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Với lượng cổ phiếu tương đương 18% vốn, nếu giao dịch trên thành công, tỷ lệ sở hữu của Egroup tại Apax Holdings sẽ giảm xuống còn khoảng 17%. Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, trước đây từng là công ty mẹ của Apax Holdings. Nhưng từ đầu năm, doanh nghiệp này mất quyền công ty mẹ khi liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Động thái này xảy ra sau khi Egroup rơi vào khủng hoảng về chất lượng dạy học, chậm trả hoặc nợ lương nhân viên và nhà đầu tư. Mất khoảng 5 tháng xoay xở, đến đầu tháng 4, ông Thủy tuyên bố tái cấu trúc công ty thành công giai đoạn đầu khi mở lại hơn 30 trung tâm Apax Leaders - mảng kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn nợ tiền nhà đầu tư cho đến 3-5 năm sau, trước mắt chỉ đưa ra các cách hoán đổi nợ lấy bất động sản, gói học tiếng Anh, gói đầu tư và đồ gia dụng.

Trong buổi họp nhà đầu tư tối 6/6, ông Nguyễn Ngọc Thủy nói bản thân không tin Egroup lâm vào hoàn cảnh khủng hoảng như hiện tại.

Gần đây, Egroup lập lộ trình trả nợ cho các nhà đầu tư đáp ứng hai trên ba tiêu chí gồm trên 80 tuổi, bệnh hiểm nghèo hoặc ung thư và nằm viện trên một tháng. Trước mắt, công ty sẽ dành tối đa 100 triệu đồng mỗi tháng để chi trả cho nhà đầu tư.

Song song đó, Apax Leaders cũng bắt đầu hoàn học phí cho phụ huynh theo ba đợt, lần lượt với 20% từ ngày 10/6 và 40% ở hai lần sau (ngày 20/7 và 20/8). Nếu số tiền dưới 5 triệu đồng, phụ huynh được thanh toán tất cả trong lần đầu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Apax Holdings đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch từ giữa tháng 5. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết lý do là công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày.

Trong văn bản gửi HoSE, ông Thủy giải thích lý do chậm là do công ty đang trong quá trình tái cấu trúc và thiếu nhân sự. Doanh nghiệp này sẽ sớm hoàn thành và công bố các báo cáo tài chính "trong thời gian sớm nhất". Ông Thủy hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định công bố thông tin đúng hạn trong năm sau.

Từ đầu năm đến nay, thị giá IBC giảm từ 3.600 đồng xuống còn 2.420 đồng một đơn vị vào cuối tuần trước. Đầu tháng 4, mã này có một đợt tăng giá sau khi Egroup công bố tái cấu trúc thành công giai đoạn đầu, có phiên IBC lên 3.100 đồng một cổ phiếu. Từ khi chuyển sang hạn chế giao dịch, thị giá mã này chỉ dao động vùng 2.500 đồng một đơn vị, tuy nhiên thanh khoản không suy giảm đáng kể so với đầu năm.

Cập nhật ngày 18/5/2023: 'Shark' Thủy (IBC) chơi khôn, tranh thủ trả nợ để bán cả hàng gia dụng và đất cho chủ nợ!

Tập đoàn Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy vừa đưa ra các phương án mới để cấn trừ nợ với nhà đầu tư, trong đó có đổi sang đồ gia dụng.

Bốn phương án giảm nợ vừa được Egroup đưa ra gồm bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng. Ba phương án đầu chỉ thay đổi về nội dung, riêng gạt nợ (cấn trừ nợ) bằng thiết bị gia dụng mới xuất hiện.

Nếu chọn gạt nợ bằng thiết bị gia dụng, nhà đầu tư sẽ nhận lấy các sản phẩm của hãng Bells (Đức) như máy hút mùi, bếp điện, bồ nồi, máy rửa chén, khóa cửa điện tử... Các sản phẩm được cung cấp theo bốn gói (combo) với giá trị thấp nhất khoảng 36 triệu đồng và cao nhất hơn 90 triệu đồng.

