Bán tháo ồ ạt, chứng khoán lần đầu chứng kiến phiên giao dịch 2 tỷ USD

MĂNG GIANG

20/08/2021 17:36

Lực bán tháo ồ ạt và lệnh bắt đáy đang cao giúp thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới về thành khoản 48.620 tỷ đồng trên cả 3 sàn chứng khoán.

screen-shot-2021-08-20-at-173517-1629455753.png
VN-Index vẫn lao dốc hơn 45 điểm (3,3%) xuống còn 1.329 điểm

Trong phiên giao dịch chiều 20/8, tâm lý nhà đầu tư vẫn tiếp tục dao động lớn và VN-Index biến động trong biên độ hẹp trong 60 phút đầu phiên chiều. Tuy nhiên chỉ số xấu đi nhanh chóng trong thời gian ngắn khi có thời điểm mất hơn 57 điểm, nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh lực cầu đỡ không có.

Nhưng cũng ngay trước phiên giao dịch ATC, dòng tiền bắt đáy mới lại nhập cuộc giúp VN-Index thu hẹp biến động giảm còn gần 40 điểm.

Kết phiên VN-Index vẫn lao dốc hơn 45 điểm (3,3%) xuống còn 1.329 điểm, mức thấp nhất nửa tháng qua. HNX mất 8 điểm (2,31%) xuống mức 338 điểm, số mã giảm giá là 170 so với mã tăng chỉ có 72. Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm hơn 2 điểm (2,12%) xuống còn gần 93 điểm

Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 ghi nhận đà lao dốc mạnh nhất khi mất gần 55 điểm (3,63%) và toàn bộ 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường chìm trong sắc đỏ.

Trong đó nổi bật là cổ phiếu VIC của Vingroup sau khi được kéo mạnh trong hôm qua thì sáng nay đã lao dốc 6,1% về 97.700 đồng/cổ phiếu, trở thành lực cản lớn nhất của thị trường. Ngoài ra hệ sinh thái Vingroup còn ghi nhận cổ phiếu VHM giảm 2,6% và VRE giảm 3,2% trong phiên hôm nay.

Một số khác như GVR của tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có thời điểm giảm sàn nhưng kết phiên còn giảm 6,3% về 36.350 đồng/cổ phiếu. Tương tự MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động giảm 4,9% trong hôm nay khi thông tin về lợi nhuận tháng 7 suy giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tương tự lao dốc rất mạnh, trong đó VCB giảm 2,6% và là cổ phiếu ngân hàng có đóng góp tiêu cực nhất lên chỉ số; tiếp đến là TCB của Techcombank, BID của BIDV và CTG của VietinBank.

Diễn biến tích cực hôm nay có nhóm phân bón khi DPM của Đạm Phú Mỹ tăng giá 3,6% và là cổ phiếu đóng góp tốt thứ 2 thị trường (chỉ xếp sau đóng góp của VGC khi đây là mã tăng trần hiếm hoi trong phiên). Ngoài ra LAS, DCM hat BFC cũng tăng mạnh 1-4%.

Bất chấp tín hiệu tiêu cực từ thị trường, cổ phiếu chứng khoán cũng không qua tiêu cực khi có nhiều cổ phiếu vẫn tăng trần như DSC, VFS và APG, bên cạnh đó một số cổ phiếu tăng mạnh như BMS, EVS, CTS, VIX, VIG…

Tâm lý bán tháo và bắt đáy liên tục xuất hiện cũng giúp thanh khoản tăng lên mức kỷ lục lên đến 48.620 tỷ đồng (2,1 tỷ USD), cao gấp rưỡi so với phiên hôm qua. Riêng giá trị giao dịch tại HoSE cũng tăng 50% so với phiên liên trước lên 38.350 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh lần đầu tiên đạt mức 37.630 tỷ đồng.

Đây là phiên giao dịch có giá trị rất đột biến, bỏ xa mức cao vào đầu tháng 6 khi HoSE buộc phải dừng giao dịch và cũng vượt qua mốc cũ gần nhất 31.616 tỷ đồng được lập vào ngày 12/7, tương đương tăng hơn 21% (hơn 6.700 tỷ) so với kỷ lục cũ.

Thanh khoản tăng đột biến dẫn đến một số bảng giá chứng khoán không thể đăng nhập và giao dịch bình thường. Ghi nhận trên thị trường có bảng giá của SSI xuất hiện tình trạng đen màn hình và lệnh vào chậm, không thể đăng nhập vào ứng dụng iWealth Club của Techcom Securities hay KBSV cũng mất kết nối.

Tuy nhiên tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số công ty, bảng giá ở một số đơn vị khác vẫn hoạt động bình thường như VNDirect và bảng giá một số công ty cũng đã được khắc phục vào cuối phiên.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.