Nhà đầu tư sẽ trả tiền hơn một nửa giá trị combo, phần còn lại sẽ được Egroup thanh toán, xem như hoán đổi nợ. Phương án này được áp dụng cho mọi nhà đầu tư, không phân biệt giá trị dư nợ với công ty.

Bells được thành lập từ năm 1947, là hãng sản xuất thiết bị gia dụng phân khúc trung và cao cấp của Đức. Theo thông tin từ đơn vị phân phối, hãng này vừa ký hợp đồng đưa sản phẩm vào hơn 20.000 căn nhà ở xã hội tại TP HCM và Bình Dương trong thời gian tới. Egroup cho biết, mức giá đưa ra được niêm yết rõ ràng, đảm bảo về chất lượng xuất xứ và bảo hành trong ba năm.

Một phương án khác cũng được áp dụng với tất cả nhà đầu tư là gói học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ 6-15 tuổi. Gói này trị giá 7,8 triệu đồng một năm, nhà đầu tư trả một nửa, còn lại sẽ do Egroup quyết toán. Doanh nghiệp này đang đưa ra 100 suất.

Hai phương án còn lại dành cho các nhà đầu tư có dư nợ cao, chủ yếu tiếp tục triển khai cách hoán đổi nợ trước đó đã được đưa ra. Với gói tái cấu trúc, nhà đầu tư sẽ rót thêm tiền, ít nhất 100 triệu đồng, vào 10 trung tâm Apax Leaders/Apax English được Egroup chọn ra, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp này cam kết nhà đầu tư có thể lãi đến 300 triệu đồng sau quá trình tái cấu trúc. Đến nay, đã có 5 trung tâm hết hạn mức dành cho nhà đầu tư tham gia.

Với phương án bất động sản, Egroup đưa ra hai sản phẩm gồm đất nền và biệt thự. Trong đó, 25 lô đất nền tại Bắc Giang nằm tại các huyện Huê Vận, Tân Sơn, Đồi Gai, Nhã Nam và Thúy Cầu. Diện tích các lô đất dao động từ 45-775 m2 và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị được phía ông Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra từ 680 triệu đến 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ tỷ lệ gạt nợ tương ứng, nhà đầu tư cần bỏ thêm 58-70% giá trị được quy định để sở hữu.

Dòng sản phẩm gạt nợ còn lại là 12 căn biệt thự được hoàn thiện thô tại dự án Wynham SkyLake Resort & Golf Club (Chương Mỹ, Hà Nội). Diện tích mỗi căn là 200 m2, giá trị từ 12,6-12,9 tỷ đồng. Tỷ lệ gạt nợ được đưa ra là 43% và không quá 5,3 tỷ đồng mỗi căn, còn lại nhà đầu tư phải rót thêm tiền.

Phía Egroup không đề cập phương án hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư không đồng ý hoán đổi nợ theo bốn phương án kể trên. Tuy nhiên trong thông báo mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thủy tiếp tục xin lùi thời gian thanh toán các phần gốc và lãi. Công ty quyết tập trung toàn bộ dòng tiền vực dậy hoạt động kinh doanh. Dù đã mở cửa 33 trung tâm, chuỗi dạy tiếng Anh này vẫn "cần rất nhiều chi phí" để mở lại các trung tâm còn lại, từ đó đảm bảo ổn định dòng tiền để trả lại các nhà đầu tư.

Với lý do tương tự, Apax Leaders cũng gửi thông báo đến phụ huynh mong nhận được sự thông cảm và ủng hộ. "Chúng tôi xin phép không giải quyết bất kỳ trường hợp rút phí đơn lẻ nào trong giai đoạn kiện toàn hệ thống", thông báo nêu rõ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings - công ty con duy nhất trong hệ sinh thái Egroup được niêm yết, vừa bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết lý do là công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày. Trước đó, Apax Holdings cũng bị nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo thường niên. Ngoài ra, đến nay IBC cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý I.

Cập nhật ngày 11/2/2023: Bị giải chấp dữ dội, Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy mất quyền công ty mẹ tại Apax Holdings (IBC)

Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup mới thông báo đã bị các công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) và Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp hơn 13 triệu cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (Mã chứng khoán: IBC).

Trong đó, MAS đã ép bán hơn 4,2 triệu cổ phiếu trong thời gian 31/12/2022 - 6/1/2023 và BVSC bán gần 8,8 triệu đơn vị trong khoảng 16/12/2022 - 29/12/2022.

Do bị giải chấp lượng lớn cổ phần, lượng sở hữu của Egroup đã giảm nhanh từ gần 49,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 59,76%) xuống còn gần 36,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 44,11%). Tỷ lệ này khiến Egroup không còn là công ty mẹ tại Apax Holdings (trừ trường hợp Egroup chứng minh vẫn chi phối Hội đồng quản trị).

Ngoài Egroup thì chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy cũng bị bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC vào cuối năm ngoái, qua đó bị giảm sở hữu về còn 5,1 triệu đơn vị, tương ứng còn nắm giữ 6,17% vốn Apax Holdings.

Việc bán giải chấp thành công gần đây là nhờ cổ phiếu IBC được giải cứu thành công (sau chuỗi bán tháo khốc liệt 26 phiên giảm sàn liên tiếp) trong ngày 29/12/2022, với việc đảo chiều bất ngờ từ bán sàn khối lượng lớn để leo lên mức giá trần chỉ trong vài chục phút.

Kể từ thời điểm đó, IBC lại tạo ra cơn sốt "tranh mua" khi đang có chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp (tức tăng giá 70% sau 8 phiên) để leo lên 4.110 đồng/cổ phần. Thậm chí lúc kết phiên 10/1, mã chứng khoán này không còn bên bán với gần 5 triệu cổ phiếu tranh mua giá trần, để ngỏ khả năng kéo dài chuỗi đi lên trong các phiên sắp tới.

Trước đó, doanh nghiệp có giải trình chuỗi tăng trần đến từ cung cầu cùng của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định; phía công ty không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Apax Holdings đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Đây là công ty duy nhất trong hệ sinh thái Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thời gian qua, Apax Leaders vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

Cập nhật ngày 27/12/2022: Shark Nguyễn Ngọc Thủy bị bán giải chấp cổ phiếu IBC (Apax Holdings)

Gần 1 triệu cổ phiếu Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy và Tập đoàn Egroup vừa bị 2 công ty chứng khoán bán giải chấp.

Công ty CP Apax Holdings (IBC) vừa công bố báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Theo đó, trong ba ngày 20-22/12, ông Thủy đã bị Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 113.800 cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông từ 6,69 triệu cổ phiếu xuống còn 6,58 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,9%.

Bên cạnh đó, Egroup - công ty mẹ của Apax Holdings - do ông Thủy làm Chủ tịch HĐQT cũng bị bán giải chấp 71.900 cổ phiếu IBC trong ngày 19/12, khiến sở hữu của tập đoàn này tại Apax Holdings giảm xuống còn 58,8%. Đồng thời, tập đoàn này cũng bị Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 716.800 cổ phiếu IBC. Các giao dịch trên được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận/khớp lệnh liên tục.

Đợt bán giải chấp này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu IBC của Apax Holdings đang có chuỗi giảm sàn 23 phiên liên tiếp. Tại phiên giao dịch 26/12, thị giá IBC tiếp tục giảm kịch biên độ xuống còn 2.790 đồng/đơn vị, tương ứng mức giảm 85% so với thời điểm đầu tháng 11.

Trong lần giải trình gần nhất, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân giá cổ phiếu giảm mạnh đến từ việc nhà đầu tư có vay ký quỹ/thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Thời gian gần đây, Công ty CP Anh ngữ Apax - công ty con của Apax Holdings - vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.

ibc-shark-nguyen-ngoc-thuy-1672101082.jpeg

 Công ty CP Anh ngữ Apax - công ty con của Apax Holdings - vướng nhiều lùm xùm 

Ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

 

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.